Nếu ở các nước phương Tây, bạn có thể bắt gặp cảnh tượng những người đi xe hơi hạ cửa kính xe và mua đồ ăn nhanh thì ở Việt Nam cũng có những hình ảnh tương tự, có điều chiếc xe hơi được thay bằng phương tiện giản đơn và thân thiết hơn với người Việt Nam – xe máy.
Trên ấn bản điện tử của mạng tin tức nổi tiếng thế giới CNN đã từng có bài viết về văn hóa sử dụng xe máy trong việc mua sắm đồ ăn thức uống của người Việt. Dưới con mắt của tác giả Bruce Foreman, hình thức mua hàng, thậm chí ăn uống mà không cần rời khỏi chiếc xe máy là điều vô cùng độc đáo và khiến anh ngạc nhiên.
Có thể người Mỹ đã phát minh ra hình thức bán hàng trên các phương tiện giao thông từ những năm 1930, nhưng không ở nơi nào các hình thức biến tấu của cách thức bán hàng đó lại đa dạng như ở Việt Nam. Những quầy hàng di động có thể có mặt trên đủ loại xe máy, đủ các thương hiệu từ Vespa, Honda, Yamaha tới những chiếc xe mang xuất xứ Trung Quốc khiến việc ăn uống tại Việt Nam trở nên cơ động và linh hoạt hơn bao giờ hết.
Người bán sử dụng phương tiện xe máy, người mua là các thực khách cũng không cần phải rời khỏi chiếc xe của mình. Họ có thể dễ dàng mua đồ ăn mang đi hoặc thưởng thức ngay khi còn ngồi trên xe. Vì vậy, theo tác giả bài viết, với những người đang đói và ghét phải đậu xe, du lịch Việt Nam bằng xe máy có thể là điều vô cùng hạnh phúc.
Cửa hàng kem lâu năm trên phố Tràng Tiền là địa điểm rất nổi tiếng và tiêu biểu cho thói quen “ăn trên xe” của người Việt. Khách hàng tới đây được chỉ dẫn để xe theo hàng lối, vào quầy mua kem và trở lại xe của mình để thưởng thức.
Hiếm có nơi nào mà văn hóa ẩm thực đường phố phát triển mạnh mẽ như ở Việt Nam. Người phụ nữ này có thể không cần gửi xe, khi đang phải đèo thêm con nhỏ mà vẫn có thể chờ đợi mua bánh xèo mang về tại Tp HCM.
Người phụ nữ mưu sinh bằng nghề bán bánh mì trên phố Trần Quang Khải, Hà Nội. Khách hàng của cô chỉ ghé qua mua bánh rồi đi tiếp mà không cần dừng lại.
Một phần người Việt vẫn ăn sáng tại gia đình, nhưng phần đông còn lại đã là “khách hàng quen” của những quầy bán đồ ăn mang đi. Bánh mì Việt Nam là lựa chọn ăn sáng phổ biến không chỉ cho người Việt mà còn với nhiều người nước ngoài.
Cạnh các quầy hàng di động, việc mua đồ ăn diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng. Trong ảnh là người bán hàng đồ nướng và khách hàng tại vùng ven sông Đồng Hới, Quảng Bình.
Trong các khu chợ đều có chỗ gửi xe, nhưng nhiều người Việt vẫn chuộng việc đi thẳng xe vào chợ để mua các nhu yếu phẩm cần thiết cho bữa ăn gia đình.
Hình ảnh điển hình cho việc mua sắm “di động” của người Việt. Theo tác giả Bruce, tại Việt Nam, việc mua bán diễn ra rất dễ dàng, cả người mua và người bán đều có thể không cần tiến sát về phía lề đường để mua sắm. Người Việt hầu hết đều rất tôn trọng những người bán hàng rong.
Ở Việt Nam có rất nhiều dịch vụ sáng tạo. Chàng trai trong ảnh mưu sinh bằng việc hát rong bên bờ sông Đồng Hới phục vụ khách nhậu. Anh hát những bài hát mà các vị khách này yêu cầu.
Một hình ảnh khác tại cửa hàng kem Tràng Tiền, Hà Nội. Người Việt ăn uống trên xe máy rất tự nhiên bởi đó là thói quen đã hình thành từ lâu.
Người bán cua ven một con đường ở Hà Giang có cách thức kì lạ để bán hàng cũng như giữ cố định những chú cua.
Trên những con đường liên tỉnh đi qua các vùng nông thôn, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân mang nông sản mới thu hoạch lên bày bán ven đường để đảm bảo sự tươi ngon. Tất nhiên, những vị khách của họ cũng không cần rời khỏi xe để mua sắm.
K.H
Theo Bruce Foreman/CNN
Theo MASK