Mẹ Nhật có những cách dạy con tự lập rất tài tình và đáng khâm phục. Vì vậy, nếu muốn rèn con hãy học hỏi cách giáo dục của người Nhật.
Nên dạy trẻ tự lập từ khi nào
Câu trả lời rất đơn giản đó là khi trẻ được 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi trẻ đòi tự mình xúc, tự mình đi giày,tự mình đi nhà vệ sinh…là thời kỳ trẻ bắt đầu muốn được tự mình làm mọi thứ, tức là bắt đầu muốn tự lập thì thay vì ngăn cản cha mẹ hãy trao cho trẻ quyền được tự mình làm.
Bạn nên bắt đầu từ những việc đơn giản, như việc cho trẻ tự mặc quần áo chẳng hạn. Dạy bé phân biệt mặt trước sau, trái phải, dạy bé mặc quần áo như thế nào. Có thể bé sẽ mất rất nhiều thời gian trong những lần đầu tiên. Nhưng mẹ nên kiên nhẫn, khuyến khích hoặc khen ngợi bé thay vì làm dùm bé. Sau một vài lần, bé hoàn toàn có thể tự mặc quần áo một cách nhanh chóng.
Tập cho bé tự gấp quần áo của mình hay chỉ đơn giản là đem cất ly nước bé vừa uống xong có thể giúp bé tự lập hơn trong các hoạt động hằng ngày của mình. Mẹ cũng có thể cho bé làm “chân chạy vặt” mỗi khi mẹ làm bếp, vừa tăng cơ hội gần gũi giữa mẹ và bé vừa giúp bé tự lập hơn.
Bắt đầu từ những việc đơn giản và tăng dần mức độ khó lên khi bé đã quen dần. Như khi bé quen với việc cất đồ chơi sau khi chơi, mẹ có thể khuyến khích bé tự dọn dẹp phòng của mình hoặc giúp mẹ làm những công việc nhà đơn giản. Mẹ cũng nên chú ý là không nên la mắng bé khi bé chưa thể tự mình làm được những việc đó. Việc la mắng bé chỉ làm bé mất tự tin với khả năng của mình. Thay vào đó, mẹ có thể nhẹ nhàng hướng dẫn cho bé cách làm một lần nữa.
Trên bàn ăn, cha mẹ Nhật lúc nào cũng đặt một chiếc khăn ướt và một chiếc khăn ăn để trẻ có thể học theo người lớn tự vệ sinh cho sách. Bồn rửa mặt và đánh răng quá cao thì mẹ Nhật sẽ thiết kế một chiếc ghế để con trèo lên. Quần áo nhiều cúc con chưa biết cởi thì mẹ Nhật sẽ thiết kế những loại khoá kéo, kim băng cài hoặc cúc bấm đơn giản để con có thể tự mặc quần áo.
Về giày dép, luôn có một hình ngôi sao hoặc hoạ tiết nhỏ thêu vào để con biết phân biệt giày trái – phải mà tự đi đúng chân. Ở nhà muốn con biết tự cất đồ chơi thì cha mẹ sẽ làm một vài chiếc giỏ, trên đó dán đề can hiển thị loại đồ chơi được phép bỏ vào giỏ để trẻ hiểu qui tắc mà phân loại, cất giữ đúng chỗ.
Vì sao phải để trẻ tự lập từ khi còn nhỏ
Khi trẻ phát ra tín hiệu con muốn tự mình làm, tức là trẻ đang muốn nói với cha mẹ rằng “cha mẹ hãy giúp con để con có thể tự làm một mình” và đó cũng chính là bước cơ bản đầu tiên mà một con người tiến tới tự lập. Nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn tiền đề này không cho trẻ luyện tập, rồi khi trẻ lớn lên vài tuổi nữa lại la mắng trẻ là “lớn rồi mà mấy cái việc cỏn con này cũng không làm được” hay “tự mình làm đi”, thì thật chẳng khác nào xây nhà mà không xây móng.
Đồng thời ý thức muốn tự mình làm nó còn thể hiện sự khẳng định cái tôi, ý chí của bản thân nên nếu như nó nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ thì cái tôi ấy sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái.
Còn nếu như cha mẹ nào nhìn thấy con lóng ngóng cầm thìa rồi làm đồ ăn tung tóe, vụng về cài cái cúc mà nó cứ trượt, buộc mãi cái dây giày mà nó không xong thì sốt ruột, rồi cáu kỉnh nói với con “đấy mà, có làm được đâu nhưng cứ đòi cơ”, rồi “mẹ đang bận lắm,không có thời gian”, hay dụ dỗ “khi nào con làm được thì mẹ cho con làm” thì tự nhiên đã ngắt mất mầm non tự lập vừa mới nhú của trẻ đi rồi. Cha mẹ lại không biết rằng trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm để trở nên thành thạo hơn từ chính những trải nghiệm vụng về và thất bại ấy đấy. Hơn thế nữa hành động ngăn cản còn ám thị một sự phủ định cái tôi của trẻ, sẽ khiến trẻ mất đi tự tin và động lực hành động.
