Ai cũng biết đến nền văn minh của người Maya hoặc người Ai Cập cổ đại. Nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều nền văn minh đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, nhưng vô tình bị lãng quên.
Chắc chắn chẳng ai còn xa lạ gì với Kim tự tháp của người Ai Cập cổ, điêu khắc và đền thờ của người Hy Lạp hay cuốn lịch “thần thánh” của người Maya.
Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả của thế giới. Có những nền văn minh, dù rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhưng chẳng mấy khi được nhắc đến.
Danh sách dưới đây chính là những nền văn minh đó.
1. Triều đại Tân La (Silla)
Có thể nói Silla là một trong những vương triều trị vì lâu nhất từ trước đến nay, với quyền lực thống trị hầu hết bán đảo Triều Tiên, từ năm 57 TCN đến tận năm 935 – tức gần 1000 năm.
Thế nhưng, với rất ít di tích còn sót lại, các nhà khảo cổ học gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu về con người ở thời kì này. Và chỉ đến năm 2013, người ta mới tìm thấy một bộ xương nguyên vẹn của một người phụ nữ hơn 30 tuổi, gần thủ đô lịch sử của Silla (Gyeongju).
Thông qua quá trình phân tích hàm và hộp sọ, các nhà khảo cổ đã đưa ra được kết luận: từ ngàn năm trước người Silla đã biết ăn chay trồng những loại thực phẩm như lúa gạo, khoai tây và lúa mì.
Hộp sọ này chính là một trong những phát hiện quan trọng, tiết lộ khá nhiều bí mật của vương triều Silla
Được biết, vương triều Silla do vua Bak Hyeokgeose thành lập. Theo nhiều truyền thuyết kể lại, vị vua này nở ra từ một quả trứng bí ẩn trong rừng, sau đó kết hôn với một hoàng hậu được sinh ra từ xương sườn của loài rồng.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, Silla dần thiết lập xã hội tập trung vào cấp bậc, với nhiều tầng lớp quý tộc giàu có.
Một trong những bản vẽ miêu tả Silla
Đến nay, hài cốt của người Silla vô cùng hiếm. Nhưng các nhà khảo cổ đã khai quật được rất nhiều cổ vật ở thời kì này, có thể kể đến là những chiếc dao găm được làm từ vàng và hồng ngọc, tượng Phật bằng gang, hay đồ trang sức bằng ngọc thạch và nhiều cổ vật khác được trưng bày ở Bảo Tàng Gyeongju ở Hàn Quốc.
2. Nền văn hoá Tam Tinh Đôi (Sanxingdui)
Vào năm 1929, tại Trung Quốc, một người nông dân đã phát hiện nhiều cổ vật ở vườn nhà mình. Đó chính là những cổ vật đầu tiên của nền văn hóa Tam Tinh Đôi.
Các cuộc nghiên cứu được triển khai sau đó vào năm 1986 đã tìm ra vô số điêu khắc từ ngọc thạch và đồng cao đến 2,4 mét, đánh dấu sự tồn tại của nền văn minh thịnh vượng nhất thời kì đồ đồng.
Vậy câu hỏi được đặt ra liệu những người Tam Tinh Đôi này là ai? Một số nhà khảo cổ cho rằng họ có thể là những ông tổ của kĩ thuật mạ vàng (theo viện bảo tàng Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc).
Thế nhưng, nền văn minh Tam Tinh Đôi không duy trì được lâu, từ 2800 đến 3000 năm về trước, nơi đây đã trở thành vùng đất bị bỏ hoang. Chỉ cho đến khi những di vật được tìm thấy ở thành phố cổ Kim Sa gần đấy, người ta mới biết vùng đất mới mà người Tam Tinh Đôi đang định cư.
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Theo những nhà nghiên cứu thì vào thời điểm đó, chính một cuộc động đất lớn đã chuyển hướng dòng sông Dân (Minjiang), tách Sanxingdui ra khỏi nguồn nước và tạo ra một cuộc tái định cư.
