.
.

Ái nữ nhà Dr. Thanh trải lòng về những góc khuất ở Tân Hiệp Phát


Lần đầu tiên, Trần Uyên Phương – ái nữ của ông chủ Tân Hiệp Phát đã trải lòng về những góc khuất của tập đoàn này.

Vượt qua cơn bão khủng hoảng truyền thông với vụ án “con ruồi”, Tân Hiệp Phát đã tìm lại được vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát tại Việt Nam và có sản phẩm xuất khẩu tới gần 20 nước trên thế giới.

Làm thế nào để Trần Uyên Phương, con gái ông Trần Quý Thanh, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát có thể kế tục sự nghiệp của cha, tiếp sức cho ông trong những thời khắc khó khăn nhất, để tập đoàn này chiếm thị phần ngang ngửa Pepsi, vượt qua cả Coca Cola?

Liệu tham vọng vươn lên tầm châu Á, tăng tỷ lệ xuất khẩu lên 10% và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023 của Tân Hiệp Phát có quá phải là quá viển vông?

Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Tại tọa đàm “Doanh nhân trẻ và khát vọng toàn cầu” do CLB Doanh nhân 2030 tổ chức nhân kỷ niệm 16 năm thành lập, lần đầu tiên Trần Uyên Phương đã chia sẻ rất chân thành về những góc khuất của Tân Hiệp Phát mà ít ai có thể thấu hiểu hết.

Là thế hệ F2, khát vọng toàn cầu của chị có gì khác so với thế hệ đàn anh, đâu là giá trị nền tảng để chị kế thừa, tiếp nối từ thế hệ F1?

Chị Trần Uyên Phương: Giá trị nhất là những bài học thực tế, kể cả thành công và thất bại của Tân Hiệp Phát. Có giai đoạn các công ty đua nhau lên sàn, tỷ suất lợi nhuận ngân hàng lên đến 18 – 20%, bất động sản tăng phi mã… nhưng Tân Hiệp Phát vẫn trung thành với sứ mệnh và tầm nhìn của mình, tập trung vào thế mạnh cốt lõi chứ không đầu tư sang lĩnh vực khác, mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của châu Á.

Vượt qua bao thử thách, đi được đến ngày hôm nay thì người cũng đầy sẹo rồi, nhưng hạnh phúc nhất là khi nói đến sản phẩm nước giải khát Việt Nam là người ta nhắc ngay tới Tân Hiệp Phát.

Từng đi du học ở nước ngoài về, lại kế nghiệp một gia sản lớn của gia đình, làm thế nào để chị thoát được chữ “con nhà giàu vượt sướng”, khi có quá nhiều thứ có sẵn?

Chị Trần Uyên Phương: Chữ “giàu vượt sướng” chỉ là một quan niệm thôi. Phương may mắn sống trong gia đình luôn giáo dục con cái muốn có thứ gì phải tự làm ra, không xòe tay ra xin.

Trở về nước, Phương cũng đấu tranh dữ lắm giữa việc về Tân Hiệp Phát làm hay ra ngoài làm. Thỏa thuận ban đầu giữa Phương với bố là thương lượng về lương! Phương nói với bố nếu không biết mức lương cụ thể, chắc chắn không ý thức được hết trách nhiệm mình phải làm.

Nhưng thực sự làm hoài không được tăng lương, đến lúc nào đó phải gõ cửa phòng bố đòi tăng lương!

Nhìn lại suốt con đường trở về, Phương rất cảm ơn bố mẹ đã thật nghiêm khắc với mình. Đi lên từ vị trí thư ký, Phương đã nỗ lực hết sức để tăng lòng tin của nhân viên, của bố mẹ.

Quả thật, trong kinh doanh, khó có thể nói gia đình là số một lắm. Phải trải qua rất nhiều khóa học, nói chuyện, chia sẻ, kể cả tranh luận đầy nước mắt, để đi tới sự đồng thuận với sếp, vì sếp đội mấy cái “nón”, vừa là bố, vừa là sếp, vừa phụ trách nhiều dự án khác bên ngoài…

Điều quan trọng nữa là sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát phải là xuất phát từ chính mình. Nếu nghĩ đó chỉ là sứ mệnh của thế hệ trước thì thế hệ tiếp nối sẽ không thể đi đến cùng, cũng không thể biến thế hệ thứ hai chỉ là người thực hiện tầm nhìn của thế hệ thứ nhất.

