Các loại vết bẩn khó giặt thường gặp nhất là vết cà phê, rượu, sáp nến, trứng gà, thuốc lá… gây ra. Hãy tìm ngay trong nhà bạn những nguyên liệu có sẵn như xăng, cồn, giấm ăn…để loại bỏ những vết bẩn cứng đầu trên quần áo.
Đồ ăn, thức uống hay vết dây mực, son môi, dầu mỡ… đều là những tác nhân gây ra vết bẩn khó phai trên quần áo bạn mà đôi khi bột giặt hay thuốc tẩy là không hề “xi nhê” gì cả. Bởi vì mỗi loại vết bẩn có một biện pháp làm sạch khác nhau và chất liệu áo quần cũng ảnh hưởng đến cách loại bỏ các vết bẩn này.
Trước khi làm sạch một vết bẩn nào đó, bạn cần cân nhắc kỹ loại chất liệu của nó. Quần áo bị bẩn thuộc loại vải gì (cotton, sợi tổng hợp, len hay là lụa…) Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách làm sạch mà bạn nên chọn. Trước khi bắt tay vào công việc, bạn hãy đọc kĩ nhãn hướng dẫn giặt giũ đính trên mỗi quần áo. Sau đó, bạn chỉ cần làm theo những hướng dẫn đơn giản sau đây.
* Đối với vải sợi tổng hợp:
Có nhiều loại vải sợi tổng hợp khác nhau, nhìn chung đều khá bền, nên bạn có thể yên tâm khi giặt tẩy các vết bẩn.
Thường thì vải sợi tổng hợp dễ giặt sạch với các loại xà phòng giặt thông thường có chứa enzyme, nhưng không nên dùng với hoá chất quá mạnh như là thuốc tẩy.
Kiểm tra kĩ loại chất tẩy vết bẩn chuyên dụng bạn đang dùng xem có an toàn cho vải sợi tổng hợp hay không nhé.
* Đối với vải len:
Rất nhiều loại chất tẩy quần áo bày bán trên thị trường nhưng có thể làm hỏng đồ len, do đó hãy đảm bảo rằng, bạn đã đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nhé!
Nên dùng loại xà phòng giặt thiết kế riêng cho đồ len, sau đó khi phơi khô thì đặt quần áo phẳng phiu để giữ được dáng như ban đầu.
Nếu cần thiết, bạn có thể mang quần áo đến cửa hàng nơi bán hoặc nơi chuyên tư vấn giặt tẩy để có lời khuyên cho cách xử lí với loại vết bẩn chuyên biệt.
* Đối với vải lụa:
Bạn rất cần một loại xà phòng giặt riêng phù hợp với đồ lụa, rồi khi giặt phải ngâm toàn bộ sản phẩm để tránh các vệt nước lốm đốm đọng lại.
Lụa là chất liệu đặc biệt dễ hỏng, do đó nếu gặp phải các vết bẩn cứng đầu, tốt hơn là bạn nên mang chúng ra cửa hàng giặt khô.
* Đối với vải cotton:
Cotton là chất liệu bền, do đó bạn có thể áp dụng nhiều cách để giặt sạch quần áo cotton mà không lo làm hỏng vải.
1. Vết bẩn từ nước trái cây
Trong khi uống nước ép trái cây bạn có thể vô tình làm nó vấy bẩn lên quần áo. Cách tốt nhất lúc này là dùng muối ăn rắc nhẹ lên trên vết bẩn. Sau đó dùng nước thấm ướt rồi ngâm vào nước xà phòng để giặt lại.
Đối với vết bẩn nhẹ, ta có thể dùng nước lạnh để giặt. Tuy nhiên với vết bẩn nghiêm trọng, bạn nên pha một dung dịch gồm 20 phần nước và 1 phần amoniac tẩy vết bẩn. Dung dịch này có khả năng trung hoà axit hữu cơ có trong nước trái cây.
Một cách đơn giản khác nữa là dùng giấm ăn nhỏ vài giọt lên vết bẩn rồi dùng tay vò sạch, sau đó giặt lại bằng nước sạch.
2. Vết bẩn từ tương sốt cà chua
Trước tiên, bạn hãy làm sạch tương cà chua ra khỏi quần áo. Ngay sau đó, bạn giặt quần áo với nước ấm pha xà phòng, vò mạnh sẽ tẩy được vết tương cà chua.
3. Vết bẩn từ kẹo cao su
Kẹo cao su dính chặt và rất khó khăn khi tháo nó ra khỏi quần áo của bạn. Khi đó, bạn có thể dùng xăng hoặc cồn là có thể tẩy sạch.
Một mẹo nhỏ nữa là cho quần áo bị dính kẹo cao su vào ngăn đông tủ lạnh, sau một thời gian vết kẹo sẽ bị cứng, dòn. Khi lấy quần áo bạn chỉ cần bóc nó ra là có thể an tâm.
