Năm 2016, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch WTO của Việt Nam là 86.000 tấn và cùng với đường nhập từ Lào sẽ là nỗi lo chính của các doanh nghiệp mía đường trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện lượng đường tồn kho của các nhà máy đường và các doanh nghiệp hội viên chỉ còn 40.000 tấn, thấp hơn khoảng 100.000 tấn so với cùng kỳ. Giá đường trên thị trường thời gian qua cũng đã tăng thêm một chút.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường bán buôn trên thị trường vào ngày 14-12 là 15.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng 10. Nhiều khả năng giá đường sẽ khó có những đợt tăng giá tiếp theo.
Nguyên nhân, theo Bộ NN&PTNT, là từ giữa tháng 12 sẽ có khoảng 23 nhà máy đi vào vụ sản xuất mía 2015/2016 nên lượng đường sản xuất sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ, đẩy lượng đường tồn kho tăng và giá đường có thể giảm.
Giá đường thế giới cũng đang có xu hướng giảm khiến doanh nghiệp đường trong nước thêm lo lắng. Hiện giá đường trên sàn London giao vào tháng 3-2016 là gần 400 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá đường giao vào tháng 12-2015 là 407,5 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, có thể thấy, giá đường về dài hạn có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải nhập khẩu đường về theo hạn ngạch cam kết WTO và có thể nhập thêm từ Lào.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thành lập hội đồng đấu giá thí điểm nhập khẩu đường cho năm 2016. Còn Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sẽ kiến nghị hai thành phần tham gia đấu thầu đường nhập khẩu theo hạn ngạch WTO là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Những năm trước, đường nhập khẩu theo WTO vừa là đường thô lẫn đường tinh luyện nhưng lần này VSSA khiến nghị chỉ cho nhập đường thô về tinh luyện.
Ngọc Hùng
Theo TBKTSG