Vai trò của Phương – Phó tổng giám đốc tập đoàn – như thế nào trong việc hiện thực hóa tầm nhìn ấy? Chị dùng cái gì để chứng minh?

Chị Trần Uyên Phương: Nhiệm vụ của tôi là làm sao chuẩn hóa sản phẩm của mình để phục vụ khách hàng trên toàn cầu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường mới để tăng doanh số xuất khẩu và nâng tầm thương hiệu.

Ngay từ khi thành lập năm 1997, Tân Hiệp Phát đã tìm kiếm công nghệ tốt nhất, chủ yếu ngành bia. 2014 Tân Hiệp Phát đầu tư công nghệ chiết lạnh vô trùng trị giá 300 triệu USD, với 10 dây chuyền công nghệ Aseptic tốt nhất châu Âu.

Đây là dây chuyền vô trùng tối tân vận hành trên nguyên tắc tự động và khép kín từ khâu trích ly nguyên liệu, thổi chai đến chiết rót, đóng nắp, dán nhãn đến đóng thùng

Không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp mới mạo hiểm, mới phải bán nhà… bất cứ doanh nghiệp nào muốn mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường đều phải đặt cượctrong đầu tư. Tất cả đều là rủi ro, mà chúng ta chỉ có một niềm hy vọng là sẽ thắng.

Hiện 1 ngày có 5 triệu người sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Để đảm bảo thành công ở thị trường nội địa và đi ra thế giới, đến các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông… phải dùng công nghệ để bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, việc hiểu thị trường, hiểu người tiêu dùng rất quan trọng. Thói quen tiêu dùng của con người hôm nay thay đổi nhanh chóng, quyết định tác động từ facebook, nếu doanh nghiệp không hiểu người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị đào thải

Chiến lược của Tân Hiệp Phát đầu tiên là phải chinh phục người tiêu dùng trong nước để làm bàn đạp ra nước ngoài.

Hiện nay, xu hướng M&A hoặc bán cho công ty khác đang trở nên phổ biến, làm sao để giữ được bản sắc Việt, không bị thao túng, mất luôn thương hiệu?

Chị Trần Uyên Phương: Khó khăn nhất là đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh, ý định thâu tóm dần dần theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, tiến tới xóa sổ các thương hiệu non trẻ trên thị trường để chiếm thế độc tôn.

Năm 2010, Tân Hiệp Phát đã từng có một công ty đa quốc gia trả 2,5 tỷ USD. Nhưng nhờ định hướng tầm nhìn rõ ràng, nên từ 2009 chúng tôi rất mở, bán đa số cổ phần, sẵn sàng mời nhà đầu tư tham gia nếu họ cam kết vẫn giữ vững tầm nhìn của Tân Hiệp Phát.

Chúng tôi đã và đang tìm kiếm đối tác có đủ tiềm lực, tâm huyết để hỗ trợ chúng tôi hiện thực hóa khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm châu Á trong tương lai

Tình trạng ô nhiễm của các sản phẩm nông nghiệp, du lịch, công nghiệp… đang diễn ra tràn lan, làm thế nào để cải thiện môi trường sống cho người Việt để hòa nhập với thế giới?

Chị Trần Uyên Phương: Gìn giữ môi trường là câu chuyện rất lớn của toàn cầu. Tân Hiệp phát luôn đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu, làm sao giảm sử dụng năng lượng, giảm tiêu hao nước, sản phẩm bao bì không gây ô nhiễm môi trường…

Vậy chị có thể cho biết rõ hơn Tân Hiệp Phát đã vượt qua khủng hoảng lớn về vụ “con ruồi”như thế nào?

Chị Trần Uyên Phương: Đối với Tân Hiệp Phát, chất lượng là yếu tố hàng đầu. Nếu không đầu tư công nghệ, thiết bị, máy móc đàng hoàng thì đến lúc nào đó gặp khủng hoảng, sự thiệt hại càng bùng nổ lớn hơn.