“Muốn tự mình làm” chính là bằng chứng về sự trưởng thành
Sự phát triển của trẻ sẽ chia ra nhiều bước, mà thành thục bước này rồi sẽ là tiền đề cho trẻ tiến đến bước cao hơn. Tại sao khi trẻ tập lẫy hay tập bò thì cha mẹ có thể kiên nhẫn chờ trẻ làm đi làm lại mấy chục lượt, rồi còn cố làm sao tạo ra môi trường tốt nhất để cho trẻ lẫy, trẻ bò được nhanh hơn. Thế thì tại sao cha mẹ không coi việc trẻ muốn tự xúc cơm, tự đi giày…cũng như một giai đoạn phát triển như là việc trẻ tập lẫy, tập bò để kiên nhẫn với trẻ hơn.
Đứng trên quan điểm của nhà giáo dục Montessori thì có những thời điểm chỉ xảy đến một lần duy nhất trong đời trẻ mà ở thời điểm đó, cơ quan cảm thụ của trẻ trở nên nhạy cảm đặc biệt để tiếp thu những kích thích từ môi trường xung quanh. Thông qua việc hấp thu những kích thích cần thiết và tất yếu ấy trẻ sẽ hình thành nên chính con người mình. Đó chính là “thời kỳ nhạy cảm”. Dấu hiệu của thời kỳ nhạy cảm chính à viêc trẻ thể hiện mình muốn làm gì, đang tập trung hay có hứng thú đặc biệt với cái gì. Nếu như cha mẹ bỏ qua thời kỳ này thì trẻ vẫn sẽ học được nhưng khả năng thành thục sẽ chậm hơn và có khi làm giảm đi tinh thần ham học hỏi của trẻ đi rất nhiều.
Vậy thì “muốn tự mình làm gì” cũng chính là dấu hiệu của trẻ bước vào thời kỳ nhạy cảm đó, và để giúp con phát triển về cảm xúc lẫn rèn luyện tính tự lập lẫn kỹ năng sống thì cha mẹ đừng bỏ qua thời kỳ nền móng quan trọng này. Nếu muốn sau này nuôi con “nhàn nhã” thì cha mẹ hãy dành thời gian kiên nhẫn, dõi theo những thay đổi từ tâm lí đến hành động, và một trái tim sẵn sang “tiếp nhận những mong muốn của con” nhé.
Dạy trẻ như thế nào?
Tôi biết là mình phải để cho trẻ tự làm, hoặc là dạy trẻ làm để giúp trẻ tự lập đấy, nhưng mà nói trẻ không nghe, có khi dạy mãi mà trẻ không biết làm theo. Thực ra mấu chốt của vấn đề ở đây là không phải trẻ không làm được mà là “trẻ không biết cách làm”. Vì thế cách cha mẹ dạy trẻ cũng như tạo ra môi trường thích hợp nhất để trẻ học hỏi như nào sẽ quyết định đến việc trẻ có thể tự mình làm được một mình hay không.
– Dù chưa nói sõi nhưng trẻ đã biết giằng lấy cái thìa đòi tự mình xúc, đòi tự đánh răng, tự đi giày…khi ấy việc cha mẹ cần làm là hãy “thu tay lại và dõi theo”hành động của trẻ như là sự tiếp nhận mong muốn của trẻ. Hãy quan sát xem trẻ có thể làm được đến đâu, chỗ nào là khó đối với trẻ, chỗ nào là trẻ vướng mắc không làm tiếp được để từ đó đưa ra những cách chỉ dẫn trẻ làm cho phù hợp.
– Khi muốn dạy trẻ làm gì thì hãy chỉ chọn một việc để dạy thôi. Nếu dạy quá nhiều thứ một lúc thì bạn đừng ngạc nhiên là đã dạy rồi mà trẻ chẳng nhớ được gì.
– Hành động cần được chia ra làm các bước rõ ràng, chỗ nào khó làm đi làm lại nhiều lần cho trẻ nhìn.
– Cho trẻ nhìn theo và bắt chước hành động của mình: Hành động phải thật chậm rãi, có trình tự và trật tự làm sao trẻ nhìn thấy rõ. Trẻ con không có tốc độ lí giải ngay như người lớn được nên cách dạy sẽ khác với người lớn. Vì trẻ con sẽ muốn lưu lại hình ảnh 24 hình /phút thay vì người lớn muốn lưu hình ảnh 24 hình/giây. Ví dụ như khi dạy trẻ gấp cái áo thì mẹ hãy làm thật chậm từ bước gấp hai tay, rồi đến thân áo, sau đó gấp đôi lại nhưng không cần mẹ phải thuyết minh từng bước cho trẻ nghe.
