.
.

Việt Nam chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính


Sáng 24/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có quy định về chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ đầu 2017.

Điều 37, Bộ luật này quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính
Kết quả biểu quyết về quyền chuyển đổi giới tính tại Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Hưng.

399 trong tổng số 446 đại biểu có mặt ở hội trường tán thành điều khoản này.

Đa số đại biểu ngay đó cũng đã biểu quyết thông qua toàn bộ Bộ luật. Theo đó, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm 27 chương 689 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017 thay vì từ giữa 2016 như dự kiến trước đó.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc lùi thi hành do đây là Bộ luật lớn, các cơ quan cần có thời gian chuẩn bị nhiều hơn để thống nhất thực hiện khi áp dụng.

Chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính
Trần Khánh Vi và Trương Hải Minh, hai 9X chuyển giới và công khai danh tính hiện sống ở TP HCM. Ảnh: Trường Nguyên.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi đại biểu nhấn nút biểu quyết, ông Phan Trung Lý cho hay, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác.

“Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc”, ông Lý cho hay.

Người chuyển giới (transgender) hay còn gọi là hoán tính, là trạng thái tâm lý giới tính của một người không phù hợp với giới tính của cơ thể. Chẳng hạn, một người sinh ra với cơ thể nam nhưng cảm nhận giới tính mình là nữ hoặc một người sinh ra với cơ thể nữ nhưng lại cảm nhận giới tính của mình là nam. Cảm nhận này không phụ thuộc vào việc người đó có làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay chưa. Trong trường hợp người chuyển giới mà thực hiện phẫu thuật theo giới tính mình mong muốn gọi là người chuyển giới đã phẫu thuật.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, hiện có khoảng 600 người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại. ​

Nguyễn Hưng



Bài viết cùng chuyên mục