Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kỳ vọng việc quy định xe máy sử dụng đèn pha chiếu sáng tự động vào ban ngày sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông.
Nhiều nước áp dụng thành công
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nhận định: “Đèn pha tự động dành cho xe máy đã áp dụng thành công tại nhiều nước, giúp tai nạn giao thông (TNGT) ở những nước này giảm trung bình 25%. Nếu được áp dụng, TNGT ở nước ta sẽ giảm rất nhiều, giao thông an toàn hơn”.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, giải thích đèn pha tự động không phải là đèn chiếu xa mà là đèn chuyên dụng để thông báo vị trí của xe, luôn được bật khi xe khởi động, giúp người lái quan sát tốt hơn.
GS Pichai Tanneerananon, Trung tâm Nghiên cứu ATGT đường bộ châu Á, cho biết Thái Lan đã sớm nhận thức lợi ích của việc bật đèn pha vào ban ngày, đặc biệt là đối với xe máy, vì vậy năm 2005, nước này buộc sử dụng đèn pha tự động.
“Nhờ sử dụng đèn pha tự động, TNGT do va chạm với xe máy ở Thụy Điển đã giảm 10%, Malaysia giảm 20% và Nhật Bản giảm 40%. Tại Thái Lan, 80% xe máy đã sử dụng đèn pha tự động” – GS Tanneerananon nói.
Trả lời báo chí, ông Minh cho biết tại Liên minh châu Âu, xe máy buộc phải có đèn pha phía trước. Tại Đông Nam Á, hầu hết đều buộc xe máy phải có đèn pha phía trước, trừ Việt Nam, Campuchia và Myanmar. “Đây là một giải pháp tốt, có thể giúp giảm từ 5%-10% vụ TNGT. Việc triển khai cũng không khó nhờ chi phí thực hiện thấp” – ông Minh nói.
Cần có lộ trình thực hiện
Ông Khuất Việt Hùng cho biết sử dụng đèn pha tự động là giải pháp khá đơn giản, vấn đề chính là thực hiện và cần có thời gian cho nhà sản xuất chuyển đổi về mặt thiết kế. Tuy nhiên, nếu thiết thực thì cần làm ngay. Bởi nếu giảm 10% số người chết vì TNGT do xe máy ở nước ta, quy ra mỗi năm khoảng 500-600 người. “Chúng ta nên quyết tâm làm, trong đó cần bàn với nhà sản xuất xe máy về lộ trình áp dụng vì cả nước hiện có hơn 43 triệu xe máy mà chuyển đổi ngay là rất khó” – ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý, nhà sản xuất xe máy để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của đèn pha tự động. “Sau khi đánh giá tác động của công tác tuyên truyền, chúng ta mới đưa ra lộ trình buộc xe máy sử dụng đèn pha tự động” – ông Hùng đề xuất.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, lo ngại nếu không nghiên cứu kỹ, đèn pha gây lóa mắt người điều khiển phương tiện ngược chiều thì sẽ phản tác dụng.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an, cho rằng cần nghiên cứu kỹ về điều kiện thời tiết để không làm tăng nhiệt độ khi các phương tiện đồng loạt bật đèn pha, nhất là vào mùa hè. Trước mắt, nên thí điểm đối với xe máy phân khối lớn ở một số địa phương.
Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam, khi áp dụng, cần xem xét đến mật độ giao thông, môi trường, nhất là vào mùa hè thường có nhiệt độ cao…, từ đó mới có giải pháp hợp lý. Ông Aihara, chuyên gia kỹ thuật của hãng Honda Việt Nam, kiến nghị nếu áp dụng giải pháp này, đối với xe mới cần thời gian thay đổi là 2 năm và cần thêm 2 năm nữa đối với xe đang lưu thông.