Tại các siêu thị, trung tâm thương mại hàng hoá Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã xuất hiện nhiều hơn, đa dạng về mẫu mã giá bán.
Không quá khi dùng từ “đổ bộ” để nói về sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan tại thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ thâu tóm, chuyển nhượng trăm triệu USD.
Cùng lúc, Aeon, đại gia đến từ xứ sở hoa anh đào cũng khai trương các trung tâm thương mại, mua cổ phần của doanh nghiệp lớn trong nước. Không giấu tham vọng “phủ khắp” Việt Nam khi chia sẻ dự kiến đến năm 2020, sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn trên cả nước.
Các mặt hàng tiêu dùng Hàn Quốc, Nhật Bản có mức giá cao hơn so với hàng Việt Nam, Thái Lan
“Đại gia” Thái, Nhật, Hàn đổ bộ
Tháng 1/2016, thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam (Đức) với tổng giá trị 655 triệu euro, tương đương 879 triệu USD đã chính thức hoàn tất, Metro Việt Nam về tay Tập đoàn BJC (Thái Lan).
Trong khi Big C Việt Nam (của Tập đoàn bán lẻ Casino Guichard-Perrachon SA – Pháp) cũng đang trong tầm ngắm của các đại gia Thái Lan trong đó TCC Holding và Tập đoàn Central Group là 2 cái tên tiêu biểu trong cuộc chạy đua thâu tóm này.
Trước đó, BJC cũng từng nắm cổ phần chi phối tại công ty Thái An, nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam. Tiếp đó là hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart, sau đó đổi tên thành B’mart.
“Người đồng hương” của BJC, Tập đoàn Central Group của gia đình Chirathivat cũng đã đặt chân vào Việt Nam bằng việc mở trung tâm mua sắm mang tên Robins tại Hà Nội vào đầu tháng 4/2014. Tiếp sau đó Power Buy, thuộc Tập đoàn này cũng mua 49% cổ phần của công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu công ty Thương mại Nguyễn Kim.
Trong khi, đại gia khác đến từ Hàn Quốc – Lotte sau gần 10 năm có mặt tại Việt Nam đã khai trương trung tâm thương mại tại TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ… tất cả đều có diện tích sàn rất lớn từ 10.000m2 trở lên và vốn đầu tư 30-40 triệu USD/trung tâm.
Đại diện Lotte từng cho biết đến năm 2020 (còn khoảng 4 năm) Lotte sẽ khai trương 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2009, Aeon (Nhật Bản) đã đặt ra chiến lược kinh doanh là bám lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt, lên phương án kinh doanh 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt còn lại là hàng hoá từ các nước.
Tháng 11-2015, Aeon chính thức khánh thành đại siêu thị Aeon Mall Long Biên (Quận Long Biên, Hà Nội), là trung tâm thứ 3 tại Việt Nam của Aeon với tổng đầu tư trên 200 triệu USD. Đại diện Aeon tại Việt Nam cho biết, Aeon dự kiến xây dựng một đại siêu thị thứ 2 tại Hà Nội vào đầu năm 2019 với tổng mức đầu tư tương đương.
Cũng chính “đại gia” này đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart trong khi Fivimart sở hữu 18 siêu thị, Citimart sở hữu gần 30 siêu thị tại các thành phố lớn trên cả nước.
Giá hộp mì tôm Nhật Bản 42.900 đồng tại Fivimart.
Hàng Thái, Nhật “đánh bật” hàng Việt
Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, hàng hóa đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có mặt nhiều hơn trên kệ hàng của các siêu thị với nhiều mức giá đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
Tại hệ thống siêu thị Fivimart, từ chiếc tăm bông, nước rửa bát, kem đánh răng, mì tôm… đến bánh kẹo, hàng gia dụng có xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã xuất hiện nhiều trên các kệ hàng, giá bán so với hàng Việt thường cao hơn từ 2-5 lần.
Cụ thể, tại Fivimart (Trung Yên, Hà Nội), giá bán chai nước rửa bát hương bưởi 600ml có thương hiệu Nhật Bản là 49.400 đồng/chai, trong khi giá của chai nước rửa bát Sunlight 400g là 15.200 đồng/chai, giá chai nước rửa bát thương hiệu Fivimart 400g có giá 11.900 đồng/chai.
Giá bán tuýp kem đánh răng thương hiệu Hàn Quốc như Bamboo Salt Oriental Herb 160gr có giá bán 40.000 đồng/túyp, Dr.Write Silver 200gr có giá bán 59.400 đồng/tuýp trong khi giá hộp kem đánh răng Colgate 170g là 16.000 đồng.
Tại Fivimart Mỹ Đình (Hà Nội), mì tôm Nhật Bản được bày bán tại những vị trí dễ theo dõi, giá bán gói mì ăn liền vị nước tương TV 96gr 19.900 đồng/gói, mì tô ăn liền Soba Tempura 101gr có giá bán 42.900 đồng/hộp, miến ly rau quả và rong biển 25,5gr có giá 39.900 đồng. Mì Hàn Quốc có giá rẻ hơn, dao động từ 10.000-15.000 đồng/gói, hộp trong khi các dòng mì ăn liền của Việt Nam có giá bán chỉ từ 3.000-5.000 đồng/gói.
Tại Metro (Hà Đông), các sản phẩm hàng tiêu dùng Thái Lan cũng xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng với mức giá gần như tương đương với hàng Việt Nam.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, hàng Thái Lan đã thâm nhập vào Việt Nam hàng chục năm, có giá nhỉnh hơn hàng Việt từ 5-10% nhưng chất lượng tốt hơn, thâm nhập bằng nhiều con đường vào thị trường Việt Nam.
“Hiện nay không một gia đình nào ở Việt Nam không sử dụng sản phẩm Thái Lan. Sắp tới những doanh nghiệp Thái mua hệ thống phân phối Metro, Big C hàng Thái Lan sẽ tạo áp lực rất lớn cho hàng Việt, đánh bật hàng Việt ra khỏi kệ hàng. Trong cuộc cạnh tranh này doanh nghiệp Việt phải chấp nhận, vừa cạnh tranh vừa cộng tác” – ông Phú nhấn mạnh.
Trong khi, đối với hàng Nhật, ông Phú cho rằng mức giá và các sản phẩm hiện có tại thị trường đáp ứng nhu cầu của 20% người giàu Việt Nam.
Vị chuyên gia này cũng tin tưởng trong tương lai các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ bán những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người có mức thu nhập từ trung bình, cao tại thị trường Việt Nam.
Theo Nguyễn Thảo (Bizlive)