Phát triển kỹ năng lãnh đạo là trọng tâm của chương trình đào tạo mới do RMIT giảng dạy với sự tham gia của 58 cán bộ nữ ngành hải quan đến từ 11 quốc gia.
Để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông hợp pháp giữa các nước trên thế giới, ngành hải quan cần nhân lực đa dạng và chất lượng cao. Tuy nhiên, tương tự như các cơ quan thực thi pháp luật khác, hải quan vẫn là ngành nơi nam giới chiếm đa số.
Năm 2020, Tổ chức Hải quan Thế giới công bố số liệu cho thấy chỉ có 15% các vị trí cấp cao trong ngành hải quan do phụ nữ đảm nhiệm và 37% lực lượng hải quan toàn cầu là nữ giới. Nếu tính riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỉ lệ tham gia của phụ nữ trong ngành hải quan dự kiến còn thấp hơn.
Để tạo cơ hội cho cán bộ nữ thăng tiến trên con đường sự nghiệp tại các cơ quan hải quan ở châu Á-Thái Bình Dương và các nước khác, Chương trình Phát triển chuyên môn cho phụ nữ thuộc Chương trình Kiểm soát Container, gọi tắt là CCP-WPDP, đã được tổ chức lần đầu gần đây.
Lễ bế giảng Chương trình Phát triển chuyên môn cho phụ nữ thuộc Chương trình Kiểm soát Container có sự tham gia của học viên đến từ Campuchia, Fiji, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và Úc.
Chương trình là sáng kiến của Lực lượng biên giới Úc, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Tổ chức Hải quan Thế giới, và do Trung tâm An ninh xuyên quốc gia Đại học RMIT (đặt tại cơ sở Hà Nội của trường) triển khai đào tạo.
Chỉ huy Lực lượng Biên giới Úc Lauren Monks cho biết: “Cán bộ hải quan trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang quản lý một danh mục hoạt động rất phức tạp để bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện cho giao thương hợp pháp. Thông qua chương trình CCP-WPDP, chúng tôi tạo cơ hội để các nữ lãnh đạo trẻ xây dựng mạng lưới đáng tin cậy và nâng cao năng lực lãnh đạo, nhằm chống lại việc lưu thông hàng hóa bất hợp pháp trên toàn cầu một cách hiệu quả hơn”.
“Năm mươi tám học viên từ 11 quốc gia vừa tốt nghiệp chương trình CCP-WPDP đều được nâng cao năng lực lãnh đạo, mạng lưới giao lưu kết nối và kỹ năng chuyên môn để chống lại những hình thức tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, khủng bố, buôn lậu, hàng giả và vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa độc hại và nguy hiểm”, bà Monks chia sẻ thêm.
Ông Phillip Dowler, Trưởng cơ sở Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm An ninh xuyên quốc gia Đại học RMIT, cho biết: “Trong 16 năm qua, cơ sở Hà Nội Đại học RMIT tự hào tổ chức nhiều chương trình quản lý cho cán bộ thực thi pháp luật từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã tạo được danh tiếng quốc tế thông qua việc hợp tác cùng các đối tác để thiết kế và cung cấp các chương trình đào tạo chuyên biệt nhằm trao quyền cho nữ lãnh đạo, giúp họ chủ động thăng tiến trong sự nghiệp”.
Cô Nidia Kusumawardhani, một học viên đến từ Tổng cục Hải quan Indonesia, chia sẻ: “Khóa học này đã khuyến khích tôi tư duy thích ứng, cũng như đẩy mạnh hợp tác và đổi mới sáng tạo. Chương trình cũng giúp tôi tự tin hơn trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo”.
“Nhóm chúng tôi đã học hỏi và trưởng thành cùng nhau trong suốt bốn tuần học. Chương trình giúp chúng tôi trở nên gắn bó như những đồng nghiệp và như chị em. Tôi sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong nhóm của mình khi chúng tôi tiếp tục bước đi trên hành trình sắp tới”, cô chia sẻ thêm.
Năm học viên người Fiji tham gia chương trình CCP-WPDP.
Một học viên khác — cô Akosita Valamalua đến từ Cơ quan Thuế và Hải quan Fiji — cho biết: “Lễ bế giảng khóa học rất xúc động với tất cả học viên đến từ Fiji vì chúng tôi nhận thấy mình không chỉ đại diện cho cơ quan hải quan nước nhà mà còn cho tất cả những cô bé và phụ nữ đang sinh sống trên đảo quốc Fiji, quê hương chúng tôi”.
“Ước mơ của mọi cô bé là một ngày nào đó sẽ tốt nghiệp đại học và theo đuổi sự nghiệp của riêng mình để phụ giúp gia đình, nhưng tốt nghiệp một trường đại học quốc tế như RMIT, dù chứng chỉ có nhỏ đến đâu thì đó cũng là một thành tích lớn và đáng để được ăn mừng”, cô nói.
Theo DN