Một quả cam Xã Đoài (Nghệ An) bán vào dịp Tết có giá 80.000 đồng, phải đặt trước từ tháng 10. Sau này, nhiều khách sẵn sàng trả 100.000 đồng một quả nhưng vẫn không mua được.
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Duy Hảo (64 tuổi), ở xóm 9, xã Nghi Diên (vùng đất mệnh danh Xã Đoài) đã lom khom ngoài vườn. Ông tỉ mỉ kiểm tra kỹ lưỡng từng quả cam ngay trên cây để chuẩn bị giao hàng cho khách.
Cam Xã Đoài có màu vàng óng, vỏ mỏng, cắt ra rất ít hạt. Nhiều khách hàng sẵn sàng trả 100.000 đồng một quả nhưng vẫn không có.
Được xem là một trong những hộ dân sở hữu vườn cam đẹp, có tuổi đời lâu năm và số lượng nhiều nhất Xã Đoài, ông Hảo cho biết, nhờ gặp thời tiết thuận lợi nên cam năm nay được mùa hơn so với những năm trước. Cam cho trái nhiều, đẹp và ít sâu bệnh hơn nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu cho khách hàng.
Vụ cam Tết năm nay, 80 gốc của ông Hảo cho thu hoạch hơn 1.500 quả, với giá bán tại vườn 80.000 đồng một quả. Theo tính toán của chủ hộ thì cam đã được các khách hàng quen lâu năm tại Hà Nội về tại vườn đặt hàng từ đầu tháng 10. Hiện trong vườn chỉ còn lại khoảng chừng 200 quả nên ông chỉ để bán lẻ tại vườn và dành một ít để dùng trong dịp Tết.
“Nhiều khách hàng gọi điện thoại đặt hàng với giá 100.000 đồng một quả nhưng tôi cũng phải lắc đầu vì không còn. Hiện chỉ còn một ít làm quà và bán cho khách hàng đến vườn mua lẻ thôi”, ông Hảo cho biết.
Ông Hảo cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng từng quả cam ngay trên cây.
Nói về cái giá cao của loại cam này, lão nông 64 tuổi khẳng định vị ngọt và mùi thơm của cam Xã Đoài khiến mọi người nhớ mãi không quên sau một lần thưởng thức. Vỏ cam Xã Đoài có màu vàng sậm, trông rất tươi tắn, có quả hơi phơn phớt đỏ. Khi cắt ra, cam có màu vàng óng, nước chảy ra như những giọt mật ong óng ánh.
“Mấy năm trước, một đoàn du khách nước ngoài không tin nổi một trái cam của Việt Nam lại phải mua bằng tiền đô nên đã đến tận vườn để tận mắt thấy và thưởng thức. Không biết họ nghĩ gì nhưng sau đó mỗi người đều mua hơn chục quả làm quà mang về nước”, ông Hảo nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Phúc (chủ một vườn cam Xã Đoài ở xóm 8, Nghi Diên) cho biết, khách đặt và mua cam chủ yếu là những người có điều kiện, mang về làm quà biếu. Khách hàng thường đến tận vườn để lựa chọn và đóng gói rồi trả tiền.
Chính vì sự đắt đỏ của loại cam này nên quả thường chỉ dùng để bán. Người dân ít dám ăn, một số để lại vài quả bày lên bàn thờ vào ngày Tết. Diện tích loại quả đặc sản này cũng bị thu hẹp dần.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, từ những thập kỷ 1960-1970, toàn xã hầu như nhà nào cũng trồng cam. Tuy nhiên, đến nay, diện tích cam ghép và cam thuần chủng chỉ còn trên 30 ha. Trong đó, cam thuần chủng chỉ còn lại ở vườn của ông Nguyễn Duy Hảo và vài góc lẻ tẻ ở các xóm khác.
Việc vườn cam bị thu hẹp còn do điều kiện sống trong xã. Nhiều hộ trước đây có diện tích trồng cam lớn, nhưng khi con cái lớn lên, họ phải bỏ cam chia đất làm nhà ở. Trong khi đó, chính quyền xã không thể đứng ra quy hoạch được khu trồng cam bởi phải cần một nghiên cứu khoa học trên toàn xã về giống cũng như đất đai…
Anh Phúc cho hay, để duy trì tuổi thọ và chất lượng quả, các hộ trồng cam Xã Đoài chủ yếu dùng phân hữu cơ bón cho cây. Dù thời tiết thay đổi thất thường, nhiều năm cam chín sớm, không đúng vào dịp Tết nhưng không một hộ trồng cam nào thuốc kích thích để tăng hay hạm ngày kết trái.
Ngoài loại “cam tiến vua” đặc sản, người dân nơi đây còn chọn lựa những quả cuối mùa ngâm thành đặc sản rượu cam đặc sản. Mỗi bình rượu như vậy được bán với giá khoảng 500.000 đồng.
“Cam Xã Đoài chưa được cấp bất cứ chứng chỉ hay thương hiệu gì bằng văn bản, nhưng thương hiệu truyền miệng thì có từ hàng chục năm nay mà gần như không loại cam nào trên cả nước sánh nổi”, ông Sơn tự hào nói.