.
.

Bấp bênh gạo Việt


Tại sao thị trường quốc tế thích gạo Thái Lan, gạo Campuchia, gạo Myanmar hơn gạo Việt Nam?

Là tập đoàn đầu tiên của VN tham gia vào Diễn đàn Lúa gạo bền vững SRP (tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc). Tập đoàn Lộc Trời đang thực sự đưa hoạt động sản xuất lúa gạo của mình tiến một bước lớn, đáp ứng 46 tiêu chí cao nhất trong sản xuất lúa gạo, kết nối rộng rãi với các DN lúa gạo hàng đầu trên thế giới, mang lại lợi ích xứng tầm cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực làm được như Lộc Trời.

Thị trường nuôi thương hiệu

Tại thời điểm tháng 1/2016 nếu thử lên một kênh bán hàng trực tuyến bất kỳ và thử tìm với từ khoá “Thailand rice price” sẽ cho thấy, gạo trắng hạt dài của Thái Lan có giá chào từ 500- 600 USD/ tấn, trong khi, giá gạo VN chỉ được các DN chào bán với giá từ 380 – 420 USD/ tấn, chênh lệch từ 120 đến 180 USD/tấn, tức gạo Thái có giá cao hơn ít nhất 35% so với gạo VN. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, tại sao giá gạo Thái bán được giá cao như vậy, giá gạo Việt lại không? Gạo Thái ngon hơn, an toàn hơn? Hay thương hiệu gạo quốc gia của họ cao hơn?

Đi tìm lời giải cho những trăn trở đó, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (tên gọi mới của Cty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang) cho rằng, để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần phải phát triển được thị trường. Bởi chính thị trường mới “nuôi” được thương hiệu, nếu có thương hiệu nhưng thị trường nhỏ lẻ thì thương hiệu không thể tồn tại được. Ông Thòn cũng cho biết thêm, trên thực tế, đã nhiều DN XK gạo bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu gạo riêng cho mình và bước đầu “gặt hái” được không ít thành công. “Trong bối cảnh hiện nay, ai cũng hiểu rõ mối quan hệ cộng sinh giữa DN, nông dân và nhà nước là rất quan trọng. Vì vậy, tuy danh nghĩa là Cty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhưng chúng tôi tham gia vào toàn bộ quy trình sản xuất nông sản. Nông dân cần đầu ra chúng tôi lo đầu ra, nông dân cần giống, chúng tôi nghiên cứu và cung ứng giống, nông dân cần kỹ thuật chúng tôi lo kỹ thuật. Ngược lại, khi chúng tôi cần hợp tác, nông dân sẵn sàng, thậm chí chúng tôi cần vốn họ cũng sẵn sàng… nên việc phát hành cổ phiếu cho nông dân thời gian qua luôn được bà con ủng hộ” – ông Thòn giải thích.

Tuy vậy, theo kinh nghiệm của ông Thòn, làm việc với nông dân không thể áp dụng cứng nhắc quy tắc này, phương thức nọ mà nhiều khi phải tạm quên những nguyên lý của thị trường mà hoạt động dựa trên niềm tin và cái tình. Ông Thòn cho rằng, chớ lấy bản hợp đồng với nông dân và những quy định pháp lý rạch ròi để xử lý công việc mà chỉ nên coi như một bản thỏa thuận phân công công việc, bên nào làm chưa xong, chưa hoàn thành thì nhắc nhau. Có những vụ việc nông dân bể kèo, DN thưa kiện sẽ chắc thắng, vì mình có tiền nhiều hơn, có thông tin nhiều hơn, hợp đồng do mình soạn ra; nhưng thắng kiện rồi mình sẽ làm gì? Chế tài người nông dân cách nào? Họ chỉ có đất và thực tâm họ cũng không muốn bể kèo.

Bình đẳng từ thuế

Từ những kinh nghiệm đó cho thấy, “di sản lao động” đầu tiên mà Lộc Trời xây dựng được chính là phải xây dựng được lực lượng “ba cùng”. Nghĩa là từ nhu cầu lớn về kỹ thuật canh tác để đáp ứng XK gạo của nông dân, Cty bắt tay xây dựng lực lượng “ba cùng” và triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng”. Các kỹ sư “ba cùng” luôn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân trên khắp cả nước để dần dần hình thành một thế hệ nông dân- trí thức.

Là một điển hình trong việc liên kết “bốn nhà” tham gia chuỗi sản phẩm lúa gạo , nhưng ngay chính Lộc Trời và nhiều DN khác như Cty Viễn Phú (Cà Mau)… cũng đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với mạng lưới những thương buôn tự do. Ông Thòn tâm sự, dù muốn tổ chức mạng lưới bán lẻ gạo với chất lượng đảm bảo, có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý nhưng sợ không cạnh tranh được với mạng lưới những thương buôn tự do, bởi DN phải nộp thuế VAT 5% trong khi những người buôn bán nhỏ không phải nộp thuế. “Với VAT 5%, giá gạo tăng thêm 500-1.000 đồng/kg khiến chúng tôi khó có thể bán gạo ra thị trường. Mà không xây dựng được thương hiệu gạo để cạnh tranh với hệ thống bán lẻ, đặc biệt là Thái Lan, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà” – ông Thòn nói. Vì vậy, nếu giải quyết được vấn đề thuế VAT, từ nay đến năm 2018 Lộc Trời có thể tổ chức được hệ thống bán lẻ tiêu thụ khoảng 300.000tấn gạo/năm và nâng lên 500.000 -1.000.000 tấn gạo/năm vào năm 2020.

Mặt khác, trong hoàn cảnh của VN hiện nay, bản thân các DN phải tự nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo cho mình và nó sẽ trở thành thương hiệu gạo quốc gia khi nào hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. “Tất nhiên, trong quá trình đó, sẽ có sự sàng lọc, có DN làm được, có DN không, thương hiệu gạo nào còn lại thì tên tuổi tự nhiên trở thành thương hiệu gạo chung”.

Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, theo ông Thòn, thứ nhất chính sách phải phù hợp. Thứ hai, Nhà nước phải có quy chuẩn chung để DN cùng chấp hành. Khi Nhà nước đề ra quy chuẩn để kiểm soát, có nghĩa rằng, mọi người đều được đối xử công bằng, không có lợi ích nhóm.

Mai Thanh
Theo DDDN



Bài viết cùng chuyên mục