Ma trận thực phẩm bẩn bủa vây
Có lẽ, vấn đề nổi cộm và nhức nhối nhất năm 2015 chính là vấn đề về thực phẩm, khi mà người dân Việt Nam xung quanh nhìn đâu cũng thấy đồ bẩn, mất vệ sinh, đồ ngâm tẩm hóa chất cấm có hại cho sức khỏe.
Giờ đây, câu cửa miệng của đại đa sống những người dân chính là: “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết, chỉ là chết nhanh hay chết từ từ mà thôi”. Đấy chính là điều đáng quan ngại cho cuộc sống hiện nay của hàng triệu người dân đất Việt, bởi sự tồn tại và phát triển ngày này, tháng khác luôn liên quan mật thiết đến thực phẩm.
Câu chuyện về thịt heo có chứa chất tăng trọng, tạo nạc gây ung thư cho đến việc sử dụng hóa chất cấm để phù phép thịt thối, thịt trong giai đoạn phân hủy thành thịt tươi đã khiến rất nhiều người hoài nghi và lo lắng về sự an toàn của thực phẩm này ngày Tết, khi mà đó là thức ăn chính của hàng triệu người dân.
Lựa chọn thực phẩm ở siêu thị là lựa chọn của người dân
Theo số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông – thủy sản 9 tháng của năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy có 16% mẫu thịt có vi khuẩn Salmonella và 7,6% mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Chi cục Thú y TP HCM cũng xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt lợn, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngoài ra, còn gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh là những chất cấm trong chăn nuôi.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó khi mà ngay cả rau củ quả cũng trở thành những “sát thủ thầm lặng” cho sức khỏe con người bởi lượng hóa chất mà loại thực phẩm này đang gánh phải. Tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện 22% mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép. Đặc biệt, kết quả thanh tra năm 2010-2015 của Bộ NN-PTNT cho thấy hàng loạt trường hợp sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục hay cực độc (bị cấm) để phun lên rau, giúp rau củ phát triển nhanh đến chóng mặt.
Rồi câu chuyện về hành vi nhúng chuối vào nước có pha thuốc trừ cỏ CO2,4D để làm cứng trái của vựa chuối ở thị xã Thuận An không chỉ khiến Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát “lạnh sống lưng” mà còn khiến biết bao người dân Việt Nam phải “rùng mình” khi nghĩ đến việc đó sẽ trở thành đồ ăn ngon lành cho biết bao đứa trẻ còn thơ dại.
Câu nói của đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh “Con đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế” quả thật chua xót và đắng cay. Người Việt đang tự đầu độc mình bằng những hành vi “bỉ ổi” vì lòng tham lợi nhuận. Đây cũng là cách “tự mình giết mình” mà không thể có bất cứ một sự phản kháng nào, bởi thực phẩm “gắn liền như khúc ruột” với người dân, kể cả người làm ra cũng như người sử dụng.
Rồi bún, phở, bánh canh bị phát hiện có sử dụng chất huỳnh quang (tinopal) để làm trắng. Mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô có chứa chất độc axit oxalic vốn không được phép dùng trong chế biến thực phẩm. Nhiều loại quả như chuối, xoài, đu đủ, mít, sầu riêng loại hóa chất dấm hoa quả ethrel (ethephon) vốn không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và cũng nằm ngoài danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam…. Hàng trăm, hàng nghìn loại thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, đang từng ngày, từng giờ “giết mòn” người Việt.
Biết ăn gì cho sạch?
Tết nay không giống tết xưa, cuộc sống khá giả, hiện đại, thực phẩm không thiếu, đồ ăn thức uống cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Thế nhưng rất nhiều người có tâm lý ngày Tết phải ăn sao cho ngon, cho sạch, cho đầy đủ hơn những ngày thường thì mới mong một năm mới phát tài, phát lộc. Lựa chọn thức ăn sao cho đảm bảo sức khỏe là một điều cực kì cần thiết, nhưng thời nay, đấy không phải việc dễ dàng.
PGS.TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm
PGS.TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cũng đưa ra những lo ngại của mình.
Theo ông, Tết Nguyên Đán năm nay khác hẳn với mọi năm, khi mà vấn đề thực phẩm trở thành nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân Việt: “Người ta bảo quanh năm chỉ có một ngày tết, thế nên vấn đề về thực phẩm, hàng hóa luôn phải được coi trọng hàng đầu. Do điều kiện khí hậu nóng ẩm, lại ô nhiễm nên thực phẩm không được bảo quản tốt. Hơn nữa dịp Tết là lúc buôn bán đắt đỏ nên rất nhiều người vì lòng tham lợi nhuận mà coi rẻ sinh mạng của người tiêu dùng.
Từ những yếu tố đó sẽ dẫn đến việc thực phẩm bị mất an toàn là rất cao. Cách đây 10 năm, Bộ Y tế đã khuyến cáo rằng: “Mỗi người tiêu dùng phải là một người tiêu dùng thông thái” . Cho đến nay, câu nói ấy vẫn còn có giá trị. Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng phải có cho mình những kinh nghiệm “dắt lưng” về việc lựa chọn thực phẩm sạch, tươi, mới”.
Thực tế, trong xã hội hiện đại khi lòng trung thực bị mua chuộc bởi đồng tiền, con người có thể sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà bán rẻ sức khỏe của người khác thì vấn đề thực phẩm bẩn càng trở nên vô cùng “nóng hổi”. Thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay đi tìm cho mình một hướng giải quyết triệt để, nhưng rồi vẫn chưa thể đánh bật tận gốc rễ của vấn đề này.
Xoay quanh thực tế đó, PGS.TS Trần Đáng đưa ra những ý kiến của mình, theo ông:“Biện pháp có thể làm để ngăn chặn vấn đề thực phẩm bẩn chính là kiểm soát tại nguồn. Chứ không phải là kiểm soát ở nơi buôn bán. Mà tăng cường kiểm soát tận gốc thì phải dựa theo các tiêu chuẩn rõ ràng về thực phẩm, hàng hóa. Ở Việt Nam, vấn đề này còn bị coi nhẹ. Ngoài ra việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái cũng là một vấn đề quan trọng.
Theo Ngày Nay