Giá cà phê xuống thấp nhất trong nhiều năm qua khiến người trồng cà phê khốn đốn, bèn ồ ạt chặt bỏ cà phê để trồng tiêu; doanh nghiệp cũng không dám thu mua
Hiện giá cà phê dao động từ 30.000- 31.500 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái. Chưa có tín hiệu cho thấy giá cà phê tăng trở lại.
Vừa mất mùa vừa mất giá
Với hơn 2 ha cà phê cho thu hoạch ổn định nhưng gia đình ông Trần Tuấn Long (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đang rơi vào cảnh khó khăn do giá cà phê xuống thấp. Với diện tích này, gia đình ông thu được 5 tấn cà phê nhân, với mức giá như hiện nay thì chỉ thu được khoảng 150 triệu đồng. “Trong khi đó, chi phí đầu tư như: phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công trong suốt 1 năm qua đã nuốt trọn khoản thu đó. Coi như cả năm vợ chồng tôi làm không công” – ông Long chán nản.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thu (ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), đây là vụ cà phê có mức giá thấp nhất trong suốt nhiều năm qua. Các năm trước, giá thấp nhất cũng chỉ xuống 34.000 đồng/kg nhưng dao động trong thời gian ngắn, còn vụ cà phê này giá liên tục lao dốc. “Đầu vụ, tôi phải ứng phân bón, thuốc trừ sâu của đại lý và phải chịu lãi suất 20.000 đồng/triệu đồng/tháng. Giá thấp nhưng không bán lấy gì trả nợ, sắm Tết?” – ông Thu nói.
Theo bà Nguyễn Thị Luận (ngụ xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), đây là vụ cà phê thiệt kép, vừa mất mùa lại vừa mất giá. “Hai ha mà chỉ thu hoạch được 5 tấn cà phê nhân, hạt lại rất nhỏ như hạt tiêu nên gọi nhiều người rồi mà vẫn không ai chịu mua. Nếu không ai mua, năm nay nhà tôi chẳng có tiền mà ăn Tết” – bà Luận rầu rĩ.
Thực tế hiện nay là giá cà phê đang ở mức thấp nhưng không còn cảnh người dân găm giữ hàng chờ tăng giá như các năm trước. Theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk, những niên vụ trước, khi giá cà phê xuống thấp thì người dân giữ hàng vì còn tiền tích lũy từ những vụ trước; còn năm nay, không còn tiền tích lũy nên dù giá thấp, nông dân vẫn bán ra ồ ạt để trang trải nợ nần, sắm Tết.
Doanh nghiệp dè chừng
Theo một số doanh nghiệp (DN) cà phê, niên vụ này, giá cà phê nhân sụt giảm do 2 nước xuất khẩu cà phê lớn là Indonesia và Brazil bị mất giá đồng tiền mạnh, trong khi sản lượng cà phê tăng. Điều này khiến cho các DN cà phê gặp khó khăn khi xuất khẩu ra thế giới. Để tự cứu, theo ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh (Đắk Lắk), công ty chú trọng ký hợp đồng trực tiếp với các nhà rang xay chứ không qua trung gian; đồng thời, hạn chế ký hợp đồng ồ ạt, thỏa thuận bàn giao hàng trong thời gian ngắn để tránh thiệt hại do biến động giá.
Còn theo ông Châu Hữu Tài, Trưởng Phòng Mua hàng và Xuất khẩu Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam), thị trường cà phê năm 2016 sẽ tiếp tục có nhiều biến động nên phương châm của đơn vị là không ồ ạt ký hợp đồng sớm để tránh trượt giá mà duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu theo tình hình thực tế.
Trong khi đó, một chủ DN tư nhân chuyên thu mua hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho biết DN chỉ nhận cà phê ký gửi mà không trữ hàng, ngày nào nông dân chịu bán thì chốt giá ngày đó. “Hiện nay, việc thu mua cũng dè dặt, cầm chừng. Nếu mua nhiều mà đến cuối kỳ giao dịch, giá lao dốc sẽ lỗ nặng” – chủ DN này lý giải.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh và ngành công thương đang tìm các giải pháp giúp các DN cà phê tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Phòng Quản lý xuất nhập khẩu – Sở Công Thương tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân tránh bán ra ồ ạt cà phê trong thời điểm này vì sẽ khiến giá cà phê thị trường khó kiểm soát hơn.
Chặt cà phê để trồng tiêu
Mặc cho ngành nông nghiệp các tỉnh khuyến cáo, hiện nhiều nông dân Tây Nguyên đang chặt bỏ cây cà phê để trồng tiêu. Ông Nguyên Xuân Thành (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết hộ ông đang chặt bỏ 2 ha để trồng tiêu. “Biết là đất đai ở đây không phù hợp trồng tiêu nhưng nếu tiếp tục trồng cà phê thì lời lãi chẳng được bao nhiêu” – ông Thành nói. Anh Nguyễn Văn Thêm (ngụ xã K’Dang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) cũng đang dự định chặt bỏ gần 2.000 gốc cà phê để trồng tiêu.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk – ông Lê Đức Huy – cho rằng dù cây cà phê không cho lợi nhuận cao như cây tiêu nhưng tính ổn định cao. Chi phí đầu tư trồng tiêu rất lớn, trong khi thường xuyên đối diện với nhiều rủi ro như sâu bệnh. Hồ tiêu ở ta chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thị trường này không ổn định. “Mặc dù giá cà phê đang ở mức thấp nhưng không nên chặt bỏ để trồng tiêu; thay vào đó, bà con nên trồng xen canh với các loại cây như bơ, sầu riêng để tăng thêm thu nhập” – ông Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tư vấn.
Theo www.nld.com.vn