Thừa Thiên – Huế: Hoa chết hàng loạt sau khi phun thuốc diệt rầy
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, vụ hoa Tết Bính Thân 2016, các vùng hoa Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng có hơn 2.000 ha, trong đó khoảng 70% trồng các loại hoa truyền thống như layơn, lily, cúc, đồng tiền…
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nhà vườn tập trung đưa hoa đa sắc vào chậu nhỏ, như cẩm tú cầu xanh, lily nhiều màu có viền trắng chấm bi, thu hải đường đa sắc… Theo một số nhà vườn, hoa mới ra mắt trong dịp Tết năm nay có giá trung bình từ 40.000-120.000 đồng/chậu.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, dự đoán: “Năm nay, hoa cắt cành sẽ không tăng như các năm vì khách hàng có xu hướng chuyển sang mua hoa chậu do có thể chưng 1-2 tháng. Thị trường hoa cao cấp giống ngoại nhập, như địa lan, lan hồ điệp trồng trong chậu nhỏ cũng đã sôi động với nhiều giá và chủng loại”.
Các loại địa lan được thị trường ưa chuộng như vàng SJC, vàng hoàng hậu, New Zealand, xanh…, giá dao động từ 400.000-800.000 đồng/cành.
Ông Huỳnh Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công ty Sinh học rừng hoa Đà Lạt, cho biết năm nay, công ty trồng 200.000 chậu hoa các loại, toàn bộ là giống mới như lily Casiny, Musat, Berbini. “Đặc biệt, Green Whisky màu xanh lá mạ, cúc Calimero màu trắng xanh, hoa tulip nhiều màu, hoa thủy tiên cánh đa dạng hứa hẹn sẽ góp phần làm sôi động thị trường dịp Tết này” – ông Dũng nói.
Ngoài bán ở TP Đà Lạt, phần lớn hoa của Lâm Đồng được chuyển đến TP HCM và nhiều địa phương khác. Theo nhận định của các doanh nghiệp, giá hoa năm nay chỉ bằng 50%-60% so với năm trước do nguồn cung dồi dào.
Trong khi đó, hơn nửa tháng nay, ông Đoàn Văn Hằng (thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đứng ngồi không yên khi vườn cúc sắp bán Tết không ra hoa. Theo ông Hằng, cách đây gần 1 tháng, khi vườn hoa xuất hiện rầy lưng trắng, ông đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang mua thuốc diệt rầy Penalty 40WP về xử lý. Chỉ sau một đêm phun thuốc, hoa cúc chuyển màu. Vài ngày sau, nụ hoa chết khi vừa chớm nở. “Gần 1.000 chậu hoa cúc của gia đình tôi đã chết nụ, thiệt hại gần 190 triệu đồng” – ông Hằng buồn bã.
Nhiều vườn hoa khác ở xã Phú Thượng khi sử dụng thuốc Penalty 40WP cũng bị thiệt hại nặng.
Ông Võ Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, xác nhận 18 hộ vừa trình báo có khoảng 10.000 chậu hoa cúc chết sau khi phun thuốc diệt rầy Penalty 40WP. Trong đó, hộ bị thiệt hại ít nhất là 100 chậu, nhiều nhất gần 1.000 chậu.
Tại buổi kiểm tra thực tế mới đây, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang, UBND xã Phú Thượng, các hộ bị thiệt hại và đại lý bán thuốc đã đưa ra kết luận ban đầu. Theo đó, Penalty 40WP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành để diệt rầy lưng trắng trên lúa. Người dân nhiều năm đã dùng loại này để diệt rầy trên hoa nhưng không bị thiệt hại. Tuy nhiên, dùng thuốc Penalty 40WP có hỗn hợp Dylan 2EC là không đúng kỹ thuật, đại lý bán thuốc không hướng dẫn cụ thể cho người mua. Vì vậy, đoàn kiểm tra đề nghị đại lý thỏa thuận với người dân bị thiệt hại để thống nhất mức hỗ trợ.
Theo www.nld.com.vn