.
.

Việt Nam và Australia trao đổi kiến thức về thương mại hóa nghiên cứu


Tọa đàm Việt Nam-Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ ba đẩy mạnh thảo luận trong lĩnh vực thương mại hóa kỹ thuật số, sở hữu trí tuệ và nghiên cứu.

Việc thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Thủ tướng Chính phủ mới đây vừa ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tập trung mạnh vào việc “nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp”.

Trên tinh thần đó, Đại học RMIT và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI), trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã đồng tổ chức Tọa đàm Việt Nam-Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0 lần thứ ba.

Hình 1

 Đại học RMIT và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức Tọa đàm hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0 lần thứ ba.

Sự kiện tiếp nối thành công của tọa đàm lần thứ nhất và lần thứ hai diễn ra vào năm 2020 và 2021 nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác chiến lược, tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về công nghệ và nghiên cứu, đồng thời thu hút các bên liên quan trong khu vực công và tư nhân của Australia và Việt Nam nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác trong Công nghiệp 4.0.

Tọa đàm lần thứ ba có sự tham gia của đại diện chính phủ Việt Nam và Australia, các trường đại học, cũng như các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và toàn cầu như Ericsson và Đất Xanh Services.

Hình 2

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại sự kiện.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hợp tác công-tư nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cũng như đưa nghiên cứu vào ứng dụng. Hơn nữa, thương mại hóa nghiên cứu là con đường ngắn nhất và hiệu quả cao trong việc đưa tri thức từ các trường đại học vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Theo Tiến sĩ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ cho phép Việt Nam đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu, và thu hút các cơ hội đầu tư và phát triển mới.

“Tuy nhiên, để thương mại hóa nghiên cứu thực hiện chức năng chuyển hóa tài sản vô hình thành tài sản hữu hình và lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu thì điều cần nhất vẫn là vai trò chủ động của các chủ thể có quyền sở hữu. Một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có sáng chế, phải sớm thực hiện các thủ tục xác lập quyền, có như vậy họ mới được độc quyền khai thác và thương mại hóa các tài sản này. Kiến thức cơ bản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và việc sử dụng đúng công cụ sở hữu trí tuệ vào đúng thời điểm là nền tảng quan trọng góp phần đem đến thành công cho việc thương mại hóa nghiên cứu”, ông nhận định.

Hình 3

Giáo sư Calum Drummond, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Phân viện STEM, và Nghiên cứu và Đổi mới), Phó giám đốc Đại học RMIT, chia sẻ kinh nghiệm của trường trong việc hợp tác với doanh nghiệp về thương mại hóa nghiên cứu.

Là đồng chủ tọa của tọa đàm lần thứ ba về Công nghiệp 4.0, Giáo sư Calum Drummond, quyền Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Phân viện STEM, và Nghiên cứu và Đổi mới), Phó giám đốc Đại học RMIT, đã chia sẻ kinh nghiệm của trường trong việc hợp tác với doanh nghiệp về thương mại hóa nghiên cứu cũng như hoạt động của Phân viện STEM. Ông cũng đề cập đến những thách thức và bài học kinh nghiệm từ Australia về sở hữu trí tuệ trong thương mại hóa nghiên cứu.

Trong khuôn khổ sự kiện, các bên còn công bố giới thiệu Nền tảng liên kết đổi mới sáng tạo RMIT-VISTI (ICP) nhằm cung cấp các giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo và quản trị. RMIT và VISTI sẽ đóng vai trò cung cấp giải pháp và nghiên cứu khoa học dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Giáo sư Drummond khẳng định: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và đẩy mạnh nền tảng đổi mới sáng tạo, chia sẻ kiến ​​thức từ phía chúng tôi đồng thời thu thập kiến ​​thức từ phía Việt Nam để tạo ra lợi ích cho chính người dân nơi đây”.

Ông cũng cho biết, “trong sáu năm qua, RMIT luôn trên hành trình đảm bảo các hoạt động nghiên cứu của trường ngày càng phù hợp với thế giới bên ngoài môi trường học thuật. Ngoài việc tạo tác động trong cộng đồng học thuật, thông qua việc thực hiện các nghiên cứu xuất sắc, công bố và phổ biến kiến ​​thức mới, trường còn áp dụng nhiều phương cách khác nhau để đưa các kết quả nghiên cứu khả quan ra thế giới bên ngoài chứ không chỉ giới hạn trong giới học thuật”.

Tiến sĩ Kim Wimbush, Tham tán CSIRO và Giám đốc Chương trình Aus4Innovation thuộc Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng khi thấy hợp tác chiến lược giữa RMIT – trường đại học hàng đầu của Australia và VISTI – cơ quan cố vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ông nhận thấy nỗ lực rất lớn từ RMIT và VISTI để thiết lập một nền tảng nhằm thu hút thật nhiều đối tượng khác nhau từ cả Australia và Việt Nam vào hệ sinh thái này để hợp tác và tận dụng tốt nhất các cơ hội có được từ Công nghiệp 4.0.

Theo RMIT



Bài viết cùng chuyên mục