.
.

Bi kịch của những ‘người rừng’ được thú hoang nuôi dưỡng


Mồ côi cha mẹ và được nuôi dưỡng bởi sói, họ vẫn sống và phát triển khoẻ mạnh. Đó là những Tarzan ngoài đời thực!

Nếu là fan ruột của Disney, thì chắc hẳn bạn phải rất yêu thích bộ phim hoạt hình kinh điển Cậu Bé Rừng Xanh – The Jungle Book. Phim là câu chuyện về một cậu bé được loài sói nhận về nuôi và rất mực yêu thương.

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 1.

Mowgli – Cậu Bé Rừng Xanh

Mowgli, cậu bé trong phim, được mô tả là khá vô tư, đồng thời rất gan dạ và liều lĩnh. Cậu có thể hát hò, nhảy múa với các con vật trong rừng và có khả năng tự bảo vệ mình trước nguy hiểm từ thú dữ.

Vậy ngoài đời thực, liệu có trường hợp nào mà một đứa trẻ lại được nuôi nấng bởi thú rừng như Mowgli? Nếu có, đứa trẻ ấy có trí khôn và bản lĩnh như cậu bé không?

Những đứa trẻ hoang dã trong truyện kể

Các câu chuyện huyền thoại thời xưa, các tác phẩm văn học hay chương trình truyền hình thời nay đều đã từng đề cập đến những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi nhiều loài động vật khác nhau như sói, khỉ, gấu…

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 2.

Tarzan – huyền thoại rừng xanh

Nổi bật là cặp song sinh Romulus và Remus trong truyền thuyết sáng lập của thành Roma, người rừng Tarzan trong tác phẩm Tarzan – Đứa con của Rừng Xanh hay anh chàng George trong bộ phim George của Rừng Xanh.

Những nhân vật này thường có sẵn trí thông minh và các kỹ năng của loài người, họ có khả năng nhận biết bẩm sinh các nền văn hóa, văn minh và sở hữu nhiều bản năng sinh tồn. Việc hòa nhập với xã hội loài người đối với họ khá dễ dàng.

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 3.

Chàng George “ngố” trong George of the Jungle

Trong số đó, nhiều nhân vật còn có trí óc vượt trội, sức mạnh phi thường và rất am tường lẽ phải. Điều này nhằm ngụ ý rằng, họ đại diện cho những con người trong sạch, không bị những cái xấu xa của nhân loại làm vấy bẩn.

Tuy nhiên, mọi chuyện trong đời thực thì không hề đơn giản như vậy

Những đứa trẻ từng sống chung với động vật ngoài đời thực không được may mắn như phim. Chúng thiếu đi những kỹ năng xã hội cơ bản mà đáng lẽ được tiếp thu trong quá trình hội nhập văn hóa.

Ví dụ, Tarzan ngoài đời thực không thể học cách sử dụng toilet, không thể học cách đứng thẳng lên mà đi vì đã quen với việc di chuyển bằng bốn chân, và cũng hoàn toàn không quan tâm đến các hoạt động sống của con người.

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 4.

Vì trí tuệ bị suy yếu đi rất nhiều sau nhiều năm bị tách biệt, chúng khó có thể hoặc hầu như không thể nào lĩnh hội được ngôn ngữ của người bình thường.

Trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp trẻ em sống chung với động vật được ghi nhận. Đương nhiên những đứa trẻ này phải tự lực cánh sinh vì đơn giản là các con vật không thể giúp chúng kiếm ăn được.

Ví dụ như Oxana Malaya, cô gái sống trong chuồng chó. Người ta tìm thấy cô gái người Ukraine này vào năm 1991 khi cô mới chỉ 8 tuổi. Bị bố mẹ ham rượu bỏ rơi trong một đêm lạnh, cô chui vào chuồng chó nằm co ro và sống chung với chó suốt 6 năm.

Khi được tìm thấy, Malaya đi bằng 4 chân, lè lưỡi, nhe răng sủa và chỉ biết nói hai từ “Yes” và “No”. May mắn thay, Oxana giờ đây đã tương tác được bình thường và có công việc ổn định nhờ nỗ lực của các tổ chức nhân quyền.

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 5.

Oxana phải sống chung với chó từ năm 2 tuổi

Hay như Marina Chapman – Tarzan phiên bản nữ. Bị bắt cóc vào năm 1954 khi mới 5 tuổi, Chapman sống cùng một gia đình khỉ Capuchin cho đến khi được tìm thấy vào khoảng 5 năm sau đó.

Khi đó, Chapman ăn quả mọng, rễ cây… ngủ trong các hốc trên cây và di chuyển bằng 4 chân như loài khỉ. Tuy nhiên, Tarzan phiên bản nữ không may mắn như trong truyện: lũ khỉ chẳng giúp cô tìm đồ ăn, mà chính cô phải tự biến mình thành người rừng để tồn tại.

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 6.

Chapman hiện đã lập gia đình và đang sống ở Yorkshire (Mỹ)

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Oxana hay Chapman. Shamdeo – cậu bé sói tại Ấn Độ là một trường hợp như vậy.

Được tìm thấy trong một khu rừng vào năm 1972, Shamdeo khi đó mới 4 tuổi và được sói nuôi dưỡng. Màu da cậu rất tối, răng nhọn, móng tay rất dài, tóc rối bù còn cùi chỏ, lòng bàn tay và đầu gối thì chai sạn.

Bi kịch của những đứa trẻ người rừng được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 7.

Shamdeo – cậu bé sói

Cậu thích săn gà, thèm máu và thỉnh thoảng lại ăn đất. Ngoài ngôn ngữ ký hiệu đã học ra thì cậu không nói được. Cuối cùng, Shamdeo qua đời vào năm 1985 mà không cách nào hòa nhập được với cộng đồng.

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ rơi và phải dành cả thuở ấu thơ sống chung với động vật – cả hoang dã lẫn thuần hóa. Và sự thật là khi buộc phải lãng phí những năm tháng quan trọng nhất đời người như vậy, những đứa trẻ này thường khó lòng hòa nhập được với cộng đồng.

Vấn đề nằm ở chỗ đó lại không phải là thứ các em muốn xảy ra. Chính cái nghèo đói, bạo lực, tính lơ đễnh hay hành vi ngược đãi của cha mẹ các em, và những kẻ xấu ngoài xã hội đã đẩy chúng rơi vào hoàn cảnh đáng thương đó.

Hiện tại, bất kỳ đứa trẻ nào rơi vào tình cảnh tương tự đều nhận được sự trợ giúp của chính phủ các nước hay các tổ chức về nhân quyền. Hơn nữa, nhận thức của cộng đồng đang cần phải được cải thiện, tránh để những tình cảnh thương tâm như vậy xảy ra.

Nguồn: Wikipedia, BBC



Bài viết cùng chuyên mục