Cơ quan chức năng tỉnh Long An vừa phát hiện, kiểm tra và trục xuất 8 người Trung Quốc thu mua bông, trái và khảo sát thị trường thanh long trái phép. Đây là hành động kịp thời, nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại, làm lũng đoạn thị trường nông sản mà các thương lái này đã gây ra trong thời gian dài vừa qua.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Thình- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Long An), Công an huyện vừa phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an tỉnh Long An kiểm tra, phát hiện 8 người Trung Quốc có visa du lịch và đăng ký tạm trú nhưng có các hoạt động khác như: Thu mua bông, trái thanh long, khảo sát thị trường thanh long mà chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. 8 người Trung Quốc có visa du lịch đi thu mua thanh long và khảo sát thị trường thanh long khi chưa được phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản cảnh cáo, buộc nhóm người này rời khỏi địa bàn huyện.
Trả giá cao, đi tới từng hộ để mua
Theo phản ánh của nhiều nông dân tại huyện Châu Thành, trước đó, nhóm người này đã đi tới tận các vườn thanh long để thuyết phục nông dân “bỏ trái ngắt bông” nhưng nhiều nông dân đã rất cảnh giác, báo với cơ quan chức năng kịp thời. Cụ thể, ông Bùi Văn Tư (huyện Châu Thành) cho biết: Thanh long ở huyện Châu Thành đang được giá thì bỗng nhiên xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc sang thu gom bông thanh long tươi, các thương lái Trung Quốc xuất hiện ở nhiều xã. Họ đi từ 2 người trở lên và tìm mua bông thanh long với giá 2.000-3.000 đồng/kg. Thế nhưng không phải bông nào họ cũng thu mua. Đám người lạ này chỉ mua những bông thanh long trước khi thành trái khoảng 2 ngày. Còn những bông không đạt chất lượng thì cho họ cũng không thèm “đếm xỉa”.
Nông dân Long An thu hoạch thanh long. Ảnh: Kỳ Phương
Cung cấp thêm thông tin với NTNN, ông Nguyễn Văn Bình (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) cho hay: “Gia đình tôi năm nay thu hoạch được hơn 30 tấn thanh long. Hiện tại giá bán thanh long cho thương lái gần 50.000 đồng/kg. Họ mua bông với giá cao nhưng tôi nhất quyết không bẻ bông và bán cho họ làm gì cả. Theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy nhiều vụ nông dân mình bị thương lái Trung Quốc lừa rồi nên tôi phải đề phòng” – ông Bình nói.
Cũng theo các nông dân của huyện Châu Thành, thương lái Trung Quốc đi đến từng hộ gia đình để thuyết phục bán bông thanh long. Không những thế, những người này còn trực tiếp đi sâu vào các ruộng trồng thanh long rồi lựa chọn những bông khỏe để đòi mua bằng được.
Nông dân cần tăng cường cảnh giác
“Hiện nay, toàn huyện châu thành có hơn 6.400ha trồng thanh long gồm 2 loại ruột đỏ và ruột trắng. Thông tin có thương lái Trung Quốc lùng sục mua bông thanh long là đúng, tuy nhiên thông tin cho rằng người Trung Quốc thâu tóm hạ giá thành thanh long là không chính xác bởi vì thanh long đang khá được giá: Ruột đỏ gần 50.000 đồng/kg, ruột trắng hơn 10.000 đồng/kg” . Ông Võ Văn Vấn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành |
Ngày 13.1, ông Nguyễn Văn Thình – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Tình trạng người Trung Quốc đến địa bàn để tạm trú ngày càng tăng. Năm 2014 là 36 trường hợp, nhưng đến năm 2015 lên đến 76 trường hợp. Những người này đến địa phương bằng visa du lịch. Họ hay đi lòng vòng quanh các vườn ruộng. UBND huyện đã ra văn bản khuyến cáo nếu người dân phát hiện ra trường hợp nào thương lái nước ngoài thu mua bông thanh long thì báo ngay cho cơ quan chức năng”.