Sở hữu 10 dây chuyền công nghệ Aseptic, đầu tư ba nhà máy mới, đó là cam kết chất lượng, nhưng quả thật trong quá trình kinh doanh, chúng tôi không mạnh về truyền thông. Cứ nghĩ đơn giản bán một chai nước 10 ngàn đồng đâu cần nói về công nghệ làm gì?

Trong giai đoạn khủng hoảng, doanh thu của Tân Hiệp Phát đã giảm 10% năm 2016, nhưng chỉ sau đó 6 tháng, năm ngoái đã tăng trưởng 20%. Đó là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp.

Trên bước đường phát triển của mình, thấy yếu khâu nào phải tự khắc phục ngay. Chính nhờ khủng hoảng này mà chúng tôi có cơ hội để truyền thông đến khách hàng công nghệ của mình.

So với các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành đang cạnh tranh có tuổi đời hàng trăm năm thì chúng tôi mới 23 năm. Chính những bài học đó làm chúng tôi biết vượt qua khó khăn để đứng dậy, đi tiếp.

Trần Uyên Phương cùng cha là ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Cho dù có nền tảng gia đình hay không thì cũng phải dựa vào đam mê, sự cần cù, công nghệ, có niềm tin vào giá trị Việt, giá trị môi trường, là hành trang mạnh mẽ cho thế hệ F2 tin tưởng vào thành quả của thế hệ F1.

Sứ mệnh của thế hệ F1 tân Hiệp Phát là vươn lên tầm châu Á, vậy sứ mệnh của chị, thể hệ F2 có gì khác không, có lên tầm thế giới?

Chị Trần Uyên Phương: Năm 2003, mặc dù đứng vị trí thứ 3 trong ngành bia, khi ngồi bàn lại chiến lược với HĐQT, cha tôi, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đưa ra tầm nhìn trở thành hàng đầu trong ngành của châu Á. Một vị trong HĐQT đã hỏi ông: “Anh có điên không?”.

Phương may mắn ngồi trong buổi họp đó. Cha tôi đã trả lời rằng: “Tôi muốn chứng minh người Việt Nam có thể làm được, chứ không chỉ đi gia công mà không có thương hiệu”.

Đó cũng là tâm huyết của tôi.

Vươn đến tầm châu Á là cả một thách thức vượt bậc rồi, vì còn có Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tôi không mơ bắn mũi tên lên sao Hỏa, đó là cách đưa ra tầm nhìn. Tân Hiệp Phát hiện có ngân hàng sản phẩm với số lượng lên đến hàng trăm thức uống giải khát có lợi cho sức khỏe, chỉ chờ thời điểm thích hợp để đưa ra thị trường.

Trước những làn sóng thị phi, áp lực dư luận làm câu chuyện nhỏ thành lớn ra, có lúc nào trong tâm trí chị muốn bán quách công ty cho rồi? Gia đình đóng vai trò gì trong những lúc khủng hoảng này?

Chị Trần Uyên Phương: Tôi cũng là con người, bằng xương bằng thịt, khi nhận được tất cả những lời thóa mạ trên mạng về ba tôi, có người còn vu khống cha tôi có cô bồ 19 tuổi, con cái bị đẩy ra ngoài đường… Tôi không thể không bất bình.

Đến ngay cả người tài xế làm việc bao nhiêu năm nay cho cha tôi mỗi ngày nhận đến 5, 6 cuộc điện thoại cảnh báo: “Hãy nghỉ đi, vì đây không phải là công ty xứng đáng để làm”.

Những lời vu khống đối với cha khiến tôi không thể không cảm xúc. Nhưng cha tôi nói: “Cha mẹ dạy các con làm doanh nghiệp là làm cho xã hội. Những gì xã hội không hiểu thì đó cũng là cơ hội để người khác hiểu mình hơn”.

Đừng bao giờ để mình phải chết đi vì dư luận của xã hội, phải vượt qua mọi dư luận để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến, tự khẳng định mình. Đó là bài học đắt giá nhất với tôi.

Xin cám ơn chị!

Theo Kim Yến/theleader.vn



Bài viết cùng chuyên mục