.
.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại “kháng kháng sinh” đã đến


Đó là những loại vi khuẩn đã nguy hiểm nay còn nguy hiểm hơn khi rất ít kháng sinh có thể tiêu diệt được chúng.

Chúng ta biết rằng, một chủng loại “siêu vi khuẩn” với khả năng kháng lại toàn bộ các loại kháng sinh đã xuất hiện, đặt ra nguy cơ đưa nhân loại về thời kỳ trước khi có thuốc kháng sinh.

Khi đó, chỉ một vết thương nhỏ cũng có thể giết chết người, và các cuộc phẫu thuật dù rất đơn giản cũng không thể thực hiện – tất cả là bởi thiếu một loại kháng sinh hữu hiệu để ngăn chặn sự nhiễm trùng.

Trên thực tế, vi khuẩn kháng kháng sinh không phải điều gì quá mới mẻ mà chúng đã xuất hiện từ lâu, và thậm chí có thể sống ngay trên cơ thể chúng ta, chỉ đợi cơ hội là phát tác. Tuy không đến mức kháng mọi loại kháng sinh như chủng vi khuẩn “bá đạo” vừa mới phát hiện, nhưng cũng khiến cho giới y tế phải đau đầu nhức óc để tìm cách khắc chế.

Và khi thời đại kháng kháng sinh đã chính thức xuất hiện, đây sẽ là những vi khuẩn bạn cần đề phòng nhất. Đó là những vi khuẩn mà không một bác sĩ nào muốn đối mặt với chúng.

1. E.coli – vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm

Hầu hết vi khuẩn E.coli hoàn toàn vô hại và tồn tại một cách hòa bình trong hệ tiêu hóa của con người. Tuy nhiên, vẫn có vài chủng gây ra các bệnh nghiêm trọng – như ngộ độc thực phẩm, viêm màng não, và nhiễm trùng.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 1.

Đặc biệt, đây là loại vi khuẩn có khả năng kháng lại rất nhiều loại kháng sinh. Và chẳng đâu xa, siêu vi khuẩn kháng được toàn bộ kháng sinh hiện nay cũng chính là E.coli.

Tuy nhiên, nhân loại vẫn còn tồn tại mà chưa bị tiêu diệt sạch vì E.coli là do một sự trùng hợp kì lạ: các chủng có tính kháng cao thì lại hiếm khi gây bệnh.

Mức độ kháng: Cao

2. Acinetobacter baumannii – khuẩn viêm màng não, viêm phổi…

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 2.

Acinetobacter baumannii gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và là chủng vi khuẩn có khả năng chống lại rất nhiều loại kháng sinh.

A.baumannii có thể sống sót tại điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài, khiến việc điều trị cho bệnh nhân có sức khỏe yếu gặp nhiều khó khăn. Cộng thêm khả năng kháng kháng sinh cao thì quả là “ác mộng” của các bác sĩ nếu gặp phải chúng.

Mức độ kháng: Cao

3. Staphylococcus aureus – tụ khuẩn gây viêm não, viêm phổi

Staphylococcus aureus là tụ cầu khuẩn rất dễ lây lan qua tiếp xúc giữa người với người, có thể gây nên một loạt bệnh từ nhẹ như các chứng rối loạn da, đến nguy hiểm chết người như viêm não, viêm phổi.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 3.

Tụ khuẩn Staphylococcus aureus

Trước kia, Staphylococcus aureus thường được điều trị với kháng sinh nhóm penicillin. Nhưng cũng do sự quá lạm dụng của con người mà một số chủng S. aureus đã trở nên nhờn kháng sinh có gốc beta-lactam bao gồm methicillin, dicloxacillin, oxacillin, và cả penicillin. Theo thu thập từ năm 1960, 80% khuẩn S. aureus đều thuộc chủng loại này.

Mức độ kháng: Cao

4. Pseudomonas aeruginosa – vi khuẩn siêu cơ hội

Nhanh chóng biến đổi và thích ứng với các liệu pháp điều trị kháng sinh khác nhau, Pseudomonas aeruginosa được xem như loại vi khuẩn có “năng khiếu” bẩm sinh phát triển khả năng kháng kháng sinh.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 4.

Đây cũng được gọi là loại vi khuẩn siêu cơ hội, khi chúng chủ yếu tấn công người đang có hệ miễn dịch yếu, như bệnh nhân AIDS, ung thư… và có thể tạo ra biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân.

Mặc dù hiện tại P. aeruginosa vẫn chưa phải mối đe dọa lớn vì còn các kháng sinh có thể khắc chế, nhưng trong tương lai chắc chắn nguy cơ sẽ ngày càng tăng cao.

Mức độ kháng: Trung bình

5. Klebsiella pneumoniae – khuẩn nhiễm trùng

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 5.

Klebsiella pneumoniae là nguyên nhân của nhiều bệnh nhiễm trùng tại khắp bộ phận cơ thể. Đồng thời, chúng cũng được chứng minh có thể kháng lại một loạt các loại kháng sinh khác nhau.

