Vận hành sai chế độ
Với từng loại quần áo, chăn màn khác nhau, các nhà sản xuất đều có những chế độ giặt riêng.Dù các chế độ này được hiển thị rất rõ ràng trên thân máy, thế nhưng rất nhiều người vẫn dùng sai bởi thói quen… tiện. Nhiều chị em tự thú rằng, hàng ngày vẫn thu quần áo của gia đình, bao quần quần jean, áo cotton… vào một mẻ rồi giặt bình thường theo thói quen mà chẳng chú ý đến rằng mỗi chất liệu có thời gian tiếp xúc với nước, bột giặt khác nhau nên giặt chung như thế đồ sẽ không sạch.
Để khắc phục điều này, hãy nhớ dành thời gian phân loại quần áo có cùng chất lượng và màu sắc tương đồng trước khi giặt, điều này sẽ giúp quần áo sạch sẽ và bền hơn.
Giặt quá trọng lượng giặt quy định của máy
Mặc dù trên vỏ máy giặt luôn dán trọng lượng tối đa mà lồng giặt có thể tải được nhưng nhiều người vẫn thường giặt nhiều hơn với mức máy có thể tải được.Nguyên nhân của việc này là tâm lý giặt cố thêm một vài chiếc, nhân tiện giặt luôn của nhiều bà nội trợ.
Việc giặt lượng quần áo quá cân cộng thêm lượng nước được đưa vào khiến trục quay của lồng giặt quá tải, không quay được. Lặp đi lặp lại một thời gian sẽ dẫn tới hỏng trục hoặc lệch tâm so với thiết kế ban đầu. Hiệu quả giặt cũng không được đảm bảo vì quần áo có quá ít không gian để quay, đảo, chất bẩn khó được tách ra.
Sử dụng sai bột giặt
Để tiết kiệm tiền, nhiều chị em người mua xà phòng loại giặt tay để dùng giặt máy hoặc mua bột giặt, nước giặt cho cửa trên để dùng cho máy cửa trước, điều này rất ảnh hưởng đến máy bởi loại xà phòng giặt tay hay giặt cửa trên cho lượng bọt rất nhiều, có thể dẫn đến bọt trào ra ngoài thùng, gây hư hỏng các bộ phận của máy. Khi xả quần áo cũng tốn nước hơn vì phải xả nhiều lần mới hết bọt.
Đi đôi với đó là việc cho quá nhiều bột giặt một lần giặt với tâm lý cho nhiều càng sạch, trên thực tế điều này cũng khiến máy hoạt động mệt hơn, tốn nhiều nước để xả sạch hơn. Vậy để máy hoạt động tốt, hãy sử dụng bột giặt đúng liều lượng nhé!
Dùng sai chế độ nước
Hầu hết máy giặt hiện nay đều có chế độ giặt nước nóng nhưng nếu giặt đồ mỏng như len, lụa… bạn nên để chế độ nước dưới 30 độ, hoặc nước lạnh để đảm bảo vải không bị co.
Để quần áo đã giặt trong máy qua đêm
Nhiều gia đình giặt quần áo buổi tối trước khi đi ngủ để sáng dậy mới phơi. Điều này hoàn toàn không nên vì quần áo ẩm để lâu trong máy kín khiến vi khuẩn dễ nảy sinh. Quần áo sau khi giặt cần được phơi càng sớm càng tốt và mở cửa máy để bên trong lồng được khô, thoáng.
Để hạn chế vi khuẩn và mùi hôi trong lồng giặt bạn cũng có thể sử dụng máy giặt không lỗ bởi thiết kế này cho phép ngăn ngừa sự phát sinh nấm mốc ở bên ngoài lồng giặt cũng như sự xâm nhập của chúng vào bên trong gây ra mùi hôi khó chịu.
Không vệ sinh máy giặt
Khu vực lồng giặt của máy rất nhiều vi khuẩn, do vậy vệ sinh máy để khử khuẩn, khử cặn là điều rất cần thiết. Mỗi tháng bạn nên để máy chạy đôi ba lần với chu trình giặt không quần áo (chạy không tải) để vệ sinh lồng giặt, khi chạy nên để chế độ nước nóng nhất có thể. Nếu lồng giặt có dính bẩn, bạn lấy khăn mềm thấm giấm hoặc baking soda để lau trước khi vận hành chế độ giặt nói trên.
Ngoài ra ngăn chứa nước giặt và nước xả cũng cần tháo ra đánh thường xuyên bởi phần lớn các dung dịch giặt sẽ được nước xối xuống lồng nhưng đôi khi bạn vẫn đổ tràn ra rìa, nếu không vệ sinh sẽ dễ gây nấm mốc.
Theo Ttvn