.
.

Về Mộc Hóa ngắm bông súng, xem đan chiếu bàng


Trong hành trình khám phá Mộc Hóa, Long An hậu COVID-19, chúng tôi không rời chiếc khẩu trang, ăn nhẹ, uống khẽ nhưng niềm vui được hòa mình vào vùng quê sau những ngày ở yên khiến tiếng cười luôn rộn rã.

Nhóm chúng tôi lên kế hoạch về Mộc Hóa, Long An để được thả mình giữa những cánh đồng cỏ bàng, ngắm các cô thôn nữ mặc áo bà ba thu hoạch hoa súng…

Thương chiếc chiếu cỏ bàng

Tôi chưa từng thấy cây cỏ bàng nhưng từ nhỏ, tôi đã biết đến chiếc chiếu cỏ bàng xanh mát mắt trải giường của bà. Chiếc chiếu ấy không tạo những vết hằn ngang như chiếu cói, không thỉnh thoảng “bấm da” đau đến tỉnh người như chiếu trúc mà dễ chịu, thơm mùi cỏ. Trong ký ức của tôi, chiếc chiếu cỏ bàng ấy sao mà mát, mà đẹp, mà dễ chịu và bền như thế. Tôi ngủ cùng bà trên chiếc chiếu ấy từ lúc tập cầm viết đến khi thành thiếu nữ mà nó vẫn nguyên vẹn.

1294_1anb-5125-1

Phân loại và bó cỏ bàng tại vườn – Ảnh: An Bùi

Cây cỏ bàng hay cói bàng thuộc giống thân thảo, mình tròn, rỗng ruột, có rễ chùm. Thân cây to gần bằng đầu đũa, cao từ 1,3-2m. Cỏ bàng có hình dáng giống cây lác (cói) hoặc cây cỏ năn nhưng thân cỏ bàng lớn, cứng, dài hơn. Cỏ bàng thích nghi tốt nhất ở vùng đất sình lầy, phèn chua. Các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Long An, An Giang, Kiên Giang đều có cỏ bàng.
Vào mùa khô, cây thường trụi lá, chỉ còn lại cái gốc nằm sâu dưới bùn đất chờ đến mùa mưa thì đâm chồi rồi khi nước từ đầu nguồn tràn về cũng là lúc cỏ bàng vừa đủ chiều cao để người dân cắt về sử dụng.

5344_1anb-6145-1

Chúng tôi đến làng cỏ bàng Mộc Hóa khá sớm. Trên đồng, người dân đang tất bật với công việc. Có người dùng liềm cắt, có người vẩy từng nhúm cỏ bàng để loại bỏ cây bị hỏng; có người cột thành từng bó nhỏ, chất lên xe hay lên ghe, chở ra điểm tập trung để bán cho thương lái. Tiếng người í ới gọi nhau, tiếng liềm cắt cỏ, tiếng nước văng xa sau mỗi lần vẩy. Khung cảnh nhộn nhịp mà thanh bình chạm vào tim tôi, chạm vào cảm xúc của từng thành viên trong nhóm.

Tôi lân la đến gần người đàn ông trung niên đang tạm nghỉ tay sau khi chất từng bó cỏ bàng lên xe máy. Anh giới thiệu mình tên Nhựt. Theo lời kể của anh, thuở anh còn nhỏ, cỏ bàng mọc hoang rất nhiều. Lúc nông nhàn, tía má anh ra đồng cắt cỏ bàng về tót, phơi, giã… rồi tùy nhu cầu của gia đình, khi thì đan thành giỏ cho má đi chợ, lúc đan nón rộng vành để ra đồng, lúc đan nơm để tía bắt cá, nhưng nhiều nhất là đan chiếu bàng để bán. Ba má anh mất hơn một tuần để hoàn thành một chiếc chiếu cỏ bàng, bù lại, khi mang ra chợ bán có thể mua được một yến gạo, đủ cho nhà năm người ăn mươi ngày nửa tháng nên cứ có thời gian, ba má anh lại cặm cụi làm chiếu.

2717_1anb-6109-3

Anh cứ nghĩ cây cỏ bàng sẽ đi ngang đời mình như thế, không ngờ càng về sau, các sản phẩm từ cỏ bàng càng lúc càng có giá, cây cỏ bàng cũng dễ trồng hơn nên anh quyết định chuyển đổi 1,5 hecta đất trồng lúa của gia đình sang trồng cỏ bàng.

Một sợi cỏ là mười giọt mồ hôi

Mặt trời dần đứng bóng, những người nông dân cắt cỏ bàng lần lượt ra về, chúng tôi cũng rời đi, đến làng nghề cỏ bàng gần đó để tìm hiểu các công đoạn làm ra sản phẩm từ loại cỏ này.

