.
.

Đẩy mạnh học về khoa học và công nghệ cho học sinh và giáo viên


Giáo viên trung học trong nước vừa học được cách thiết kế bài học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tương tác tại những buổi hội thảo do Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) Đại học RMIT tổ chức.

Phòng thực nghiệm dạy học từ xa của CODE, một sáng kiến mới cho phép giáo viên và học sinh trung học lập trình và điều khiển robot giáo dục của CODE theo hình thức trực tuyến ngay trong lớp học, đã được giới thiệu tại các hội thảo STEM trực tuyến.

Hình 3 Hình 2 Hình 1

Bà Huỳnh Thục Yến, điều phối viên cấp cao của CODE và là người hướng dẫn các buổi hội thảo, cho biết chương trình chia sẻ với giáo viên trung học về cách thiết kế các bài học tương tác, hoạt động trực tuyến và kết quả học tập khi sử dụng Phòng thực nghiệm dạy học từ xa.

“Tại các buổi hội thảo trực tuyến, chúng tôi đưa ra một loạt các hoạt động dựa trên những vấn đề thuộc STEM mà học sinh có thể dùng Phòng thực nghiệm dạy học từ xa để giải quyết. Theo cách này, học sinh có thể được lợi từ những bài học tương tác và thú vị, hiểu thêm về viết code và robot, còn giáo viên có thể đưa các thiết bị tiên tiến của RMIT vào những bài học STEM của riêng họ”.

Hình 2

Theo Phó giáo sư Jerry Watkins, Quản lý Trung tâm xuất sắc kỹ thuật số, Phòng thực nghiệm Dạy học từ xa là một minh chứng thể hiện cam kết lâu dài của CODE trong việc đưa ra những sáng kiến xuất sắc về kỹ thuật số trong giáo dục.

“Một thách thức lớn đối với những người làm công tác giáo dục trong lĩnh vực STEM trên toàn thế giới là có được kinh nghiệm thực tiễn với các công cụ hỗ trợ như robot giáo dục, thường có thể tốn kém và đòi hỏi kiến thức giảng dạy chuyên biệt,” Phó giáo sư cho hay. “Với Phòng thực nghiệm Dạy học từ xa của CODE, giáo viên trung học trên khắp Việt Nam có thể dễ dàng đưa robot của chúng tôi vào giáo án của họ”.

Bà Yến nhấn mạnh rằng CODE đang phối hợp với các trường trung học trên khắp Việt Nam để phát triển các hoạt động học tập tương tác giúp học sinh hiểu rõ hơn những nội dung khác nhau trong khuôn khổ chương trình STEM của các trường.

Bà Yến chia sẻ: “Chúng tôi lấy làm tự hào khi ngày càng có nhiều học sinh và giáo viên dùng phòng thực nghiệm của trường để xây dựng kỹ năng số. Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là phối hợp với giáo viên để cùng phát triển các hoạt động STEM trực tuyến mới, vừa tạo thách thức cho học sinh vừa phù hợp với chương trình giảng dạy của trường”.

Hình 3

Cô Châu Uyên Sa, giáo viên trường THPT Đức Trí (TP. Hồ Chí Minh), cho biết chương trình đã tạo cầu nối giúp học sinh đến gần hơn với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cô Sa nói: “Dù là một lớp học ảo, chương trình vẫn thúc đẩy tư duy phản biện và học tập chủ động trong lớp học. Điều này thực sự khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết vấn đề thực tế”.

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên trường THPT Việt Trì (Phú Thọ), cho biết giáo dục STEM trực tuyến là một phương pháp dạy và học mới đối với cô.

“Giáo dục STEM trực tuyến rất mới, song với sự hỗ trợ nhiệt tình của các điều phối viên từ CODE, chương trình đã trở nên thiết thực và dễ hiểu”, cô nói.

Kể từ tháng 3 năm nay, CODE đã truyền tải thành công kiến thức học tập kỹ thuật số cho gần 100 giáo viên trong nước từ nhiều cơ sở giáo dục trong đó có các trường THPT ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, cũng như Câu lạc bộ tiếng Anh và STEM thuộc Trung tâm Hoa Kỳ TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn RMIT Việt Nam



Bài viết cùng chuyên mục