Trong vòng 1 tuần gần đây, giá thanh long bắt đầu có xu hướng tăng lên. Đến ngày 18/2, giá thu mua thanh long ở một số nơi đã đạt đến 35.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thanh long ruột đỏ thu mua tận vườn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận dao động trong khoảng 20.000-35.000 đồng/kg, một số nơi lên đến 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thanh long ruột trắng đạt 10.000-16.000 đồng/kg.
Nông dân trồng thanh long bắt đầu có lãi
Trao đổi với Zing.vn, ông Trương Quang An – Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) cho biết giá thanh long những ngày qua đã phục hồi trở lại.
“Ngày 18/2, giá thanh long ruột đỏ thu mua tại vườn là 25.000-35.000 đồng/kg, trong khi cách đây 5 ngày chỉ 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thu lời khoảng 10.000 đồng/kg”, ông chia sẻ.
Giá thanh long các loại tăng vọt sau khi hoạt động giao thương với Trung Quốc dần ổn định trở lại. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, tại Tiền Giang, bà Huỳnh Kim Phụng của nhà kho thanh long Long Việt (huyện Chợ Gạo), cho biết mức giá mua vào lúc 10h sáng 17/2 là 35.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ loại 1, 28.000 đồng/kg với loại 2 và 22.000 đồng/kg với loại 3.
Như vậy, giá tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/kg so với 10 ngày trước và tương đương thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến ngày 18/2, bà cho biết chưa tiếp tục thu mua để đợi thị trường ổn định trở lại.
Riêng đối với thanh long ruột trắng, mức giá thu mua ở Bình Thuận cũng tăng lên quanh mức 15.000-20.000 đồng/kg, trong khi cách đây 10 ngày chỉ 5.000-7.000 đồng/kg.
Lý do sự phục hồi thị trường, theo ông Trương Quang An, là việc các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Đồng thời, ảnh hưởng của việc đóng cửa khẩu trước đó cũng khiến người dân không dám để thanh long tiếp tục ra trái. Điều này đẩy nguồn cung xuống thấp so với nhu cầu thu mua hiện tại.
Bộ Công Thương khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên biên giới
Tuy nhiên, ngay trong ngày 18/2, trước hoạt động thu mua thanh long rầm rộ, Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc đến UBND các tỉnh, khuyến cáo người dân hạn chế vận chuyển hàng lên biên giới.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng chỉ nên đưa hàng lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Để đảm bảo lợi ích, người dân cần liên hệ với đối tác Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Thực tế, theo ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty MPT Safari (tỉnh Long An), hoạt động thông quan đã mở cửa nhưng vẫn còn rất chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thanh long.
“Đa số sản lượng thanh long trên địa bàn đã được đóng vào container chở đi hết nhưng vẫn chưa qua khỏi cửa khẩu. Do đó, tình hình những ngày tới chưa thể nắm chắc”, ông nói.
Ông nêu 2 kịch bản có thể xảy ra. Nếu thanh long xuất khẩu thành công sang Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ ở thị trường này tăng cao, giá bán hoàn toàn có thể tăng thêm. Nhưng ngược lại, nếu không thể vượt qua cửa khẩu, số thanh long này sẽ gây thiệt hại lớn vì đã gần đến hạn sử dụng. Khi đó, nông dân buộc phải bán tháo với mức giá thấp.
Ông cho biết, với mức giá tăng lên những ngày qua, người nông dân có thể lãi khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch hầu hết đã được bán ra cách đây nhiều ngày theo các chương trình hỗ trợ giải cứu. Do vậy, dù giá cả tăng lên cũng chưa chắc đã đủ bù mức thiệt hại vừa qua.
Rút kinh nghiệm từ hợp tác xã của mình, ông Trương Quang An cho rằng người dân nên chủ động đa dạng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với sản phẩm tươi như thanh long.
“Chúng tôi cung cấp thanh long cho Thái Lan, Trung Quốc, Dubai, Malaysia…, cứ nơi nào được giá tốt thì bán, trong đó Thái Lan là thị trường chủ lực. Do đó, dịch bệnh vừa qua chỉ tạo nên khủng hoảng trong vòng 10 ngày, không tác động quá lớn đến các xã viên và hiện nay chúng tôi cũng không còn hàng tồn”, ông chia sẻ.
Theo Zing