4. Vết bẩn từ nước trà, cà phê
Ngay khi quần áo bị bẩn, bạn hoàn toàn có thể giặt sạch nó trong nước ấm.
Tuy nhiên, trong những trường hợp bạn phải đợi đến khi về nhà bạn mới có thể giặt nó. Lúc này vết bẩn đã khô lại, bạn có thể làm theo cách sau:
+ Trộn hỗn hợp lòng đỏ trứng và glycerin sau đó bôi lên chỗ bị vây bẩn.
+ Chờ cho khô rồi lấy nước sạch giặt lại.
+ Ngoài ra, bạn có thể dùng glycerin tẩm trực tiếp lên vết bẩn rồi rắc lên một ít axit boric, sau đó ngâm quần áo vào trong nước sôi để giặt.
Một phương pháp khác đó là dùng dung dịch amoniac loãng, phèn và nước ấm lau lên trên vết bẩn rồi giặt lại bằng nước sạch.
5. Vết bẩn từ hỗn hợp trứng đã đã đánh tan
Nếu hỗn hợp trứng gà đã đánh tan bị đổ lên quần áo, cách tốt nhất là bạn hãy chờ cho vết bẩn khô lại. Sau đó, bạn sẽ dùng chính lòng đỏ trứng trộn lẫn với glycerin rồi lau lên trên vết bẩn. Sau bước này bạn chỉ cần cho quần áo vào máy giặt là xong.
6. Vết bẩn từ xì dầu
Với vết bẩn là xì dầu, bạn có thể giặt quần áo với nước xà phòng ấm có pha với dung dịch amoniac và phèn. Chỉ cần vò một lúc bạn sẽ thấy vết bẩn không còn nữa.
7. Vết bẩn từ kem
Với loại vết bẩn này bạn có thể dùng một ít xăng sau đó cho lên trên vết bẩn rồi vò thật mạnh. Dùng nước xà phòng để giặt và xả lại bằng nước xả vải để khử đi mùi xăng.
8. Vết bẩn từ rượu
Nếu bạn làm đổ rượu lên quần áo bạn cần phải mang nó đi giặt ngay. Bạn cũng có thể rắc muối thường hoặc muối nở (baking soda) lên chỗ vết bẩn để thấm bớt lượng rượu đã đổ.
Bên cạnh đó, bất kể dạng nước nào có bọt sủi bong bóng cũng có tác dụng tẩy sạch vết bẩn từ rượu. Chẳng hạn như nước soda hoặc nước chanh lemonade. Hoạt chất cacbonat trong chúng sẽ giúp đẩy chất bẩn bám trên thớ vải ra ngoài thay vì để nó ngấm sâu vào sợi vải.
Sau khi đã vò sạch vết bẩn bằng muối và nước khoáng dạng sủi, bạn có thể giặt áo quần như bình thường. Nếu vết bẩn vẫn còn, bạn hãy lặp lại các bước xử lí như trên.
Nếu để vết bẩn đã lâu ngày, bạn có thể pha dung dịch gồm phèn và amoniac rồi thấm lên chỗ bẩn, vò mạnh sau đó giặt lại bằng nước sạch hoặc bạn cũng có thể cho vào máy giặt để tiết kiệm thời gian.
9. Vết bẩn từ sô cô la
Đầu tiên bạn hãy loại bỏ lượng sô cô la thừa bằng cách cho quần áo vào tủ đá và sau đó cạo hết phần sô cô la đã cứng lại. Tiếp đó, bạn đổ nước nóng vào mặt sau của vết bẩn sẽ làm sô cô la bị tan chảy để đẩy vết bẩn ra khỏi sợi vải.
Tiếp theo, bạn xoa xà phòng giặt lên vết bẩn và ngâm quần áo trong sữa khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Cuối cùng, bạn giặt giũ như bình thường và lặp lại lần nữa nếu thấy cần.
10. Vết bẩn từ mồ hôi
Cách tẩy bỏ vết hoen ố ở nách áo rất đơn giản nếu bạn biết cách. Bạn chỉ cần hoà một ít bột giặt loại tốt có chứa hàm lượng chất tẩy vào với một ít nước ấm, rồi ngâm chỗ phần nách áo trong dung dịch đó một vài giờ để vết dơ do mồ hôi được làm mềm.
Sau khi ngâm xong, bạn hãy vò nhẹ phần nách áo để vết hoen ố trở nên mờ dần. Bạn hãy bỏ quần áo vào giặt máy, sau đó đem phơi như bình thường. Nếu vết bẩn vẫn chưa hết thì bạn hãy lặp lại các bước như trên.
11. Vết bẩn từ máu
Đối với vết máu trên áo quần, để xử lý nó, đầu tiên bạn phải pha muối với nước lạnh thành hỗn hợp đặc sệt. Sau đó, bạn đổ hỗn hợp muối trực tiếp lên vết bẩn, tốt nhất là trong vòng 10-15 phút sau khi áo quần bị dây vết máu. Tiếp đó, bạn xả lại với nước lạnh (không dùng nước nóng), nếu thấy cần thiết thì lặp lại lần nữa.
12. Vết bẩn từ dầu mỡ
Vết bẩn từ các loại dầu mỡ có thể được tẩy sạch bằng cách xoa trực tiếp một ít nước rửa bát hoặc xà phòng giặt rồi vò kĩ. Giặt lại với nước nóng và lặp lại lần nữa nếu cần.
13. Vết bẩn từ cà ri
Bạn nên xoa một ít nước rửa bát hoặc xà phòng giặt lên vết bẩn và vò kĩ. Nếu vết bẩn vẫn còn và để lại màu, bạn hãy ngâm vết bẩn trong dung dịch được pha từ bột giặt pha với nước ấm một vài tiếng, sau đó vò chỗ bẩn cho đến khi vết bẩn mờ dần.
Nếu thấy vết bẩn đã được tẩy sạch, bạn hãy giặt lại quần áo trong máy và phơi như bình thường. Nếu chưa thật sạch, hãy lặp lại các bước như trên lần nữa nhé!
14. Vết bẩn từ nhọ nồi (lọ nồi)
Để các vết lọ nồi bám trên quần áo mất đi, bạn hãy ngâm áo quần ấy vào rượu nhờn (alcool grassulforé) độ vài giờ, rồi dùng bàn chải mềm có tẩm Benzine chải lên chỗ có vết lọ nồi. Sau đó, xả lại bằng nước lã.
15. Vết bẩn từ gỉ sét hoặc nước phèn
Nếu quần áo bị dính vết gỉ sét hoặc do giặt trong nước nhiễm phèn nên bị vàng, bạn dùng acide oxalique ngâm tan trong nước rồi nhúng quần áo vào. Tiếp đó, bạn xả lại bằng nước cho thật sạch.
16. Vết bẩn từ thuốc đỏ
Nếu áo quần bạn bị dính thuốc đỏ, bạn có thể nhúng chỗ có dính thuốc đỏ vào nước pha bột giặt và vò xát thật kỹ lưỡng. Sau đó, bạn hãy lấy một ít xà bông bột đắp lên chỗ dơ và nhỏ lên đó vài giọt “nước đái quỷ” (ammoniaque).
Nếu làm như thế mà vết thuốc đỏ vẫn chưa hết, bạn dùng bông gòn tẩm acide ique đắp lên chỗ dơ. Sau đó, giặt lại bằng nước lã.
17. Vết bẩn từ mực hay sơn
Muốn tẩy các vết mực in màu, đầu tiên, bạn dùng dầu ăn (dầu dừa, dầu phộng, v.v…) chà mạnh lên vết dơ. Sau đó, bạn dùng benzine pha éther hay pha alcool 90 độ để tẩy.
Nếu vết sơn vì dính lâu quá nên khó tẩy sạch, bạn hãy làm như trên rồi phơi khô đi. Xong, bạn lấy bông gòn nhúng một ít acide acétique bôi phớt lên vết dơ. Nhớ là bạn chỉ nên bôi phớt qua thôi.
18. Vết bẩn từ bùn
Muốn tẩy các vết bùn bắn vào quần áo, các bạn có thể dùng nước có pha dấm để tẩy. Nếu quần áo viền đăng ten bị dính bùn, các bạn phải cẩn thận dùng bàn chải mềm chải nhẹ vào chỗ đăng-ten dơ, rồi sau đó mới ngâm vào nước lạnh có pha dấm.
Nếu áo quần bị dính bùn làm bằng len, các bạn cũng ngâm như cách trên, không cần vò xát gì cả.
19. Vết bẩn từ mốc
Vào mùa mưa, khí trời ẩm thấp, áo quần thường bị mốc meo. Muốn tẩy các vết mốc, các bạn hãy pha một dung dịch nước và ammoniaque.
Thể tích nước và thể tích ammoniaque bằng nhau. Các bạn nhúng quần áo vào dung dịch này. Để ít lâu, các bạn vớt quần áo ra phơi khô. Sau đó, các bạn giặt lại bằng nước xà bông hoặc nấu lại.
20. Vết bẩn từ nhựa cây, mủ cây hay dầu hắc
Mủ cây, nhựa đường hay dầu hắc dính vào quần áo ta có thể tẩy bằng tétraclorure de carbone hay chloroe hoặc benzine có pha éther.
Minh Lượng/Starpress