Tuy nhiên, vẫn còn điều may mắn khi K. pneumoniae ít gây nguy hiểm đến người lớn khỏe mạnh, mà chủ yếu ảnh hưởng lên đàn ông trung niên hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu.

Mức độ kháng: Trung bình

6. Mycobacterium tuberculosis – khuẩn lao

Lao – căn bệnh từng là một trong “tứ chứng nan y” trong lịch sử, được gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis.

Có bằng chứng cho thấy bệnh lao xuất hiện từ cách đây 9.000 năm. Thậm chí, người ta còn cho rằng hoàng hậu Nefertiti và chồng bà Pharaoh Ai Cập Akhenaten đã chết vì lao vào khoảng năm 1330 TCN.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 6.

Nhờ có sự xuất hiện của kháng sinh mà độ nguy hiểm cũng như số ca mắc lao dần được đẩy lùi, ví dụ tại Anh vào năm 1987 chỉ còn 5.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm.

Tuy nhiên vào đầu thập niên 90, người ta nhận thấy tính kháng kháng sinh của vi khuẩn M. tuberculosis ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, với tốc độ nhờn thuốc ngày càng nhanh, chẳng mấy chốc các loại kháng sinh sẽ buộc phải chịu thua. Lúc này, nếu không lập tức có ngay thuốc mới thì một lần nữa, lao sẽ trở thành một đại dịch chết người hàng loạt.

Mức độ kháng: Trung bình

7. Neisseria gonorrhoeae – khuẩn gây bệnh lậu

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 7.

Neisseria gonorrhoeae, hay còn gọi là vi khuẩn bệnh lậu, lây truyền qua đường quan hệ tình dục và gây triệu chứng nhiễm trùng khác nhau ở hai giới nam và nữ.

Có bằng chứng cho thấy một số chủng khuẩn lậu đã tiến hoá và thể hiện khả năng kháng sinh từ cách đây 50 năm hoặc lâu hơn. Thậm chí đã có nhiều trường hợp bị lậu mãn tính, vĩnh viễn không thể chữa khỏi vì khuẩn lậu đã tiến hoá quá mạnh, chống được nhiều loại kháng sinh khác nhau.

Mức độ kháng: Trung bình

8. Burkholderia cepacia – khuẩn gây bệnh phổi

Được phát hiện lần đầu vào năm 1949, vi khuẩn Burkholderia cepacia là dạng mầm bệnh cơ hội, có thể gây viêm phổi nguy hiểm ở những người mắc tiền sử bệnh phổi từ trước, chẳng hạn xơ nang phổi.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 8.

Trong khi đa số trường hợp bệnh có thể chữa khỏi bằng việc kết hợp nhiều loại kháng sinh, B. cepacia cho thấy mức độ kháng cao với một số nhóm kháng sinh nhất định, cùng khả năng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt.

Các nhà khoa học đang phải phát triển thêm những cách thức mới để chống lại vi khuẩn này khi mức độ kháng kháng sinh của chúng ngày càng tiến hóa.

Mức độ kháng: trung bình

9. Clostridium difficile – siêu vi khuẩn gây… tiêu chảy

Clostridium difficile là một trong những “siêu vi khuẩn” được biết đến nhiều nhất, do chúng quá phổ biến, có mặt trong hầu hết các bệnh viện trên toàn thế giới. Vi khuẩn này dễ dàng lây lan, gây ra tiêu chảy và thậm chí dẫn đến biến chứng ở đại tràng.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 9.

Mặc dù đã rất nỗ lực cải thiện điều kiện vệ sinh tại các bệnh viện, C. difficile vẫn chịu trách nhiệm rất nhiều ca tử vong của bệnh nhân trên toàn cầu.

Đặc biệt, tình trạng nhiễm C. difficile ngày càng gia tăng có liên quan tới việc sử dụng kháng sinh tràn lan, bởi chúng dễ xâm nhập vào cơ thể người hơn khi sự cân bằng hệ vi sinh bên trong cơ thể bị rối loạn do uống kháng sinh.

Mức độ kháng: Thấp

10. Streptococcus pyogenes – khuẩn đau họng, chốc lở, phát ban

Streptococcus pyogenes giống với E. coli, được tìm thấy cư trú ở phổi hoặc cổ họng của 5-15% dân số thế giới mà không tạo nên bất kỳ tác hại gì.

Tuy nhiên, một số chủng gây bệnh của vi khuẩn chịu trách nhiệm cho 700 triệu ca nhiễm trùng mỗi năm trên toàn cầu, với tỉ lệ tử vong lên đến 25% ở trường hợp nặng.

10 vi khuẩn cần phải đề phòng khi thời đại kháng kháng sinh đã đến - Ảnh 10.

Khi “giở chứng” S. pyogenes gây ra một loạt bệnh khác nhau từ đau họng, chốc lở, đến ban đỏ. Tin vui là loại vi khuẩn này nhạy cảm với penicillin nên có thể dễ dàng được điều trị trong đa số trường hợp.

Nhưng còn tin buồn là người ta đã phát hiện ra một số chủng S. pyogenes đang phát triển khả năng kháng được nhiều loại kháng sinh khác nhau.

Mức độ kháng: Thấp



Bài viết cùng chuyên mục