Từ chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, đến cuộc đổ bộ ào ạt của hàng loạt các đại gia hàng đầu, các sản phẩm Made in Thái Lan đang ngày càng có vị thế vững chắc trên thị trường Việt Nam, cho thấy người Thái đang đi những bước đi đầy chiến lược…
Kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, cho thấy nhiều sản phẩm mang thương hiệu Made in Thái Lan đã hiện diện và có chỗ đứng tại Việt Nam. Một trong những lý do khiến sản phẩm Thái Lan đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam là chiến lược quảng bá, marketing mà nước này kiên trì đeo đuổi.
Từ chiến thuật “Mưa dầm thấm lâu”…
Ai đã từng tham dự một buổi hội chợ bán hàng Thái Lan hay chỉ một hội thảo đơn giản về nhượng quyền thương mại các sản phẩm, dịch vụ của Thái Lan sẽ không thể không bị cuốn hút bởi cách làm và những sản phẩm hàng hóa đa dạng về mẫu mã, chất lượng ở nhiều ngành hàng, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng.
Câu chuyện thành công của người Thái ở cấp độ quảng bá sản phẩm và thương hiệu của họ trên đất Việt không còn là điều mới mẻ, khi mà Triển lãm, hội chợ hàng Thái Lan đã liên tục được tổ chức suốt 15 năm nay. Đến bất kỳ một hội chợ nào về hàng Thái, cũng đều tấp nập người mua, kẻ bán và dễ hiểu vì sao khi mà những cửa hàng chuyên bán hàng Thái “mọc” lên khắp các thành phố đến vùng quê.
Ít ai biết rằng sự thành công của các Hội chợ/triển lãm hàng Thái Lan có được như hôm nay là do có sự đầu tư và tổ chức bài bản từ Chính phủ nước này. Nằm trong chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Thương mại, Chính phủ Hoàng Gia Thái Lan, triển lãm được tổ chức thường niên từ năm 2001 tại Hà Nội và TP HCM. Đây là một trong những hoạt động chính của Tuần lễ Thái Lan và điều đặc biệt là Chính phủ Thái rót tiền hỗ trợ doanh nghiệp đi quảng bá sản phẩm.
Hàng Thái chỉ có giá cao hơn hàng Việt từ 10 – 15% nhưng chất lượng và mẫu mã thì hơn hẳn. Không những vậy, cách quảng bá, phân phối sản phẩm của người Thái cũng có hiệu quả, khi đưa ra những chương trình khuyến mại, quản lý các nhà phân phối, chiết khấu cho khách hàng… Đây chính là lợi thế giúp cho hàng Thái ngày càng thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường Việt Nam.
… Đến cuộc đổ bộ ào ạt của các đại gia Thái
Thời gian gần đây thị trường chứng kiến hàng loạt các Tập đoàn của Thái Lan đã đổ vốn mạnh mẽ vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Điều đáng chú ý là những tập đoàn này đều mua lại “hàng khủng” của Việt Nam, đáng chú ý là thương vụ BJC mua lại hệ thống Metro sau khi đã sở hữu hệ thống cửa hàng Family Mart của Phú Thái, và còn rộ tin hãng này mua lại hệ thống BigC Việt Nam.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Central Group cũng đã mở trung tâm mua sắm tiêu chuẩn quốc tế Robins. Trước đó, Tập đoàn này đã hoàn tất thương vụ thâu tóm hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và có thông tin là đang nhắm tới hệ thống Pico. Việc xuất hiện hệ thống phân phối hiện đại của Thái sẽ tạo điều kiện cho hàng Thái vào Việt Nam theo đường chính thống, từ đó đẩy hàng Thái vào thị trường dễ dàng hơn.
Sự đổ bộ của các doanh nghiệp Thái không phải là hoạt động đơn lẻ, mà là chiến lược được thực hiện bài bản từ chính quyền đến doanh nghiệp. Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan – Văn phòng Thương vụ Thái tại TP HCM, cũng phải nhận định Việt Nam là thị trường năng động, có sức hấp dẫn lớn đối với các DN Thái.
Tính đến hết tháng 12-2015, đã có 415 dự án đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam với vốn đăng ký là 7,36 tỉ USD. Thái Lan đã vươn lên trở thành nước có vốn đầu tư đứng vị trí thứ 11 trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ ba trong các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam.
Sự bành trướng của các doanh nghiệp Thái Lan không chỉ diễn ra trong ngành bán lẻ, ngân hàng, đồ gia dụng mà gần đây còn mở rộng sang ngành dầu khí, khai thác dầu khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp thời trang… Điển hình như Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) trong lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Charoen Pokphan (CP) về thức ăn chăn nuôi; Tập đoàn Saha Group thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng; Tập đoàn Siam Cement Group trong lĩnh vực hóa dầu…
Và sự gia tăng chóng mặt của hàng Thái
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Thái Lan, gắn với cuộc đổ bộ ào ạt của hàng Thái, đã khiến cho kim ngạch nhập khẩu hàng Thái Lan từ Việt Nam gia tăng nhanh trong nhiều năm qua. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan luôn duy trì ở mức thấp, dẫn đến duy trì tình trạng nhập siêu trong nhiều năm nay.
Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, việc nhập khẩu hàng Thái Lan tăng mạnh trong nhiều năm nay cho thấy sản phẩm của nước này đang ngày càng có vị trí trên thị trường. Đây là điều đáng lo ngại khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã hình thành và sẽ rộng đường hơn cho hàng Thái cạnh tranh trên sân nhà với hàng Việt Nam.
Theo www.nld.com.vn