Dù khoa học đã phát triển một cách vượt bậc, nhưng vẫn còn đó nhiều bí ẩn thường ngày chưa thể giải thích.
Chẳng thể phủ nhận, khoa học hiện tại đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. So với trước kia, chúng ta được sống thoải mái hơn, đời sống cao cấp, tiện dụng hơn, nhiều loại bệnh nan y cũng chìm vào dĩ vãng.
Tuy nhiên, thực sự thì có những thứ khoa học hiện nay vẫn chưa thể giải đáp. Và ngạc nhiên hơn, đó lại là những vấn đề hết sức thường ngày, ai cũng gặp, cũng nhìn thấy, nhưng vẫn là bí ẩn đối với giới chuyên gia.
1. Tại sao chúng ta bị nấc?
Nếu đã từng trải nghiệm cơn nấc (nấc cụt), bạn sẽ hiểu vì sao nhiều người coi đó là cảm giác khó chịu nhất trên đời.
Nấc là một hiện tượng trong phản ứng tự nhiên của cơ thể khi dây thần kinh phế vị dẫn truyền thông tin từ bụng lên não bị kích thích. Có điều, chẳng ai hiểu tại sao chúng ta lại có phản ứng như vậy.
Về mục đích, các chuyên gia cũng… không hiểu nấc đóng vai trò gì. Tính đến nay, giả thuyết đáng tin cậy và được chấp nhận rộng rãi là do con người ngày nay vẫn còn một số gen di truyền còn sót lại từ khi còn là loài lưỡng cư.
Tuy vậy, sự thật như thế nào vẫn chưa được kiểm chứng.
2. Tại sao chúng ta bị đỏ mặt?
Mỗi khi rơi vào tình huống phải xấu hổ thì trừ những người chai mặt, hầu như ai cũng được trải nghiệm cảm giác “đỏ mặt tía tai” vì ngượng ngùng. Có lẽ, câu tục ngữ nổi tiếng của Việt Nam “ngượng chín mặt” cũng xuất phát từ hiện tượng này.
Có điều, các nghiên cứu trước kia có thể chỉ ra cơ chế hoạt động của việc đỏ mặt, chứ chẳng ai hiểu vì sao lại có cơ chế đó.
Giả thuyết phổ biến nhất hiện nay được Ray Crozier – giáo sư tâm lý học người Anh tại ĐH Cardiff đưa ra. Trong đó, con người ta đỏ mặt là vì quá trình tiến hóa đã khiến cơ thể hình thành một phản ứng đóng vai trò… chữa ngượng, là cách để chúng ta tỏ ra lịch sự và thân thiện sau khi xảy ra một tình huống đáng xấu hổ.
Sự thật ra sao thì cũng giống như nấc cụt – đều chưa được kiểm chứng.
3. Con người là loài duy nhất biết hôn
Đúng hơn, chúng ta là giống loài duy nhất dùng hôn để diễn tả cảm xúc, còn các loài vật khác thì không.
Có hai luồng giả thuyết được đưa ra để giải thích. Một số cho rằng chúng ta được kế thừa tập tính này từ thời xa xưa, khi tổ tiên chúng ta được mớm cho ăn từ miệng của mẹ.
Hình như là vì hồi xưa được mẹ mớm cho ăn
Giả thuyết còn lại đáng thuyết phục hơn, cho rằng đó là cách để chúng ta lựa chọn người có pheromone phù hợp, nhằm đảm bảo thế hệ sau khỏe mạnh.
Tuy nhiên, giả thuyết này cũng gặp nhiều sự phản đối, vì rõ ràng sự thật là những người dị tật, người có bộ gen bị huỷ hoại vì hóa chất… vẫn tìm được một nửa của đời mình.
Sự thật thế nào, chưa ai rõ.
4. Con người cũng là loài duy nhất biết thế nào là khóc thực sự
Nhiều loài vật biết rơi lệ, bao gồm cả… cá sấu. Thế nhưng, chỉ con người mới khóc vì đau khổ, vì buồn, vì cảm xúc quá mạnh.
Có giả thuyết cho rằng, chúng ta khóc là một phản ứng nhằm thể hiện cảm xúc, khơi gợi sự cảm thông của người khác, thậm chí là… khiêu khích. Tuy nhiên, điều này chưa nhận được các cơ sở khoa học đủ tin cậy.
Ngoài ra, quan niệm từ trước đến nay vẫn cho rằng khóc thật to sẽ giúp tâm trạng của bạn tốt hơn. Có điều, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra khóc chẳng đem lại lợi ích gì về sức khỏe hết.
Tóm lại, chúng ta có thể hiểu cơ chế và cách chúng ta rơi lệ. Nhưng thực sự lý do vì sao chúng ta khóc vẫn chưa được làm rõ.
5. Tại sao nhìn lên Mặt trời dễ hắt xì hơi?
Chúng ta hắt hơi vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lại có phần không liên quan: ánh sáng Mặt trời.
Theo ước tính, có khoảng 20% – 22% người dân trên thế giới bị kích thích hắt xì hơi khi nhìn vào ánh Mặt trời. Hiện tượng đó được gọi chung là “Phản xạ hắt xì quang học”.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây nằm ở chỗ hắt xì là phản xạ cơ thể gặp phải khi mũi bị kích thích, tức là việc nhìn vào ánh sáng hay không đáng lẽ ra chẳng liên quan gì trong chuyện này.
Một số chuyên gia tin mắt có kết nối với mũi, vậy nên khi mắt bị kích ứng bởi ánh sáng, vô tình màng mũi cũng bị kích thích, dẫn đến phản xạ hắt xì. Tuy nhiên, kết nối này chưa có đủ cơ sở để chứng minh nó là thực.