.
.

Doanh nghiệp MSME nên làm gì để tồn tại và tăng trưởng trong đại dịch?


RMIT - Abel Alonso 1

Tác giả: Tiến sĩ Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Nhóm doanh nghiệp này đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và cần tập trung vào các nỗ lực hồi phục.

Dù Việt Nam đối phó với đại dịch tốt hơn nhiều nước khác nhờ cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ, tình hình lây nhiễm gia tăng gần đây tiếp tục là thách thức đối với doanh nghiệp và cộng đồng.

Phản ứng dây chuyền do cuộc khủng hoảng gây ra, kết hợp với các yếu tố khiến tình hình trầm trọng thêm (như lệnh cấm đi lại) và tính chất lâu dài của cuộc khủng hoảng, có thể đe doạ sự tồn tại về lâu dài của nhiều doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp MSME, phụ thuộc nhưng cũng tác động ngược lại đến các thành viên khác trong chuỗi cung ứng. Do đó, doanh nghiệp MSME mà chật vật hay thất bại có thể khiến các doanh nghiệp khác lụi tàn theo.

Sáng kiến để tồn tại và tăng trưởng

Làm thế nào để phục hồi sau cuộc khủng hoảng chưa từng có và xây dựng thế hệ doanh nhân tương lai khi mà triển vọng hiện tại còn đang vô cùng ảm đạm là bài toán mà hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới cũng chưa tìm ra lời giải đáp.

Gần đây, tôi và đồng nghiệp ở Đại học RMIT là Tiến sĩ Vũ Thị Kim Oanh đã thực hiện nghiên cứu về chủ đề này. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng doanh nghiệp cần năng động hơn trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đồng thời giải quyết vấn đề bằng những gì có sẵn trong tay.

Để đạt được điều đó, có một số hướng đi mà doanh nghiệp có thể cân nhắc:

  1. Đa dạng hóa

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nhiều công ty trong ngành khách sạn, du lịch hoặc rượu vang đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để cứu lấy doanh nghiệp của mình. Chẳng hạn, dịch vụ giao hàng và phương thức bán hàng trực tuyến là những cách phổ biến để họ tăng doanh thu và duy trì dòng tiền cần thiết. Một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam cũng triển khai những sáng kiến như tổ chức tour du lịch cà phê và lớp học pha cà phê trực tuyến.

Học cách sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau có thể sẽ là yêu cầu hiển nhiên hơn với nhiều công ty trong tương lai. Thứ nhất, do sự phổ biến và mức độ đón nhận công nghệ điện thoại thông minh trong cộng đồng người tiêu dùng. Thứ hai, do các quy định giãn cách và hạn chế khác mà cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại hoặc tương lai có thể đem đến.

Khi được hỏi về cách đa dạng hóa, ít nhất 1/4 số doanh nghiệp được khảo sát đã cân nhắc thay đổi mô hình kinh doanh thông qua các sáng kiến ​​được mô tả ở trên, trong khi 1/4 khác cố gắng duy trì mô hình hiện tại nếu điều này cho thấy khả năng thích ứng tốt (dựa vào các nhóm khách hàng truyền thống và tăng sự hiện diện trực tuyến) .

Điểm mấu chốt là doanh nghiệp sẽ cần là tăng gắn kết với khách hàng. Nỗ lực này có thể cho phép họ thu thập thông tin quan trọng liên quan đến các nhu cầu mới về sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khám phá các cơ hội kinh doanh mới.

  1. Nâng cao kỹ năng

Bất chấp thực trạng vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp, họ nên tận dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục thu thập thông tin cũng như nâng cao kiến thức và sự nhạy bén trong kinh doanh.

Ví dụ, học các công cụ trực tuyến như ứng dụng giao hàng, phần mềm bán hàng hay phát triển trang web có thể giúp các công ty mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. Doanh nghiệp cũng có thể tăng sự hiện diện trực tuyến thông qua tương tác trên mạng xã hội của nhân viên.

Tôi tin rằng đây là lĩnh vực mà các tổ chức giáo dục và chính phủ có thể tham gia mạnh mẽ hơn, chẳng hạn thông qua việc cung cấp và mở ra sẵn các hội thảo nâng cao kỹ năng như nâng cao kỹ năng tiếng Anh hoặc phần mềm sử dụng bảng tính.

  1. Các biện pháp đối phó

Nhìn chung, khi thiếu nguồn lực tài chính và các nguồn lực quan trọng khác, nhiều doanh nghiệp MSME sẽ phải áp dụng phương pháp tiếp cận theo kiểu “giàn giáo xây dựng” để giải quyết vấn đề. Tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng, doanh nghiệp nên tập trung vào việc tồn tại qua ngày và dần dần xây dựng sức mạnh tự thân.

Ví dụ, nhiều doanh nghiệp trong khảo sát của chúng tôi dựa vào tiền tiết kiệm của chính họ để giải quyết thách thức trước mắt liên quan đến dòng tiền. Một số doanh nghiệp khác thì xem xét triển khai đào tạo nội bộ bằng cách dùng chính nguồn nhân lực sẵn có trong tổ chức – cụ thể là dùng những người đã được đào tạo để làm người hướng dẫn hay huấn luyện.

Hỗ trợ bổ sung của chính phủ

Dù các chính phủ chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đến một mức nào đó về mặt tài chính hay các mặt khác, chúng ta không thể phủ nhận rằng các chính sách từ phía chính phủ là điều hết sức cần thiết để tránh “xuất huyết” tài chính do COVID-19 gây ra. Những chính sách như giảm thuế hoặc trợ cấp quy mô nhỏ có thể rất hữu ích, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ nhất trong nền kinh tế.

Một vấn đề khác mà nghiên cứu của chúng tôi xác định ra được là sức khỏe tinh thần của chủ doanh nghiệp, nhân viên và thế hệ người lao động tương lai. Nhiều người đang gặp khó khăn về mặt tinh thần và tâm lý do mất thu nhập hoặc không thể tìm được việc làm. Thách thức này có thể được giải quyết một phần nhờ các chính phủ (thông qua các dịch vụ tư vấn) hoặc cũng có thể nhờ các tổ chức giáo dục (thông qua dịch vụ cố vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ). Rõ ràng, dẫu những hình thức hỗ trợ này vẫn còn hạn chế nhất định, song một cử chỉ hỗ trợ nhỏ có thể tác động tích cực về lâu dài.

Theo RMIT



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục