Người trồng hoa Đà Lạt chua chát ví nghề trồng hoa tựa như đánh bạc bởi được mất vô chừng.
Trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt (diễn ra từ 29-12-2015 đến 2-1-2016), UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi hội thảo nhằm tìm giải pháp nâng cao giá trị hoa Đà Lạt, chủ động hội nhập quốc tế.
Tự động hóa nghề trồng hoa
Thông tin tại hội thảo cho hay trong những năm qua, người trồng hoa Đà Lạt đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đóng gói, bảo quản hoa. Từ đó đã làm cho các loài hoa ở “xứ sở ngàn hoa” có năng suất và chất lượng ngày càng cao, giảm thiệt hại sau thu hoạch.
Đặc biệt, hiện nay gần 100% diện tích hoa tại TP ngàn hoa này đã được trồng trong nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới tiêu đều tự động.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết diện tích trồng hoa Đà Lạt hiện có trên 7.600 ha, sản lượng đạt 2,5 tỉ cành, trong đó có 10% được xuất khẩu, đạt giá trị 26 triệu USD; 60% được tiêu thụ tại TP.HCM.
“Con số xuất khẩu trên chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng cung ứng của TP hoa. Mục tiêu ngắn hạn tới đây là phấn đấu xuất khẩu hoa Đà Lạt đạt kim ngạch 30 triệu USD” – ông Phạm S nói.
Ông Trần Huy Đường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đưa ra sự so sánh đáng suy ngẫm: “Nếu so sánh Đà Lạt với cao nguyên Cameron của Malaysia thì ưu thế của Đà Lạt vượt trội hơn hẳn. Cao nguyên Cameron chỉ có khoảng 600 ha hoa cúc nhưng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật hằng năm chiếm tới 60% tổng sản lượng hoa”.
Việc hoa Đà Lạt phụ thuộc quá lớn vào thị trường tiêu thụ trong nước, theo ông Đường, đã gây ra tình trạng được giá thì mất mùa và ngược lại. Thậm chí có thời điểm hoa được mùa lại mất giá thê thảm khiến nhà vườn đành phải nhổ bỏ hoa đem đốt.
Quả thật điều làm người trồng hoa và các công ty chuyên trồng, kinh doanh hoa tại Đà Lạt lo lắng nhất hiện nay là diện tích hoa tăng nhưng thị trường tiêu thụ lại chưa được mở rộng. Đó là chưa kể nhiều tỉnh, thành cũng khuyến khích trồng hoa và thị trường hướng tới chủ yếu là nội địa. Hệ quả là nghề trồng hoa luôn bấp bênh, khi thừa khi thiếu chẳng khác nào một canh bạc.
Bà Trần Thị Hồng ở làng hoa Thái Phiên cho hay mùa hoa tết 2015 chỉ bán được khoảng 30% số hoa cúc trong vườn. “Năm rồi mới 25 tết, chủ vựa hoa thông báo không mua hoa nữa, tôi như chết đứng. Bao nhiêu tiền của đầu tư vào vườn hoa cả rồi nhưng bán chẳng ai mua nên gia đình đành phải nhổ bỏ để lấy đất canh tác lại vụ mới chứ biết làm sao” – chị Hồng nói buồn.
Lỗi của chính quyền
Thực tế cho thấy với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh, khả năng áp dụng công nghệ cao và tiếp cận nhanh với nhu cầu thị trường thì thành công, hoa bán được với giá cao, xuất khẩu nhiều.
Vậy vì sao nông dân trồng hoa lại khổ, đầu ra lúc có lúc không, xuất khẩu chẳng được bao nhiêu? Theo một số chuyên gia, nguyên nhân chính là do nhà vườn vẫn trồng manh mún, thiếu liên kết, thiếu quy hoạch. Chất lượng hoa chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. Các loại giống hoa mới, có chất lượng cao được gieo trồng phụ thuộc vào thị trường giống nhập nội với giá khá cao, khó cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp hoa hiện đại trên thế giới.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, thừa nhận những khiếm khuyết trên một phần là lỗi của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Chẳng hạn các cơ quan chức trách chưa đưa ra được dự báo thị trường cho nông dân nên giá trị hoa của Đà Lạt vẫn còn thấp, phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, chậm chuyển đổi công nghệ kỹ thuật mới.
Trước bức tranh buồn trên, hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng muốn để hoa Đà Lạt vươn mạnh tới những thị trường mới, khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu… thì việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng hoa Đà Lạt. Ví dụ phải thay đổi các giống hoa đã bị thoái hóa bằng các giống mới nhập nội có chất lượng cao.
“TP Đà Lạt đang nỗ lực để tổ chức trung tâm giao dịch hoa nhằm kết nối cung-cầu, tạo điều kiện cho người trồng hoa tiếp cận thị trường, nắm bắt được nhu cầu thị trường…” – ông Võ Ngọc Hiệp cho biết thêm.
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại để quảng bá hoa Đà Lạt ra các thị trường trong nước và thế giới cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Huy Đường cho rằng thương hiệu là tiêu chí quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn và qua đó hoa Đà Lạt có thể khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và thế giới. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký thương hiệu hoa Đà Lạt là việc cần phải làm ngay.
Đừng hội thảo rồi… để đó
Đây không phải là lần đầu tiên nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt ngồi lại bàn lối ra cho ngành hoa, mà đã có rất nhiều hội thảo diễn ra. Đáng chú ý là hội thảo do Hiệp hội Hoa Đà Lạt tổ chức với tên gọi “Hoa Đà Lạt – Xuất khẩu hay là chết?”.
Tuy nhiên, dường như những góp ý, hiến kế tại các hội thảo mới chỉ dừng lại… trên bàn giấy. “15 năm trước trong một báo cáo tổng kết, sản lượng hoa xuất khẩu của Đà Lạt chiếm 5% trong tổng sản lượng hoa sản xuất thì nay con số xuất khẩu cũng chỉ khoảng 5%. Con số xuất khẩu tăng tuyệt đối thời gian qua chủ yếu là của các doanh nghiệp hoa 100% vốn nước ngoài” – ông Trần Huy Đường thông tin.
Chính vì vậy, người nông dân vẫn phải tự bơi, tự cứu mình và nhiều nông dân chua chát ví việc trồng hoa tựa như đánh bạc bởi được mất vô chừng. Mỗi khi đến mùa thu hoạch họ lại lo âu, thắc thỏm và đôi lúc phải cắn răng để bán hoa theo kiểu được đồng nào hay đồng nấy, thậm chí bỏ mặc vườn hoa vì có bán cũng lỗ công thu hái.
Bài toán về quy hoạch, dự báo, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cho hoa Đà Lạt bao giờ mới có lời giải? Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Xin đừng để chuyện phải nhổ bỏ hoa cho bò ăn cứ mãi là… thời sự.
Hoa cho… bò ăn
Cứ qua một vụ hoa nào được giá, nhiều người lại đổ xô vào trồng loài hoa đó. Kết quả là nguồn cung quá lớn, dư thừa nhiều khiến giá hoa rẻ mạt. Người trồng hoa lỗ nặng là tất yếu. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, “thủ phủ” của hoa lay-ơn tỉnh Lâm Đồng than thở mùa hoa tết năm trước trồng 2.000 m2 hoa lay-ơn. Đến lúc thu hoạch, chị và nhiều nông dân khác khóc bên ruộng hoa vì hoa nở toét, đỏ rực khắp cánh đồng mà không ai đến mua. Người trồng hoa chỉ biết đào lên lấy một ít củ mang về làm giống cho vụ sau, còn lại nhổ… cho bò ăn. 400 loài hoa khoe sắc Đến nay Đà Lạt đã có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa các loài. Trong đó có 70 giống hoa cúc, 30 giống hoa đồng tiền, 30 giống hoa cẩm chướng, hàng chục giống hoa hồng… có nguồn gốc lâu đời tại Đà Lạt và xuất xứ từ châu Âu. |
Theo PLTP