Với sự tàn phá của con người cùng hiệu ứng nóng lên toàn cầu, những điểm đến tuyệt diệu này sẽ không còn tồn tại trong tương lai.
|
Chạm vào tuyết của Kilimanjaro, Tanzania: Tới năm 2011, hơn 85% lượng băng trên đỉnh “Nóc nhà châu Phi” đã tan chảy, và phần còn lại cũng sẽ biến mất trong thập kỷ tới. Chinh phục ngọn núi cao nhất châu Phi không phải chuyện dễ, nhưng du khách sẽ sớm không còn được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyết phủ độc đáo trên đỉnh Kilimanjaro. |
|
Lặn ở rạn san hô Great Barrier, Australia: Đây là cấu trúc sống lớn nhất thế giới, một thiên đường tuyệt diệu cho động vật biển, trải dài hơn 2.250 km ngoài khơi Australia. Theo kết quả nghiên cứu, lượng san hô ở Great Barrier đã giảm hơn 50% trong 3 thập kỷ qua. Với biến đổi khí hậu, bão tố và quyết định cho đổ bùn cát nạo vét gần đó của chính phủ, nhiều nhà khoa học dự đoán nơi này sẽ mất đi sự trù phú trong một khoảng thời gian không xa. |
|
Khám phá thế giới hoang dã Nam Cực: Chuyến đi tới vùng cực này được mô tả là “trải nghiệm siêu thực nhất mà bạn có được trên trái đất, giống như một chuyến bay tới mặt trăng”. Điều đáng tiếc là việc đánh bắt quá mức một số loài động vật, ô nhiễm đất, cho nước thải xuống biển và xả rác bừa bãi đã khiến nơi này mất đi vẻ nguyên sơ, hoang dã. |
|
Tham quan hầm mỏ ở Potosí, Bolivia: Cerro Rico là một trong những mỏ bạc chính ở Bolivia, được công nhận là Di sản thế giới. Du khách ưa mạo hiểm có thể đăng ký tour tham quan các mỏ đang hoạt động. Nơi này đang cần sự bảo vệ khẩn cấp để cải thiện tình trạng làm việc của thợ mỏ cũng như ngăn chặn các hư hại. |
|
Khám phá đầm lầy Everglades, Florida, Mỹ: Everglades là một đầm lầy rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, trong đó có hơn 350 loài chim. Tuy nhiên, vùng đất này đang nằm trong danh sách bị đe dọa của UNESCO do ô nhiễm, khiến môi trường sống bị phá hủy và lượng thủy sinh giảm mạnh. |
|
Đi bộ tới cực Bắc: Việc tới được điểm cực Bắc của thế giới đã trở thành “huy chương” với nhiều nhà thám hiểm. Với thế hệ tương lai, điều này sẽ khó thực hiện được, bởi băng biển sẽ không còn ở điểm cực Bắc vào năm 2100. |
|
Trải nghiệm Kiribati, Thái Bình Dương: Kiribati gồm 33 đảo san hô tuyệt đẹp, nơi du khách có thể lướt sóng, quan sát động vật hoang dã và lặn biển. Quần đảo này đang chìm dần và sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21. |
|
Ngắm sông băng Columbia, Alaska, Mỹ: Một trong những sông băng lớn và đẹp nhất thế giới đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt. Các nhà khoa học dự đoán sông Columbia sẽ chỉ còn khoảng hơn 40 km vào năm 2020. |
|
Quan sát gấu Bắc Cực: Tiếp cận loài săn mồi lớn nhất trên đất liền này là một trải nghiệm khó quên. Loài động vật ấn tượng này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, khi băng ở Bắc Cực đang tan dần khiến chúng khó săn mồi hơn. |
|
Dạo bước ở Venice, Italy: Những tàu du lịch cỡ lớn qua lại trên kênh Giudecca đã có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới vấn đề lũ lụt ở Venice. Đồng thời, thành phố này cũng đang chìm dần, mực nước biển dâng cao khiến cho tình hình ngày một xấu đi. |
|
Trải nghiệm đường trượt tuyết đáng sợ nhất, Áo: Khu nghỉ dưỡng Kitzbuhel có tuyến đường trượt Streif được mệnh danh là đáng sợ nhất thế giới. Tuy nhiên, trong tương lai du khách sẽ không còn được thử cảm giác phấn khích ở đây nữa, do gần đây lượng tuyết rơi đã giảm mạnh. |
|
Ngắm hổ trong thế giới tự nhiên: Số lượng hổ trong tự nhiên đã giảm 97% trong thế kỷ qua, hiện tại chỉ còn khoảng 3.000 con. Môi trường sống bị phá hoại khiến việc được thấy những con vật tuyệt đẹp này ngoài sở thú sẽ sớm trở thành điều không thể. |
|
Tắm nắng ở Maldives: Maldives là một trong những điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất thế giới. Khi biển dâng, quần đảo này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất, do độ cao trung bình so với mực nước chỉ khoảng 5 m. |
|
Khám phá quần đảo Galápagos: Nơi đã tạo cảm hứng cho Darwin viết một trong những thuyết khoa học có tầm quan trọng lớn trong lịch sử đón tới 170.000 lượt khách mỗi năm. Lượng du khách lớn ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống tự nhiên ở đây. Ngoài ra, quần đảo còn phải đối mặt với mối nguy từ nhiệt độ nước tăng cao, cũng như ô nhiễm và việc đánh bắt trái phép. |
Theo Tri Thức Trẻ