Một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đến từ Đại học RMIT, đơn vị tư vấn đổi mới sáng tạo toàn cầu Consulus và Ban cố vấn của RMIT, đã bắt tay hợp tác thực hiện dự án nghiên cứu “Đánh giá mức độ sẵn sàng Thông minh 4.0 nhằm phục hồi trong thời kì hậu đại dịch ở Việt Nam”.
Dự án nghiên cứu sẽ được thực hiện trong thời gian bốn tháng và dự kiến hoàn thành vào Quý 4 năm 2021.
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá và đưa ra những nhận định về sự sẵn sàng đối với Cách mạng Công nghiệp 4.0 và khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam, thông qua việc lấy ý kiến và quan điểm của đại diện các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam trong những ngành chủ chốt như du lịch khách sạn, tài chính ngân hàng, dịch vụ viễn thông và CNTT, bất động sản, dịch vụ ăn uống và bán lẻ, sản xuất, thương mại và kinh doanh quốc tế.
Dự án được thực hiện với mục tiêu đo lường khả năng của từng doanh nghiệp, từng ngành và Việt Nam nói chung, để từ đó đưa ra những phương án hành động mang tính thống nhất và tạo ra giá trị trong thời kì đầy thách thức này.
Những phân tích và nhận định đa chiều được tổng hợp qua dự án này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có cái nhìn chính xác và toàn diện về khả năng đổi mới sáng tạo và thích ứng của các doanh nghiệp trong nước trước những thay đổi của môi trường kinh doanh trong nước và thế giới, để từ đó có định hướng chiến lược nhằm đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển sáng tạo và bền vững.
Các doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh doanh khác tại Việt Nam tham gia dự án này cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những kết quả nghiên cứu và khuyến nghị từ các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Dự án được chính thức công bố vào ngày 21/06/2021 tại hội nghị trực tuyến ‘Shape the World Summit 2021’ bởi Giáo sư Robert McClelland, Phó Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT.
Đại diện cho nhóm chuyên gia nghiên cứu tham gia buổi ra mắt gồm bà Helena Phạm, Giám đốc Điều hành Consulus Việt Nam, và các thành viên Ban cố vấn từ các công ty lớn (gọi tắt: “Ban cố vấn”) của RMIT: Ông Nguyễn Thạc Thắng, Đồng Sáng lập viên và CEO, Aloha Consulting Group. Bà Ngô Thị Vân Hạnh, Giám đốc Nhân sự, Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72. Ông Lê Tiến Thành, Giám đốc Vận hành, Kai Group. Ông Lương Tuấn Thành, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Công nghệ CMC và Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Bất động sản thương mại, Savills Việt Nam.
Giáo sư Robert McClelland cho biết: “RMIT rất tự hào được hợp tác cùng Consulus Việt Nam trong dự án thú vị này. Chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt trong nhiều năm tới nhằm đem lại những đúc kết và khuyến nghị hữu ích cho các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức kinh doanh khác”.
Bà Helena Pham, Chủ tịch Ban cố vấn của RMIT tại Hà Nội, Giám đốc điều hành Consulus Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất vui vì ban lãnh đạo RMIT cũng như Khoa Kinh doanh và Quản trị rất cởi mở và hoan nghênh các ý tưởng và sáng kiến đưa ra bởi Ban cố vấn tại Hà Nội. Với dự án nghiên cứu này, nhiều thành viên trong Ban cố vấn đã thể hiện rõ tính cam kết và mong muốn đóng góp và tạo ra giá trị thực sự cho trường, cùng tham gia với trường để đem lại giá trị cho Việt Nam”.
Tiến sĩ Abel Alonso, Đồng chủ nhiệm dự án nghiên cứu, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT bày tỏ: “Dự án này chính là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi đóng góp và chia sẻ những kiến thức và hiểu biết về các ngành cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam”.
Theo tiến sĩ, “qua việc đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp đối với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nghiên cứu này sẽ giúp nâng cao hiểu biết về các năng lực, nguồn lực và hạn chế của các ngành và doanh nghiệp, cùng với những tác động đối với chính họ và các bên liên quan bao gồm chính phủ và các tổ chức quốc tế.”
“Đồng thời, kết quả của dự án sẽ cung cấp những nhận định có giá trị về những thách thức và cơ hội đặt ra cho các ngành cũng như các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao kết quả tăng trưởng, quốc tế hóa và năng lực cạnh tranh tổng thể”, ông cho biết.
Nguồn RMIT