Miền Tây càng thêm diệu kỳ khi bạn biết tới 7 “vương quốc” ở xứ này.
Đặt bút viết về miền Tây, trong đầu tôi hình dung ra đủ câu chuyện to nhỏ về xứ rộng lớn, trù phú này, con người cũng cởi mở, dễ mến lạ thường. Xứ gì đâu mà dễ thương quá đỗi, người với người sống bằng tất cả sự chan hoà, bao dung và niềm vui.
Nhưng có đi mới biết, miền Tây còn sở hữu những nét độc đáo hơn cả cái nét dễ thương, chất phát mà chúng ta còn chưa biết. Xứ sở kênh rạch chằng chịt, vựa trái cây khổng lồ, những làng nghề trăm năm, rừng chim muông thú, chợ mắm chợ nổi… tất cả đều đậm văn hoá, trở thành vẻ đẹp đặc trưng nơi đây. Tới nỗi, những khu vực tập trung đặc biệt ở miền Tây còn được mệnh danh thành những “vương quốc” riêng, đại diện cho các nét văn hoá – phong cảnh – làng nghề – ẩm thực thú vị với bất kỳ du khách nào.
1. Vương quốc gạch gốm
“Vương quốc gạch gốm” hay còn được gọi là “vương quốc đỏ” – là làng gạch gốm nổi tiếng nằm trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Có tuổi đời trăm năm và trải dài hơn 30km, làng được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, từng được xuất khẩu tới nhiều vùng trên thế giới.
Những lò gạch san sát với hình thù cổ kính, bên dòng sông thơ mộng, mỗi khi ánh mặt trời phản chiếu qua những khối gạch xếp chồng, ánh lên không gian một màu đỏ cam rực rỡ, vì thế người ta mới ví von nơi này là “vương quốc đỏ”. Tuy ngày nay chỉ còn ít lò gạch nổi lửa, làng nghề truyền thống này vẫn là điểm đến du lịch thu hút du khách tới tham quan, chụp hình, mua sắm.
2. Vương quốc trái cây
Với diện tích trồng cây ăn quả lên tới 75.000 ha – lớn nhất cả nước, tỉnh Tiền Giang được xem là “vương quốc trái cây” của miền Tây. Nhờ có nhánh sông Mê Kông hiền hoà chảy qua, vùng đất này có thổ nhưỡng dồi dào, màu mỡ, trở thành vựa trái cây lớn, nhiều loại đặc sản nức tiếng trong và ngoài nước. Một số thương hiệu trái cây nức tiếng Tiền Giang là chợ đầu mối Thanh Trị – Vĩnh Kim, miệt vườn Cái Bè, bưởi năm roi Bình Minh, vú sữa Lò Rèn…
3. Vương quốc chà là
Vườn chà là rộng lớn nhất miền Tây là vườn của ông Tư Dũng, nằm trên đường Sa Nhiên – Ca Dao, thuộc Sa Đéc, Đồng Tháp. Du khách có thể tới vườn tham quan vào mỗi mùa hè trong khu đất rộng 4,000m2 với 200 bóng chà là cao lớn. Những cây chà là ban đầu được ông Dũng đem từ Campuchia về trồng với mục đích bán cây kiểng. Cho tới 2 năm trở lại đây, vườn mở cửa đón du khách tham quan trong mỗi mùa chà là (khoảng 2 tháng hè mỗi năm).
4. Vương quốc khô mắm
Miền Tây là nơi sản xuất các loại khô, mắm cá hàng đầu ở Việt Nam, với số lượng thành phẩm hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Tại đây, chợ Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là “vương quốc khô, mắm” – nơi giao thương, sản xuất, buôn bán các loại khô, mắm lớn nhất miền Tây. Đi vào chợ, bốn bề là các loại mắm, khô được bày biện thành những chồng khéo léo, thích mắt. Mùi nồng, mùi thơm xen lẫn lan toả khắp vùng.
5. Vương quốc dừa sáp
Đây là cái tên được người dân miền Tây ưu ái dành để gọi vùng đất Cầu Kè (Trà Vinh) bởi nơi đây trồng nhiều dừa sáp. Từ giống cây đầu tiên do một người mang về trồng hàng chục năm trước, giờ đây dừa sáp trở thành thương hiệu của huyện Cầu Kè, cải thiện đời sống của hàng nghìn người dân. Dành cho những ai chưa biết, dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, bên trong cơm dày, mềm và béo, nước dừa đặc và trong như thạch.
6. Vương quốc trầu lá
Miếng trầu là đầu câu chuyện. Ở miền Tây, người ta mê chuyện trò, thành ra mê cả trầu cau. Nét đẹp hồn quê ấy còn trở thành “vương quốc trầu lá” ở làng trầu Vị Thuỷ (Hậu Giang). Trầu Vị Thuỷ so với các vùng khác thì có lá to bản hơn, màu xanh nhạt ngả sắc vàng, vị cay nồng. Ngoài phục vụ nhu cầu sử dụng của người địa phương, những vườn trầu còn là điểm tham quan thu hút du khách.
7. Vương quốc của các loài chim
So với những khung cảnh thường thấy ở miền Tây thì “vương quốc chim của các loài chim” là một diện mạo hoàn toàn khác với vẻ hùng vĩ, sinh động, hoang dã, đó là vườn quốc gia Tràm Chim. Nơi đây là vùng đất ngập nước lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười với hơn 7.300 ha. Tại khu vực này, du khách không được sử dụng phương tiện cơ giới để di chuyển nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.
Nguồn: Tổng hợp