– Nguyên tắc “Đừng nói mà hãy hành động” tức là: Đừng thuyết minh hay giải thích gì khi làm cho trẻ nhìn.
– Sau khi hành động xong hết rồi mới bắt đầu giải thích cho trẻ. Ví dụ như con nhớ không mẹ gấp áo bắt đầu từ gấp tay phải, tay trái, đến thân áo, rồi gấp đôi lại…
– Tránh dùng từ hàm ý chê bai, gây sự tự ti cho trẻ kiểu như “đấy, con đã hiểu chưa”, “mẹ dạy rồi mà vẫn không biết làm à”.
– Đừng bao giờ tỏ ra sốt ruột vì trẻ thất bại nhiều lần thì mới thành công được, nhưng đó là sự thành công vô cùng giá trị đối với cuộc đời trẻ.
– Đừng bao giờ vừa làm cho trẻ xem lại vừa nói đính chính kiểu lên giọng với trẻ khi đang dạy trẻ: “đây, làm như này này”, hay muốn nói cho con biết chỗ sai kiểu như “con đã thấy mình làm sai chưa, đúng không”, thì sẽ chỉ khiến trẻ tụt hứng mà không thêm làm tiếp nữa.
– Cuối cùng là mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách và ý chí khác nhau, nên cha mẹ hãy quan sát con mình để tìm ra thời điểm phù hợp để bắt đầu dạy trẻ những thói quen tự lập. Nhanh chậm không quan trọng bằng việc trẻ thu được gì cho bản thân từ những việc làm ấy, và không bị làm mất đi hứng thú. Vì thế mình sẽ không ghi ra khung rõ ràng rằng ở tuổi này trẻ cần làm được cái gì, chỉ cần từ 0- 3 tuổi trẻ được nuôi dưỡng khả năng khẳng định bản thân, biết chăm sóc vệ sinh cá nhân, những điều cơ bản liên quan đến bản thân trong sinh hoạt hàng ngày là được.
Khi bé đi học
Kể cả khi ở nhà hay đi học, ba mẹ đều khuyến khích con tự làm những việc cá nhân của mình. Trẻ em Nhật tự mình mặc quần áo, mang giày và xách đồ của mình. Trẻ em Nhật thay đồ rất nhiều khi đến trường. Khi mới đến lớp, bé phải tháo giày ra và thay bằng dép đi trong nhà. Nếu có giờ học thể dục, bé cũng phải tự thay đồ và giày trong giờ ra chơi. Khi tham gia các câu lạc bộ, bé lại thay đồ cho phù hợp với nội dung câu lạc bộ mà mình tham gia.
Bé phải thu dọn bàn ghế và phòng học của mình sau giờ học. Việc này được phân công đều cho tất cả các bạn trong lớp. Những công việc thường thấy là lau bảng, giặt khăn lau, quét lớp…
Thời gian học ở Nhật thường kéo dài từ sáng tới chiều. Các bé thường được mẹ chuẩn bị bữa ăn mang theo và tự ăn trong những giờ nghỉ trưa. Việc một đứa trẻ nhỏ tự ăn và dọn dẹp phần ăn của mình là điều hết sức bình thường ở Nhật. Thậm chí, có bé mới học cấp 1 đã có thể nấu ăn.
Ngoài những tiết học trong lớp, bé sẽ được tham gia vào các lớp học ngoại khóa sau giờ học. Có rất nhiều khóa học cho bé, những câu lạc bộ nữ công dạy bé thêu thùa may vá hay nấu những món ăn thông thường hoặc những câu lạc bộ thể thao như bắn cung, tập võ…
Trẻ mẫu giáo có thể được ba mẹ đưa đến trường nhưng khi lên lớp 1, các bé đã có thể tự đi một mình đến trường rồi.
Đừng chỉ trích kết quả
Mỗi chúng ta khi làm việc tốt ai cũng mong muốn nhận được lời khen từ mọi người. Và trẻ con cũng vậy. Theo các chuyên gia, việc giáo dục trẻ mầm non điều quan trọng là quá trình để trẻ khám phá, học cách làm và rút ra kinh nghiệm tự lập cho lần sau chứ không phải kết quả như thế nào.
Cha mẹ Nhật quan niệm rằng chúng ta làm việc rất nhiều lần mới có thể thành thạo, nên khi trẻ bắt đầu làm dù có chậm hay sai sót thì cũng là chuyện rất bình thường. Do đó mà mẹ Nhật không bao giờ chê trách con cái, ngược lại họ luôn khích lệ để trẻ hào hứng và tự lập hơn.
Theo Nha Trang
Báo Ngaynay