Theo ông Thình, trước đó, lực lượng chức năng đã từng trục xuất 2 trường hợp rời khỏi địa bàn huyện Châu Thành với lý do không sử dụng đúng mục đích của visa du lịch trong chuyến đi. Hai người này dùng lý do đi du lịch để chèo kéo nông dân bán bông thanh long tươi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo NTNN về việc nếu bán bông thanh long tươi như vậy có ảnh hưởng đến cây trồng không, ông Thình khẳng định: “Thông thường thì một nhánh thanh long cho khoảng từ 3- 10 bông. Tuy nhiên khi bông đã lớn, nông dân chỉ chọn còn lại 1 bông/nhành. Nếu thương lái thu mua bông thì người dân phải để trên cành từ 3-4 bông. Việc này sẽ ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng trên nhánh, trái sẽ bị còi cọc và không đẹp, rất khó bán”.
Thương lái Trung Quốc đã mua những gì?
Cuối năm 2012, tại Bình Phước, nhiều thương lái Trung Quốc đi mua lá điều với giá 500-1.000 đồng/kg. Nhiều người dân đã phun thuốc để lá rụng khiến năng suất điều giảm hẳn. Giữa năm 2013, người dân tại các huyện Tây Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An (tỉnh Phú Yên) chặt sắn, bán ngọn và thân cho thương lái Trung Quốc với giá mỗi bó cây sắn (20 cây) là 6.000 đồng khiến cây sắn ở đây bị tàn phá không thương tiếc. Tháng 11.2012, hàng trăm người dân xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và các xã Măng Cành, Măng Bút, Hiếu, huyện Kon Plông, Kon Tum đã đổ xô lên rừng tìm bứt cây kim cương về bán cho thương lái Trung Quốc với giá 1 triệu đồng/kg. Đầu năm 2014, ở Nghệ An, thương lái Trung Quốc xuất hành và tiến hành thu gom lá chua ke với giá 7.000-8.000 đồng/kg. Hàng trăm người đã đổ xô vào rừng tìm kiếm và nhổ sạch loài cây quý này. Giữa năm 2014, người dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đổ xô khai thác trắc dây bán cho thương lái Trung Quốc với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg. Tháng 9.2015, các thương lái Trung Quốc thu mua thốt nốt tại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) với giá hàng triệu đồng/cây. Điều kiện của các thương lái là cây có tuổi đời từ 15-20 năm trở lên. Anh Thư (tổng hợp) |
Ông Lê Văn hoàng – Giám đốc Sở NNPTNT Tỉnh Long An: Tỉnh đã có cảnh báo
Trước hiện tượng một số thương lái Trung Quốc tiến hành thu mua bông thanh long một cách bất thường, Sở NNPTNT tỉnh Long An đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh ra văn bản lưu ý, cảnh báo người dân hết sức tỉnh táo. Thực ra, với canh tác thanh long trái vụ, phải vặt bỏ một số bông, để cho “đậu” quả thì việc thu mua của các thương lái không gây thiệt hại gì nhưng nếu đúng vụ, nông dân mà vặt bông bán sẽ khiến trái thanh long còi cọc, cây khó sinh trưởng. Rất may, hiện tượng này chỉ mới lác đác, chưa quá phổ biến. Sở NNPTNT tỉnh Long An vẫn đang nắm bắt chặt chẽ động thái thu mua của các thương lái Trung Quốc trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng hội NNPTNT: Cơ quan quản lý cư trú phải vào cuộc Theo tôi, đầu tiên, nông dân phải tăng cường cảnh giác hơn. Bởi theo quan sát của tôi, thời gian qua, những nông sản mà thương lái Trung Quốc mua rất dị biệt, thường là những bộ phận quan trọng trên cây trồng hoặc vật nuôi mà sau khi bán xong sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển hoặc thậm chí là bệnh, chết. Do vậy, nông dân phải hết sức cảnh giác. Việc thương lái sử dụng visa du lịch để thu mua nông sản là trái với quy định, cơ quan quản lý cư trú cũng cần phải vào cuộc kiểm tra và xử lý ngay từ đầu để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con. Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Cân nhắc khi bán Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng nắm được thông tin thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua các sản phẩm chăn nuôi như gà Đông Tảo, giun đất, ong đất… khác với sản phẩm trồng trọt, những mặt hàng chăn nuôi này phía Trung Quốc, nhiều địa phương của họ có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên với những sản phẩm này, nhu cầu của họ chỉ mang tính thời vụ. Do vậy, người nuôi đừng vì được giá nhất thời mà chuyển đổi chăn nuôi hoặc tăng đàn bất thường sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Trước khi quyết định, người nuôi cần hết sức cân nhắc. Ngọc Thọ (ghi) |
Theo dân việt