Những chiêu trò tuyệt vời dành cho các buổi tiệc vui hết nấc. Mà tất cả đều được khoa học giải đáp hẳn hoi nhé.
Bạn đã quá ngán ngẩm trước những bữa tiệc nhàm chán? Bạn muốn đứng lên tổ chức những trò chơi khuấy động buổi tiệc, nhưng lại… sợ thua để rồi lại phải ngồi hầu các tiên tửu?
Vậy thì chắc chắn bạn phải nằm lòng các chiêu trò dưới đây. Dựa trên các kiến thức khoa học, giáo sư Richard Wisemand thuộc ĐH Hertfordshire (Anh) đã “chế” ra hàng trăm trò chơi có thể giúp bạn thắng với tỉ lệ là 100%.
1. Đặt tay lên đầu và biến thành lực sĩ
Dù bạn đô con như Lý Đức hay có đôi tay thư sinh trói gà không chặt cũng chẳng quan trọng. Hãy đặt tay lên đầu như hình dưới, rồi thách đối thủ của mình nhấc được tay bạn ra khỏi đầu chỉ bằng cách kéo cẳng tay.
Lưu ý: nhớ là chỉ được kéo cẳng tay, chỗ gần khuỷu nhé, không phải phần cổ tay đâu.
Thách cái gì cũng được, vì họ không nhấc nổi đâu, nhất là nếu bạn bổ sung thêm lực ấn xuống nữa. Nguyên nhân là do khi tác động lực lên phần cẳng tay trong tư thế đó, họ vô tình sẽ phải nhấc luôn cả phần bắp tay phía trên.
Phần bắp tay thì được kết nối cực kỳ chắc chắn với toàn bộ cơ thể. Vì vậy trừ khi đối thủ có khả năng nhấc bạn lên bằng một tay, bạn sẽ không thể thua kèo này.
2. Hai cuốn sách thách thức cả thế giới
Lấy 2 cuốn sách, dày mỏng không quan trọng, rồi đan xen các trang giấy vào nhau giống như hình dưới. Sau đó, thử đố xem có ai kéo gáy sách mà tách được chúng ra không.
Chắc chắn là không thể rồi. Khi đan xen như vậy, gáy sách sẽ tạo thành một lực ép các trang giấy lại với nhau, tạo nên lực ma sát giữa các trang giấy.
Và dành cho những ai chưa biết, lực này thậm chí có thể thắng được cả xe tăng. Vì thế nếu như có người làm được, hãy cảm thấy tự hào vì hình như bạn đang quen với… siêu nhân.
3. Nắp bút và cổ chai
Đặt một cái nắp bút vào cổ chai, đầu hở hướng vào bên trong như hình dưới. Giờ thì đố ai có thể thổi cái nắp bay vào trong chai đấy.
Nhớ là đầu hở phải quay vào đáy chai đấy nhé
Nếu họ tự tin làm được thì rất tiếc, đây mới là những gì sẽ xảy ra.
Khi thổi hơi, luồn không khí sẽ di chuyển dọc theo nắp bút, sau đó va chạm với thân chai và di chuyển ngược lên cổ chai.
Do nắp bút được đặt hướng đầu hở vào trong, luồng không khí sẽ được hứng trọn, khiến cái nắp văng ra ngoài.
4. Quay ống hút bằng “siêu năng lực”
Đặt một cái ống hút lên miệng chai như trong hình. Sau đó, hãy nói với bạn bè rằng bạn có thể khiến cái ống hút này quay mà không cần chạm, thổi hay làm bất kỳ điều gì tác động đến nó.
Để thắng trò này, hãy chà xát cái ống hút lên áo – quá trình này sẽ khiến cái ống hút bị tích điện – rồi mới đặt lại nó lên miệng chai. Sau đó, chỉ cần dí ngón tay lại gần, ống hút sẽ tự di chuyển nhờ vào lực tĩnh điện.
5. Quả bóng bất tử
Chuẩn bị một quả bóng bay và một số đinh mũ ghim. Giờ hãy đố bất kỳ ai có thể đập quả bóng vào mũ đinh mà không bị nổ.
Nổ là cái chắc
Vậy làm sao để thắng? Hãy nói với họ rằng, bạn không thích làm những việc tầm thường như thế. Thay vào đó, bạn có thể khiến quả bóng vẫn “sống” dù đập cả bàn chông vào đó.
Tóm lại, hãy chuẩn bị tầm 20 cái đinh mũ, rồi bạn có đập đến Tết quả bóng cũng không nổ đâu.
Vì sở dĩ quả bóng bị chọc thủng là do áp lực tập trung tại đầu mũi đinh quá lớn. Nhưng nếu với cả một bàn chông, áp lực sẽ được dàn đều, không đủ để khiến trái bóng bị chọc thủng.
6. Pin còn – pin hết?
Chuẩn bị 2 cục pin, trong đó một cục đã cạn sạch. Giờ hãy đố xem ai phân biệt được pin nào hết, pin nào còn mà không lắp vào đồ điện?
Quá dễ! Chỉ cần thả pin xuống bàn là xong. Cục pin nào nảy cao hơn là pin đã dùng hết.
Bên trong pin thường có một lớp kẽm cuốn quanh lõi đồng. Trong quá trình sử dụng, kẽm dần chuyển thành kẽm oxide, và các liên kết phân tử bên trong trở nên giống như lò xo. Đó chính là lý do pin càng cạn rơi càng nảy.
7. Lời thách đố… mỳ Ý
Lấy ra một que mỳ Ý chưa luộc, loại mua trong siêu thị ấy. Hãy đố bạn bè của mình cầm 2 đầu sợi mỳ, bẻ cong nó thành đúng 2 mảnh. Lưu ý: chỉ 2 mảnh thôi và phải bẻ cong như hình dưới.
Câu trả lời là không thể, vì chắc chắn sợi mỳ sẽ biến thành 3 khúc, hoặc nhiều hơn thế.
Nguyên nhân là vì lần gãy đầu vô tình giải phóng một lực phản ngược lại 2 mảnh mỳ vừa bẻ. Lực này gần như tương đương với lực bạn dùng ban đầu, nên 2 mảnh mỳ sẽ tiếp tục gãy.
Nguồn: 101 Bets you will always win