Năm 2019, Việt Nam có năm tỷ phú USD được vinh danh gồm ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – sáng lập và chủ tịch Sovico Holding đồng thời là cổ đông lớn của Vietjet và HDBank; và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco; ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group và ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank.
Trong đó, có hai gương mặt mới là ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh.
Danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020 dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3 tới. Trước thềm báo cáo quan trọng này, xếp hạng của những tỷ phú Việt đang có biến động không hề nhỏ.
1. Ông Phạm Nhật Vượng
Chủ tịch Vingroup hiện vẫn là người giàu nhất Việt Nam. Tuy nhiên nếu như năm ngoái, vị đại gia này có bước nhảy ngoạn mục từ vị trí 499 lên 239 thế giới với tổng tài sản 6,6 tỷ USD thì ở bảng xếp hạng thời gian thực 17/2, ông đã rớt xuống vị trí 261. Tuy nhiên, giá trị tài sảng ròng vẫn tăng 700 triệu USD.
Vingroup là tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam, hoạt động từ bất động sản đến chế tạo, y tế, giáo dục,… nhưng hiện đã trao lại mảng bán lẻ cho Masan cũng như từ bỏ tham vọng lập hãng hàng không để tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu công nghiệp và công nghệ.
2. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Theo bảng xếp hạng 17/2 của Forbes, bà Thảo đang sở hữu khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD, đứng thứ 1.091 thế giới, tiếp tục đà rớt hạng từ năm 2019.
Năm ngoái, tài sản rỏng của nữ tỷ phú tự thân duy nhất Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, xếp hạng 1.008. Cũng trong năm 2019, bà được Forbes vinh danh trong Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
3. Ông Trần Bá Dương
Theo số liệu của Forbes, tổng giá trị tài sản của ông Dương và gia đình đã chạm mức 1,7 tỷ USD, vẫn giữ nguyên so với năm ngoái. Tuy nhiên, vị tỷ phú đã rớt xuống vị trí 1.490, giảm 101 bậc trên bảng xếp hạng.
4. Ông Hồ Hùng Anh
Năm 2019, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank lần đầu lọt top những người giàu nhất hành tinh của Forbes với tổng tài sản 1,7 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 1349. Hiện hai con số này đã lần lượt rớt xuống còn 1,3 tỷ USD và vị trí 1.847.
Ông Hùng Anh có bằng kỹ sư điện tử, đầu tư vào ngân hàng Techcombank từ những thập niên 1990 và trở thành chủ tịch Techcombank vào năm 2008.
Theo dự báo của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thu nhập thuần của Techcombank năm 2019 sẽ tăng nhẹ 0,7% lên 9.500 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 9.465 tỉ đồng, tăng gần 12% so với 2018.
5. Ông Nguyễn Đăng Quang
Nếu như các tỷ phú trên mới chỉ “rớt hạng” thì Chủ tịch Masan có vẻ “thê thảm” hơn khi mất tích luôn khỏi bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, thể hiện giá trị tài sản đã ở dưới mức 1 tỷ USD. Năm ngoái, ông Quang có tổng tài sản 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1717.
Cuối năm 2019, Chủ tịch Masan đã có cái bắt tay mang tính lịch sử với tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi tiến hành thâu tóm Vinmart – VinEco, tiếp nhận mảng bán lẻ của Vingroup. Từ đó, vốn hóa thị trường của Masan cũng như tài sản của ông Quang đã liên tiếp có nhiều biến động.
Trí thức trẻ