Những loài cây này có vẻ ngoài tương đối bắt mắt, nhưng nếu không cẩn thận bạn hoàn toàn có thể đi gặp tử thần vì chúng.
Khác với động vật, thực vật chỉ có thể đứng im chịu trận mỗi khi bị tấn công. Chính vì thế, các loài thực vật phải có cho riêng mình những phương pháp tự vệ khác nhau. Và đối với các loài cây ở dưới đây, chúng sử dụng độc.
1. Mao địa hoàng (Foxglove)
Mao địa hoàng có nguồn gốc từ miền Tây và Tây Nam châu Âu, Tây và Trung Á, Úc, Tây Bắc châu Phi. Mặc dù thường được sử dụng làm cây cảnh, nhưng đây cũng là một trong những loại cây có độc tính gây chết người.
Tất cả bộ phận của cây đều độc hại (bao gồm cả hạt và rễ cây). Trong đó, việc tiếp xúc quá nhiều với độc tính có thể dẫn đến những triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, trường hợp nặng có thể gây loạn nhịp tim, co giật và thậm chí là tử vong.
2. Cây Pong-Pong (mướp sát) Cerbera odollam
Đây là một loại cây có nguồn gốc Ấn Độ và một số khu vực khác của miền Nam châu Á.
Hạt của loại cây này có chứa một loại chất độc có tên là cerberin gây gián đoạn nhịp tim, và chỉ cần ăn một hạt của loại cây này là đủ để tiễn bạn sang bên kia thế giới sau vài giờ. Cũng nhờ vậy, hạt cây pong-pong rất được những người đang có ý định… tự tử ưa chuộng.
Nhưng may mắn thay việc vô tình ăn phải một hạt này là rất hiếm khi xảy ra, bởi hạt của loại cây này nằm trong một lớp vỏ cực kì cứng.
3. Trúc đào (Oleander)
Trúc đào là loài cây thuộc họ tre trúc, phát triển tốt trong các khu vực cận nhiệt đới ấm áp. Loài cây này thường được trồng trong công viên và dọc theo ven đường nhờ vẻ đẹp hoang sơ đi vào lòng người.
Đẹp là vậy, nhưng đây là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất, và đặc biệt chúng chứa rất nhiều hợp chất độc tố khác nhau. Chỉ cần tiếp xúc với một lượng độc tố nhỏ từ loại cây này cũng có thể gây tử vong
Tất cả các bộ phận của cây này đều rất độc hại, nhưng nhựa cây là nơi mà độc tố tập trung nhiều nhất. Đối với người lớn chỉ cần ăn phải từ 10 đến 20 lá trúc đào thì sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng, còn trẻ em chỉ cần “nhá” thử 1 lá là đủ để gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay cả các bộ phận khô của loài cây này cũng rất nguy hiểm với gia súc và các loại động vật ăn cỏ khác. Chỉ cần 100g lá khô cũng đủ giết một con ngựa trưởng thành.
4. Cây phụ tử (Aconite)
Cây phụ tử chủ yếu có nguồn gốc từ vùng núi ở phía Bắc bán cầu, xuất hiện nhiều nhất là trong những vùng đất ẩm ướt hay những vùng cỏ nơi đồi núi.
Loại cây này chứa một loại chất độc có tên là Aconitine, khi tiếp xúc sẽ dẫn đến những triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, sau đó là một loạt những cảm giác nóng cháy toàn thân, ngứa ran, và tê trong miệng và khuôn mặt… Nếu tiếp xúc một liều lượng lớn có thể gây tử vong chỉ từ 2 – 6 giờ.
Đặc biệt, độc tố có thể hấp thu dễ dàng qua da. Bởi vậy, một trong những nguyên nhân chính của việc nhiều người nhiễm độc từ loại cây này là do hái lá hoặc tiếp xúc với lá cây mà không đeo găng tay.
5. Cây độc cần (Poison-hemlock) Conium maculatum
Có nguồn gốc từ châu Âu và Bắc Phi, cây độc cần là loài cây không có mấy giá trị dù vẻ ngoài không đến nỗi… xấu, thường được tìm thấy ở những vùng đất khô cằn, ở ven lề đường, hay cả những khu vực chất thải.
Loại cây này chứa một loại độc có tên là Coniine – hóa chất có cấu trúc và tính chất tương tự như nicotine. Đối với người lớn, chỉ cần tiêu hóa hơn 100mg chất connine (nghĩa là ăn khoảng từ 6 – 8 lá tươi của loại cây này) cũng đủ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Các triệu chứng của độc tố sẽ xuất hiện sau khi ăn lá khoảng từ 20 phút cho tới 3 giờ sau. Nhưng không chỉ riêng lá cây, tất cả các bộ phận của cây đều chứa độc tố, và ngay cả khi cây đã chết thì độc tố vẫn lưu lại trong cây cho tới ba năm.
6. Cam thảo dây – Rosary peas
Mặc dù có tên gọi rất thân thiện, nhưng cam thảo dây là loại cây rất nguy hiểm. Hạt của chúng chứa một loại chất độc có tên là Abrin – một trong những chất độc nguy hiểm nhất trên Trái đất.
Chỉ cần ăn phải một hạt của loại cây này cũng có thể gây những triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, co giật, suy gan và cuối cùng là tử vong chỉ sau một vài ngày.
Tuy nhiên, bất chấp sự nguy hiểm, hạt của chúng lại rất có giá trị trong việc làm đồ trang sức nhờ màu sắc rực rỡ. Đã từng có thông báo về các trường hợp nạn nhân tử vong do nhiễm độc trong khi khoan lỗ trên hạt để xỏ dây.
Nguồn: Science Dumb
Theo trí thức trẻ