Các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra cách tái chế khẩu trang đã qua sử dụng để làm đường. Đây là một giải pháp kinh tế tuần hoàn đối với rác thải tạo ra từ đại dịch.
Vật liệu làm đường mới do các nghiên cứu viên Đại học RMIT phát triển làm từ hỗn hợp khẩu trang dùng một lần đã được cắt vụn và vữa xây dựng đã qua xử lý. Vật liệu này đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật xây dựng dân dụng.
Phân tích chỉ ra rằng khẩu trang giúp bổ sung thêm độ rắn chắc cho vật liệu này, được sử dụng để làm móng của đường và lề đường.
Nghiên cứu cho thấy để làm ra chỉ một cây số đường hai làn xe bằng vật liệu từ khẩu trang tái chế sẽ cần dùng đến ba triệu khẩu trang, tránh phải đưa 93 tấn rác thải ra bãi rác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Môi trường toàn diện – Science of the Total Environment, và là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về ứng dụng tiềm năng của khẩu trang y tế đã qua sử dụng trong xây dựng dân dụng.
Ước tính khoảng 6,8 tỉ khẩu trang dùng một lần được dùng hằng ngày trên toàn cầu từ việc gia tăng sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) suốt đại dịch COVID-19.
Tác giả chính Tiến sĩ Mohammad Saberian cho biết cần các phương thức tiếp cận đa ngành và hợp tác để giải quyết tác động môi trường của COVID-19, đặc biệt với những mối nguy từ việc tiêu huỷ PPE đã qua sử dụng.
“Nghiên cứu khởi thuỷ này tìm hiểu tính khả thi của việc tái chế khẩu trang dùng một lần vào làm đường. Và chúng tôi vô cùng phấn khởi khi ý tưởng này không chỉ hiệu quả mà còn có lợi thực sự về mặt kỹ thuật”, Tiến sĩ nói. “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ mở ra cánh cửa cho nghiên cứu chuyên sâu, nhằm giải quyết việc quản lý rủi ro y tế và an toàn quy mô lớn, đồng thời tìm hiểu xem các loại PPE khác có thể thích hợp để tái chế hay không”.
Làm đường từ khẩu trang
Đường xá được làm từ bốn lớp: lớp đáy móng, lớp móng trên, lớp móng dưới và lớp nhựa đường trên cùng. Tất cả các lớp phải vừa cứng, vừa linh hoạt để chịu được sức ép của xe có tải trọng lớn cũng như chống nứt gãy.
Vữa xây dựng đã qua xử lý (hay cốt liệu bê tông tái chế) có thể được dùng để xây ba lớp móng cơ bản.
Nhưng các nghiên cứu viên phát hiện ra rằng bổ sung thêm khẩu trang cắt vụn vào cốt bê tông tái chế vừa giúp gia cố nguyên liệu, vừa giúp đối phó với thách thức môi trường ở hai mảng: xử lý chất thải từ PPE và rác thải xây dựng.
Xây dựng, sửa chữa và dỡ bỏ tạo ra một nửa rác thải hằng năm trên toàn thế giới, và tính riêng ở Úc, khoảng 3,15 triệu tấn cốt bê tông tái chế bị đưa ra bãi rác mỗi năm thay vì được tái sử dụng.
Nghiên cứu xác định ra hỗn hợp tối ưu gồm 1% khẩu trang cắt vụn và 99% cốt liệu bê tông tái chế. Hỗn hợp này vừa đủ mạnh, vừa duy trì liên kết tốt giữa hai vật liệu.
Hỗn hợp thể hiện tốt qua các bài kiểm tra áp lực, acid và chống nước, cũng nhưng kiểm tra sức bền, biến dạng và thuộc tính động lực học, đáp ứng toàn bộ chi tiết kỹ thuật dân dụng liên quan.
Trong khi nghiên cứu thực nghiệm của RMIT được thực hiện với số lượng nhỏ khẩu trang y tế chưa qua sử dụng, các nghiên cứu khác lại xem xét những phương thức hiệu quả để sát trùng và khử khuẩn khẩu trang qua sử dụng.
Đánh giá toàn diện về các kỹ thuật sát trùng phát hiện ra rằng có thể diệt 99,9% vi rút bằng “kỹ thuật lò vi sóng” đơn giản. Theo đó, có thể dùng dung dịch diệt khuẩn xịt lên khẩu trang rồi quay trong lò vi sóng một phút.
Trong nghiên cứu liên quan, các nghiên cứu viên RMIT còn tìm hiểu việc sử dụng khẩu trang dùng một lần được cắt vụn như vật liệu tổng hợp để làm bê tông, với kết quả ban đầu đầy hứa hẹn.
Giáo sư Jie Li dẫn dắt nhóm nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật Đại học RMIT chuyên nghiên cứu việc tái chế và tái sử dụng vật liệu từ rác thải cho xây dựng dân dụng.
Giáo sư Li cho biết sau khi thấy quá nhiều khẩu trang vứt lung tung trên đường phố nơi họ sinh sống, cả nhóm đã suy nghĩ về tính khả thi của việc đưa khẩu trang vào vật liệu xây dựng.
“Chúng tôi biết rằng dù khẩu trang được vứt đúng nơi quy định, chúng sẽ vẫn bị đưa ra bãi rác hoặc đem đi đốt”, ông nói. “Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo ra khủng khoảng sức khoẻ và kinh tế toàn cầu mà còn gây ra tác động khủng khiếp lên môi trường”.
“Nếu có thể khiến cho nền kinh tế tuần hoàn nghĩ về vấn đề rác thải nghiêm trọng này, chúng ta có thể phát triển những giải pháp thông minh và bền vững chúng ta cần”.
Nghiên cứu “Tái sử dụng khẩu trang dùng một lần trong đại dịch COVID-19 với mục đích khác để làm móng trên/móng dưới của lề đường” với đồng tác giả bao gồm Nghiên cứu sinh Tiền tiến sĩ thổ dân Úc Shannon Kilmartin-Lynch và Trợ lý nghiên cứu Mahdi Boroujeni, đã được công bố trên tạp chí Khoa học Môi trường toàn diện (DOI: 10.1016/j.scitotenv.2021.145527).
Theo RMIT