Dưới đây là những bí quyết từ các nhà thiết kế giúp bạn bảo quản áo dài Tết phù hợp với từng loại chất liệu.
Áo dài là trang phục truyền thống được phái đẹp yêu thích và lựa chọn nhiều nhất vào dịp xuân về. Từ vải nhung, lụa, tơ tằm hay vải gấm… tất cả các chất liệu này đều được các nhà thiết kế sáng tạo nên những chiếc áo dài vừa hiện đại vừa cổ điển.
Thế nhưng, để giặt giũ, bảo quản áo dài đúng cách thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những mẹo giúp bạn bảo quản áo dài Tết phù hợp với từng loại chất liệu.
Áo dài là trang phục được nhiều chị em lựa chọn cho dịp Tết Bính Thân 2016
1. Áo dài nhung
Với loại chất liệu “khó tính” này, nếu bị vết bẩn bám lên vải, trước khi đem giặt bạn hãy ngâm vải vào nước lạnh, sau đó, dùng bàn chải mềm cọ một ít thuốc tẩy hoặc dùng bột giặt chà nhẹ nhiều lần cho đến khi sạch vế bẩn. Cuối cùng là giũ lại bằng nước lạnh. Đối với loại vải này, bạn không nên vắt mạnh tay vì dễ làm vải bị nhăn nhúm lại, mất thẩm mỹ khi diện áo dài.
Nếu bị dầu mỡ làm ố thì bạn dùng xăng nguyên chất tẩy sạch rồi đem giũ bằng nước lạnh. Không được dùng nước sôi hoặc xà phòng có tính kiềm quá cao để giặt áo dài loại vải này. Nên giặt bằng nước sạch 3 lần, khi giặt nước thứ hai, có thể nhỏ vào chậu nước giặt 2 -3 giọt dấm để nó trung hoà với bột giặt còn lưu trên áo, áo sẽ không có mùi của bột giặt nữa.
Để giữ gìn độ bền của áo dài nhung, khi giặt bạn không nên vò mạnh hoặc vắt quá khô
Sau khi đã giặt sạch, muốn ráo nước, không nên vặn bóp quá mạnh, nên dùng cách ấn nhẹ. Đồng thời, cũng không được phơi trực tiếp dưới nắng to, hay sấy khô bằng máy hoặc là bằng bàn là điện, mà nên phơi vào chỗ râm mát và thoáng gió.
Khi đã khô, dùng một que gỗ nhỏ đập nhẹ vào quần áo để lấy lại trạng thái phẳng phiu ban đầu cho nó tránh bị nhăn nhúm. Khi đem treo trong tủ nên bỏ kèm vào 2 túi bột chống ẩm, chú ý là không được dùng viên long não. Và trong thời gian cất giữ, bạn hãy định kỳ lấy ra phơi vào chỗ mát, thoáng gió vừa tránh được ẩm vừa giữ bền cho chiếc áo dài.
Cần phải chú ý thêm rằng, áo dài bằng vải nhung không được dùng máy giặt, bởi vì sợi nhung không chịu được cọ xát, dùng máy giặt sẽ rất chóng bạc màu, mục, hỏng và giảm nhanh tính năng giữ ấm của nó.
2. Áo dài lụa
Áo dài lụa là một trong những loại áo dài được phái đẹp ưa chuộng nhất vào dịp Tết đến. Là một trong những nhà thiết kế am hiểu về áo dài, nhất là chất liệu lụa, nhà thiết kế Lương Minh Sơn đã chia sẻ những bí quyết để bảo quản loại áo dài đẹp mắt và không khó để giặt giũ này như sau:
– Phân loại vải áo lụa và giặt riêng để tránh phai màu. Nhúng áo lụa vào trong nước ấm, có hòa xà phòng, tối đa trong 5 phút. Đảm bảo nước có độ ấm vừa phải. Nước quá nóng (quá lạnh) khiến đồ lụa bị giãn ra (hoặc co rút lại). Lấy xà phòng chà nhẹ vào vết bẩn trên áo. Tránh chà xát mạnh tay vì nó có thể làm hỏng áo.
