Những bức kiệt tác, những hình ảnh hoành tráng được trưng bày trong viện bảo tàng có nhiều yếu tố bất ngờ đằng sau đó.
Cứ nói đến việc đi thăm bảo tàng, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến hai từ “nhạt nhẽo”. Sự thật chẳng thể chối cãi là đa số chúng ta không mấy mặn mà với môn lịch sử thì rõ ràng nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá về lịch sử cũng ít người để tâm đến.
Tuy vậy, đằng sau những hình ảnh, hiện vật được trưng bày trang nghiêm trong bảo tàng hóa ra có khá nhiều sự thật mà chẳng ai biết đến.
1. Xương khủng long không tự nhiên thành một cục cho chúng ta ngắm
Hóa thạch là một trong những hiện vật thú vị và “mong manh” nhất trong bảo tàng. Nó đòi hỏi được chăm sóc kĩ lưỡng, ngày ngày được chiều chuộng, nâng niu hết mực để duy trì, bảo dưỡng, trước khi đem ra trưng bày.
Một số bảo tàng, như Bảo tàng lịch sử tự nhiên (New York, Mỹ) gần như không lúc nào ngơi việc. Nhân viên tại đây phải chăm lo cho hóa thạch từng tí một, từ việc loại bỏ các chất bẩn như bụi, bùn hoặc thực vật đến việc khôi phục lại mẫu vật ban đầu.
Trong đó, việc khôi phục lại nguyên trạng hình dạng ban đầu của những hoá thạch cực kỳ tốn thời gian, phụ thuộc vào một số yếu tố mà có khi một hoá thạch phải xử lý hết cả năm trời mới xong được. Thế mới thấy, các nhà khảo cổ học là những bậc thầy về sức chịu đựng và độ kiên nhẫn.
2. Những gì chúng ta thấy vẫn còn là rất nhỏ
Bởi vì hầu hết các bảo tàng đều có những bộ sưu tập rất lớn, nhưng họ phải cất trong kho lưu trữ. Những gì được trưng bày ra chỉ là một phần rất nhỏ thôi.
Ví dụ như viện Smithsonian – bảo tàng nghiên cứu phức hợp lớn nhất của Mỹ có chứa hàng triệu hiện vật.
Ở đây nhiều hiện vật đến nỗi, một số công nhân thậm chí được bố trí văn phòng ngay bên cạnh để trông coi. Và với số lượng hiện vật lớn như vậy, việc di dời kho lưu trữ quả là một thảm họa. Như Smithsonian, họ mất tới 7 năm để đưa được toàn bộ số hiện vật trong kho sang một nơi mới.
3. Những loài vật mới đôi khi được tìm ra ngay trong bảo tàng
Phát hiện ra một loài mới vốn là một chuyện rất thú vị. Tuy nhiên, không phải lúc nào loài mới cũng ở trong rừng sâu, đòi hỏi các chuyên gia phải đi thám hiểm cực khổ. Thay vào đó, một số loài mới thậm chí đã bị đưa vào viện bảo tàng từ trước khi người ta biết đến nó.
Olinguito – loài thú ăn mồi đầu tiên được phát hiện tại châu Mỹ trong 35 năm trở lại đây là một ví dụ điển hình.
Olinguito được tìm ra vào năm 2013, nhưng không phải qua những chuyến thám hiểm tại Nam Mỹ (quê hương của chúng), mà nhờ kho lưu trữ của 18 bảo tàng khác nhau.
4. Nguy hiểm có thể rình rập bất cứ lúc nào!
Các viện bảo tàng đôi lúc có thể cất giữ một số hiện vật nguy hiểm, như vũ khí trong chiến tranh. Nhưng chuyện này không đáng nói bằng việc một số hiện vật tưởng như vô hại hoá ra lại là sát thủ giấu mặt.
Ví dụ như trường hợp của Bảo tàng London (Anh) khi trưng bày các hiện vật của William Crookes – một nhà khoa học tại thế kỷ 19.
Crookes là người đầu tiên khám phá ra tali và ứng dụng nó trên rất nhiều hiện vật của ông.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tali không phải là một chất rất độc hại, có thể làm ngưng trệ nhiều hoạt động tế bào, thậm chí gây ung thư.
Chưa kể, các thí nghiệm của Crookes còn dùng cả chất phóng xạ radium. Thế nên, rất nhiều hiện vật ngày nay của ông nhiều khả năng bị nhiễm xạ mà không ai hay.
5. Đằng sau mỗi bức tượng, bức tranh là cả một hệ thống bảo vệ tinh vi
Vốn dĩ viện bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị nên đương nhiên họ không đơn giản chỉ để đồ ra đấy không dùng đến bất kì loại máy móc bảo vệ nào.
Thay vào đó, họ sử dụng các chiếc móc treo bảo mật chuyên dụng, có tác dụng… kêu inh ỏi nếu có người cả gan gỡ tranh mang đi.
Một số bảo tàng… ít tiền hơn buộc phải sử dụng các giải pháp rẻ tiền nhưng “đắt” ý tưởng, đó là đặt những viên bi chèn giữa khung tranh và tường. Để nếu có ông trộm nào mò đến gỡ tranh, bi sẽ rơi xuống báo động cho bảo vệ vào tư thế “sẵn sàng chiến đấu”!
6. Sự thật về lương của nhân viên bảo tàng
Ta có thể thấy làm việc cho bảo tàng không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Họ phải chịu đủ thứ trách nhiệm, thậm chí đôi lúc còn gặp nguy hiểm, độc hại. Ấy vậy mà lương bổng thì… bèo bọt!
Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, tiền lương trung bình đối với chức quản lý, lưu trữ, hoặc nhân viên bảo tàng vào năm 2015 là 46.710 USD/năm, tức là 22,46USD/h (khoảng gần 500.000 VND). Mức lương này nhìn thì khá hấp dẫn đối với chúng ta, nhưng thực chất so với mức thu nhập trung bình ở Mỹ thì thấp hơn khá nhiều.
Trong khi đó, nếu bạn chọn làm công việc kinh doanh ngành dịch vụ, bạn sẽ được hưởng 61.450USD/năm, tương đương 29,54 USD/h (khoảng 600.000 VND); hay nhân viên môi giới bất động sản với 82.380 USD/năm, tức là 39,60 USD/h (khoảng 900.000 VND)…
Điều này khiến cho phần lớn nhân viên bảo tàng phải kiếm việc làm thêm vào ban đêm, như đứng quầy bar, làm bồi bàn…
Nguồn: Mental Floss
Hải Lan/starpressvn.net