.
.

9 chiêu thức dạy con nhanh biết nói không phải mẹ nào cũng biết


Để trẻ nhanh biết nói cần áp dụng những phương pháp đặc biệt, tuy đơn giản nhưng ít mẹ nghĩ tới.

Là một người mẹ chắc hẳn ai cũng mong muốn được là người đầu tiên chứng kiến những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của con. Và giây phút con bắt đầu biết học nói chuyện chính là một trong những khoảnh khắc đầy xúc động đó.

Như các mẹ đã biết, kĩ năng nói của trẻ nhỏ được hình thành ngay từ khi mới sinh ra, tuy nhiên kỹ năng này được bộc lộ và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 3 tháng đầu đời, bé thể hiện kĩ năng nói qua tiếng khóc, 3 tháng tiếp theo, bé có thể biết sử dụng các phụ âm dễ nói như a, ba… Kể từ tháng 12 trở đi, kĩ năng nói của bé bắt đầu “điêu luyện” hơn và biết tạo ra những cuộc nói chuyện với mẹ như hai người lớn.

Vì thế, cha mẹ hãy để ý và tận dụng khoảnh khắc bé bắt đầu muốn học nói để nhanh chóng hình thành kĩ năng nói cho con.

Mỗi đứa trẻ sẽ có cách học nói khác nhau và nói ở mức độ nhiều hay ít. Tuy nhiên, mức độ nói này của bé còn phụ thuộc vào các phương pháp dạy nói mà bé học được từ cha mẹ, thầy cô.

Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một vài bí quyết dạy trẻ học nói nhanh dựa vào kinh nghiệm của những người mẹ thành công trong việc này:

1. Nói chuyện nhiều và thường xuyên với con  

Đây chắc chắn là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất khi dạy trẻ học nói. Hãy quan sát con thật kỹ và để ý đến mọi mối quan tâm của con. Bất kể con muốn ăn gì, uống gì hay làm bất cứ việc gì, mẹ hãy bắt chuyện với con trước khi thực hiện ý nguyện của trẻ.

 

2. Dạy con học nói trước khi quan tâm đến “chất lượng” của câu nói  

Điều đó có nghĩa là từng bước một, tập trung vào những gì bé đang cố gắng nói ra chứ chưa cần quan tâm đến cách phát âm của trẻ đã đúng hay chưa. Để một đứa trẻ nhanh biết nói thì hãy giúp con cảm thấy tự tin khi được nói chuyện với bố mẹ trước khi bắt bé nói chuẩn.

3. Tạo phản hồi rõ ràng  

Phản hồi với lời nói của con là một điều cực kì quan trọng khi dạy bé tập nói nhưng rất ít mẹ chú ý. Thông thường, các bậc phụ huynh chỉ chú ý dạy con nói câu này, câu kia mà quyên mất rằng mỗi một phản hồi của mẹ khi nghe bé nói cũng là cách để con tự biết hình thành kĩ năng kéo dài câu chuyện trong những cuộc hội thoại sau.

Điều này được hiểu đơn giản như khi nghe con nói bập bẹ một câu nào đó, thay vì chỉ vỗ tay hay cười với con, mẹ hãy phản hồi bằng một câu nói thực tế ví dụ như “Ồ, đúng rồi”, “Ừ con yêu, mẹ biết rồi”…

4. Kết hợp lời nói với hành động  

Đây là một cách giúp trẻ biết nói nhanh mà lại còn tăng thêm sự hiểu biết. Kết hợp lời nói với hành động giúp con biết được hành động này thường gắn với những câu nói có ngữ điệu như thế nào. Vào những lần sau, khi muốn làm một hành động như thế, trẻ có thể phát ra lời nói trước hành động.