Tót bàng là công đoạn phân loại bàng theo chiều cao. Người ta dựng từng bó cỏ bàng quanh một chiếc trụ cao ngang đầu người, dùng dây cột giữ lại, sau đó rút từng cây, phân ra thành từng nhóm từ cao đến thấp rồi cột lại thành những neo bàng. Việc phân loại này giúp xác định được neo bàng ấy phù hợp để tạo ra sản phẩm nào. Công đoạn này giúp người mua bàng chọn được neo bàng kích thước theo đúng nhu cầu cũng như giúp người bán phân loại, định giá chúng theo kích thước. Để thành phẩm có màu tươi đẹp và bền chắc, cỏ bàng tót đến đâu phải phơi đến đó.

8351_1anb-6193-1

Vẫy cỏ bàng để loại bỏ các cọng cỏ khô vàng – Ảnh: An Bùi

Ngày xưa, người ta giã bàng bằng mục bàng và chày. Mục bàng là tấm gỗ dày khoảng trên 10cm, rộng khoảng 30-40cm, dài khoảng 2m. Chày có hình dáng như chiếc chày đâm tiêu nhưng to và cao ngang đầu người. Mục bàng lẫn chày giã bàng đều làm bằng gỗ sao. Công việc giã bàng rất nặng nhọc nên thường do đàn ông đảm nhiệm. Âm thanh giã cỏ bàng vang rất xa trong đêm. Nếu ai rảnh sẽ đến giã phụ để vần công (trả công làm cho nhau).

Trong nhà, trên những chiếc phản rộng, nhiều phụ nữ đang đan cỏ bàng. Dưới bàn tay khéo léo của họ, những chiếc giỏ, mũ, chiếu dần hình thành. Có chiếc túi bé xinh chỉ đựng vừa thỏi son, có chiếc to có thể đựng laptop. Chiếu cỏ bàng cũng vậy. Có chiếc chỉ tầm 60 x 80cm dành cho trẻ sơ sinh nhưng cũng có chiếc rộng đến 2m.

Rời làng cỏ bàng, xe của chúng tôi lại nặng thêm bởi những chiếc túi, chiếc mũ và cả tấm chiếu cỏ bàng mua vì thích, vì thương một nghề thủ công truyền thống vất vả mà thu nhập không cao.

Trảng hoa súng dập dìu theo con nước

Nếu mùa này, Đà Lạt có hoa dã quỳ, Hà Giang có tam giác mạch, Hà Nội có hoa sữa thì Mộc Hóa đón chúng tôi với những ruộng hoa súng bát ngát. Theo lời người hướng dẫn, cũng như cỏ bàng, hoa súng sinh trưởng tốt khi bắt đầu vào mùa mưa và nở rộ cùng con nước từ thượng nguồn mang phù sa về.

7181_1anb-5889-1

Có hai loại: súng trồng và súng mọc dại. Loại được người dân trồng có thân ngắn, mập mạp, trổ hoa to. Hoa súng mọc dại (còn gọi là súng ma) có thân ốm hơn, chiều dài cây gấp đôi. Loại hoa này chỉ nở hoa và trồi lên trên mặt nước vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn. Lúc mặt trời lên, chúng tàn và chìm xuống nước.

Hoa súng chủ yếu có màu hồng tím, một số loài mọc dại màu trắng. Hoa thường nở đồng loạt nên nhìn như những thảm hoa trên mặt nước. Hoa súng không chỉ để ngắm mà còn có thể chế biến món ăn hay ăn kèm như một loại rau ghém nên với người miền Tây, hái hoa súng còn là công việc mưu sinh. Mùa hoa súng, mỗi ngày, nếu chịu khó hái hoa đem ra chợ bán sẽ đủ tiền chợ. Nhờ vậy, vào thời điểm này, du khách sẽ có cơ hội khám phá thêm một nét đẹp riêng của vùng sông nước còn các tay săn ảnh có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp.

6898_9anb-5656-1-facebook

Rất nhiều người mê nhiếp ảnh đến Mộc Hóa để săn ảnh mùa hoa súng – Ảnh: An Bùi

Chiếc thuyền đưa chúng tôi ra đồng súng. Giữa mênh mông nước, những bông hoa dập dềnh, các cô thôn nữ mặc bà ba chèo thuyền hái hoa. Thoảng trong gió, hương cỏ mật, mùi bùn non, hương hoa súng vừa xa vừa gần. Những lo lắng, bất an sau mùa COVID-19 lần thứ tư như dịu lại. Mọi ưu phiền cũng dần tan theo những đợt sóng nước từ mái chèo.

Theo Huỳnh hằng/phunuonline.com.vn

 



Bài viết cùng chuyên mục