3. Văn hóa Nok
Có rất ít người biết đến nền văn hoá bí ẩn Nok ở phía bắc Nigeria ngày nay. Thế nhưng, thực chất nó đã tồn tại từ khoảng 1000 năm trước công nguyên đến năm 300.
Bằng chứng về sự tồn tại của Nok được phát hiện tình cờ trong quá trình khai thác thiếc vào năm 1943. Theo Bảo tàng Nghệ thuật ở New York, những người thợ mỏ đã tìm thấy một phần tượng đầu người làm bằng đất, dấu hiệu của một truyền thống điêu khắc trù phú.
Sau đó, nhiều cổ vật điêu khắc tỉ mỉ khác cũng được tìm thấy, chẳng hạn như nữ trang, dùi cui hay đồ đập đất – biểu tượng của quyền lực có thể thấy ở nghệ thuật Hy Lạp cổ.
Một bức tượng điêu khắc của nền văn hóa Nok
Những điều bí ẩn xung quanh nền văn minh Nok khiến nhiều cổ vật bị lấy mất trước khi được phân tích. Năm 2012, nước Mỹ đã trả lại nhiều cổ vật cho Nigeria, sau khi chúng bị đánh cắp từ bảo tàng quốc gia Nigeria và buôn lậu đến Mỹ.
4. Nền văn minh Etruscans
Vào những năm 700-800 TCN, ở phía Bắc nước Ý, sau khi sát nhập với La Mã, Etruscans dường như là một vùng đất có nền văn hóa thịnh vượng nhất. Họ phát triển một ngôn ngữ viết độc nhất và để lại đời sau nhiều bia mộ xa xỉ, bao gồm cả chốn yên nghỉ của một vị hoàng tử được khai quật vào năm 2013.
Nơi tìm thấy hài cốt hoàng tử Etruscan
Người Etruscan tin vào thần quyền và những cổ vật được khai quật cũng cho thấy nghi lễ tôn giáo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Đây cũng chính là nền văn minh đã miêu tả sớm nhất về vấn đề sinh nở trong văn hóa phương Tây – hình ảnh nữ thần ngồi xổm sinh con – được tìm thấy ở một nhà thờ Etruscan ở Poggio Colla. Và cũng chính tại địa điểm đó, những nhà khảo cổ học đã tìm thấy một phiến sa thạch (dài 1,2m) chạm khắc ngôn ngữ Etruscan.
Hiện nay, theo thống kê có rất ít chữ viết của người Etruscan còn sót lại. Người ta cũng tìm thấy một địa phận khác của Etruscan, Poggio Civitate, là một quảng trường được bao quanh là những mảnh sân nhỏ. Theo một nhà khảo cổ học với kinh nghiệm nghiên cứu 25.000 cổ vật nơi đây, tòa nhà này được xem là công trình xây dựng lớn nhất Địa Trung Hải tại thời điểm đó.
5. Vùng đất Punt bí ẩn
Nhiều nền văn minh hầu hết chỉ được biết đến từ những ghi chép của những quốc gia khác. Có thể kể đến là vùng đất bí ẩn của Punt, một vương quốc nằm đâu đó ở Châu Phi được biết đến từ việc giao thương với những người Ai Cập cổ.
Cả hai vương quốc đã trao đổi hàng hóa với nhau từ ít nhất là thế kỉ 25 TCN, trong giai đoạn trị vì của Pharaoh Khufu (người xây dựng kim tự tháp Giza – một trong 7 kỳ quan thế giới).
Thế nhưng kì lạ thay, không ai thực sự biết vương quốc Punt nằm ở đâu. Những người Ai Cập đã để lại rất nhiều miêu tả từ hàng hoá trao đổi từ Punt (vàng, gỗ mun, nhựa trầm hương) cùng những chuyến hải hành đến vương quốc mất tích này.
Tuy nhiên, người Ai Cập chẳng có ghi chép nào về những cuộc hành trình dài này đang hướng tới vị trí nào.
Nhiều học giả cho rằng, vương quốc Punt nằm đâu đó ở Arabia, hoặc ở Đông Bắc Phi và cũng có thể ở hạ nguồn sông Nile gần biên giới phía Nam Sudan và Ethiopia.
Nguồn: LiveScience