Vua nhãn miền Tây tiết lộ cách đây vài ngày có đại diện doanh nghiệp bên Nga đến đặt vấn đề mua từ 1.000-5.000 tấn/năm nhưng ông đành từ chối vì không có đủ số lượng nhãn để cung cấp.
Nhãn Ido có cơm dày, hạt nhỏ, độ ngọt vừa phải, kích cỡ trái đồng đều.
Ông Tám Liếp (sinh năm 1957, tên thật là Nguyễn Văn Phúc) ngụ ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) – được người dân ĐBSCL ví như “vua nhãn” vừa từ chối ký hợp đồng mua bán nhãn với một doanh nghiệp ở Nga. Sở dĩ ông không ký hợp đồng trên là vì nghĩ rằng mình không có đủ hàng để cung cấp, mất uy tín với đối tác lớn.
Hiện nay, 2ha trong tổng số 4ha vườn nhãn Ido của ông Tám Liếp đang được thu hoạch nhộn nhịp. Theo đó, những thương lái, doanh nghiệp ở các địa phương như huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy (Tiền Giang), huyện Châu Thành (Bến Tre),… đã và đang đổ về đây để ký hợp đồng thu mua. Sau đó, các thương lái và doanh nghiệp này sẽ xuất bán sang các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc,…
Ông Tám Liếp cho biết, với những kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra trái rất riêng cùng với những đặc điểm nổi trội của nhãn Ido sẵn có, sản phẩm làm ra của ông luôn được người dân đón nhận, khen ngợi. Thời gian ông cho cây ra hoa, kết trái là thời điểm nhiều vùng không có nhãn, vải thiều bán nên không lo đầu ra.
Vài năm qua, chỉ có nông dân, cơ quan chức năng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, các thương lái, doanh nghiệp trong nước đến thu mua nhưng thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp, đơn vị ở nước ngoài đã sang Việt Nam, tìm đến tận vườn nhà ông để ký hợp đồng tiêu thụ.
“Cách đây vài ngày có đại diện doanh nghiệp bên Nga đến đặt vấn đề mua từ 1.000-5.000 tấn/năm nhưng tôi đã từ chối vì sợ mình không có đủ số lượng để cung cấp. Thật tiếc” – ông Tám Liếp bày tỏ.
Ông Tám Liếp giải thích việc mình đưa ra quyết định từ chối hợp đồng lớn: “Tôi chỉ có 4ha nhãn Ido nên chỉ bán được 60 tấn/năm cho 4 lần thu hoạch, nếu tôi hợp tác với bà con ở địa phương trồng thì cũng chỉ ở mức 1.000 tấn/năm thôi. Trong khi đó sản lượng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó nói trước được”.
Dân Việt xin gửi đến bạn đọc hình ảnh về vườn nhãn Ido của ông Tám Liếp:
Thời gian này, nhiều nhà vườn không có nhãn bán (nhiều diện tích bị bệnh chổi rồng phá hại nặng nề, không phải mùa nhãn ra trái) nhưng ông Tám Liếp lại có đến 2ha nhãn đang chín rộ.
Để có nhãn bán, ông Tám Liếp đã “cãi lệnh trời” bằng cách cho nhãn Ido ra trái nghịch vụ. Để làm được điều này, ông đã chăm sóc cây nhãn phát triển thật tốt, rồi phun phân Kali (2 đến 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 1 tuần) trên lá, thân cây và bón thêm KCLO3 dưới gốc nhãn.
Nhãn Ido của ông Tám Liếp cho năng suất rất cao, từ 500kg đến 1 tấn trái/cây (có tuổi thọ từ 3-8 năm), cao gấp 2-3 lần so với nhãn xuồng, nhãn da bò. Với sản lượng trên 40 tấn trái trên diện tích 2ha và giá bán 30.000 đồng/kg, ông thu lời trên 1 tỷ đồng.
Ông Tám Liếp cho biết, trước khi ký hợp đồng thu mua, các thương lái, doanh nghiệp đều đến lấy mẫu nhãn đem đi kiểm tra về chất lượng, dư lượng thuốc. Vườn nhãn của ông luôn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu, phần lớn trái nhãn rơi vào loại nhất (thường được xuất sang Mỹ).
Nhãn Ido có ưu điểm là ít rụng trái, vỏ dày và ít nứt nên dễ vận chuyển đi xa, bảo quản lâu.
Hiện nay, ngoài việc thu hoạch nhãn, ông Tám Liếp còn tranh thủ thời gian tiếp các đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. (Trong ảnh: Một khách tham quan vui mừng vì tận mắt thấy vườn nhãn Ido năng suất cao).
Nguồn Huỳnh Xây
Danviet