Ví dụ, khi cởi giày cho con, bên cạnh hành động cởi giày, mẹ có thể nói thêm là “Mẹ cởi giày cho con nhé” hoặc “Cởi giày nào, cởi bít tất nào”. Như thế, với những lần sau có thể bé sẽ không chỉ biết đưa chân đòi mẹ tháo giày mà có thể kèm câu nói “Cởi”, “Cởi giày”, “Mẹ cởi giày”, “Mẹ cởi giày cho con”…

5. Gọi tên con trước khi nói chuyện  

Để cuộc trò chuyện thành công, mẹ hãy tạo sự chú ý trước khi bắt đầu trò chuyện bằng việc gọi tên con. Chắc chắn tên gọi là âm thanh bé nghe được nhiều nhất và ghi nhớ lâu nhất bởi đây là từ phổ biến mà mọi người thường dùng để gọi bé.

Vì thế, trước khi nói chuyện hãy thu hút sự chú ý bằng cách gọi tên và giao tiếp bằng mắt với con. Tuyệt đối nên tránh việc mẹ nói chuyện với con nhưng ánh mắt lại đang nhìn hướng khác hay làm việc gì khác. Nói chuyện bằng cách gọi tên và giao tiếp bằng mắt sẽ giúp con hiểu được mẹ đang trò chuyện với mình và dễ dàng đoán được ý mẹ.

 

6. Tạo cơ hội để trẻ được nói  

Con sẽ không thể biết nói nhanh nếu như mẹ không cho con cơ hội được “thể hiện” bản thân. Vì thế, trong tất cả các hoạt động diễn ra hàng ngày, mỗi câu nói, mỗi câu hỏi mẹ nên dừng lại khoảng 10 giây để bé có thể trả lời, tiếp chuyện hoặc nói lên những điều mình nghĩ.

7. Tạo tình huống mới  

Nếu ngày nào cũng lặp đi lặp lại vài hoạt đông, bé có thể biết nói nhanh nhưng bị giới hạn từ ngữ. Tạo tình huống mới để giao tiếp có thể giới thiệu cho con nhiều từ mới hơn, bé bắt đầu tiếp thu dần và biết rằng mình cần phải học những từ đó.

Ví dụ, ngoài việc nói chuyện ở nhà với con, hãy đưa con đi dạo hoặc đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt. Sau đó nói chuyện với con về những gì diễn ra xung quanh và lặp lại những gì bạn nghe thấy từ con, thậm chí những câu bé nói chưa được rõ mẹ đều nên nhắc lại. Ví dụ, khi con nói “tô”, mẹ nên nhắc lại đầy đủ và chậm rãi “Đúng rồi, đây là cái ô tô”.

8. Đơn giản hóa những điều nói với con  

Sử dụng những câu thoại ngắn và nhấn mạnh vào những từ quan trọng khi mẹ nói chuyện với bé. Điều này sẽ giúp con tập trung vào những thông tin quan trọng.

9. Tắt những tiếng ồn không cần thiết  

Tivi, nhạc hay bất kì một âm thanh nào không cần thiết mẹ có thể tắt đi để cuộc nói chuyện của mẹ và bé được tập trung. Điều đó cũng giống như việc người lớn thường làm khi muốn tập trung vào một công việc nào đó. Những tiếng ồn có thể thu hút trẻ nhiều hơn là cuộc nói chuyện của mẹ.

Cách tạo cuộc nói chuyện vui vẻ với trẻ  

Một cuộc nói chuyện vui vẻ sẽ là động lực để khuyến khích trẻ thể hiện những vốn từ của mình. Vậy, làm thế nào để luôn tạo ra một cuộc nói chuyện vui vẻ với con?

Nói chuyện với con trong khi chơi một trò chơi: Mẹ hãy ngồi xuống sàn nhà và cùng con chơi đồ chơi với con. Hãy để con được tự chọn đồ chơi, hoạt động hay lời bé muốn nói. Việc của mẹ là hãy giao tiếp theo câu chuyện mà “bé vẽ ra thôi”.

Tỏ ra thích thú với đồ chơi của con: Mẹ hãy thể hiện sự yêu thích của mình với món đồ chơi của con. Ví dụ hãy tỏ ra rằng mình cũng rất thích con gấu bông Teddy mà con yêu thích và cùng con nói chuyện về con gấu bông đó. Bé sẽ rất thích nói chuyện với một người nào đó cùng sở thích với mình.

Theo khám phá



Bài viết cùng chuyên mục