Để bảo quản áo dài bằng lụa, cần phân loại vải áo lụa và giặt riêng để tránh phai màu
– Tráng lại đồ lụa với nước pha 40ml dấm trắng. Dấm pha nước giúp loại bỏ xà-phòng và khôi phục độ bóng cho lụa. Với lần giặt cuối, hãy dùng nước lạnh. Cho áo ra khỏi chậu và bóp nhẹ đồ lụa. Sau đó, đặt áo dài lụa nằm thẳng trong chiếc khăn tắm to. Khăn tắm giúp hấp thu nước dư thừa và không làm quần áo bị nhàu do phải vắt.
– Cuối cùng, phơi áo lụa ở nơi thoáng gió, không có ánh nắng trực tiếp.
Lưu ý:
– Không cho nước hoa, chất cồn vào đồ lụa khi giặt vì chúng khiến đô lụa lâu khô và nhanh mất màu.
– Nên ủi ở mặt trong của áo. Điều chỉnh độ nóng trên bàn ủi ở mức vừa phải. Nhiệt độ cao có thể làm hỏng lụa.
– Không dùng chất tẩy để giặt đồ lụa. Chất tẩy sẽ mài mòn và làm hỏng đồ lụa
3. Áo dài satin
Để giữ gìn áo dài bằng chất liệu satin được lâu nên giặt tay và giặt riêng, không ngâm chung với quần áo nhiều màu khác. Đồng thời, khi giặt không nên vò mạnh hoặc vắt, có thể giặt vải với nước ấm có pha một chút amoniac rồi nhúng trở lại vào hỗn hợp dấm đường, sau đó trải ra mặt phẳng, vuốt phẳng và phơi khô.
Tránh phơi áo dài trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Khi mới mua về nên bỏ một ít muối vào nước giặt lần đầu để giảm sự phai màu của vải.
4. Áo dài gấm
Đối với áo dài gấm, tuyệt đối không được sử dụng máy giặt mà nên giặt hoàn toàn bằng tay. Để tránh áo phai màu và bền đẹp, bạn có thể giặt tay bằng dầu gội đầu nhưng cách tốt nhất là giặt khô, ủi hơi.
Áo dài gấm nên giặt hoàn toàn bằng tay, và ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh
Nếu giặt tay, nhiệt độ nước nên vừa phải, khoảng 30 độ. Không nên giặt quá nóng, sẽ bị mất độ bóng, còn quá lạnh sẽ làm vải bị co lại.
Khi phơi cần lộn quần áo phía trong ra ngoài. Chọn chế độ vải lụa khi ủi, nếu không có hãy trải một lớp vải mỏng lên và ủi như bình thường.
5. Áo dài phi bóng
Vải phi bóng thường không thấm hút mồ hôi, nhiều poly, bề mặt vải dễ bị trầy xước. Vì thế, bạn không nên tác động mạnh tới loại vải này.
Nhược điểm của áo dài bằng phi bóng là bề mặt dễ bị xước, do đó, cần chú ý trong việc giặt giũ loại vải này
Nếu giặt bằng máy nên giặt bằng dung dịch và xả nhiều nước. Nếu giặt bằng tay nên xả nhiều nước. Trường hợp áo dài của bạn có những vết loang, bạn có thể áp dụng một trong hai cách sau:
– Dùng nước cốt chanh xát vào những chỗ bị loang vết bẩn rồi xả lại bằng nước.
– Dùng alcool 90 độ pha với nước rồi giặt bình thường.
Lưu ý chung: Đối với những mẫu áo dài có đính đá kết cườm, kết kim sa, kim tuyến… các bạn nên giặt bằng tay để đảm bảo những họa tiết hoa văn được đính không bị bong tróc, giữ được độ bền, sự nguyên vẹn ban đầu.
Theo Dân Việt