Bạn biết rồi đấy, kì nghỉ lúc nào cũng kết thúc một cách chóng vánh, trước cả khi ta kịp nhận ra.
Lần nào cũng vậy, cảm nhận chung của tất cả chúng ta trong những ngày đầu năm đều là: Xin hãy trả lại Tết cho tôi. Tết đến và đi như một cơn gió, chớp mắt một cái là bỗng thấy mình đang ở trường/công ty ngáp rồi.
Tất nhiên, Tết ngắn là phải rồi. Chúng ta phải đợi 359 (hoặc 360) ngày mới được 7 ngày nghỉ lễ lần này. Tuy nhiên, vẫn còn một lý do nữa khiến Tết cứ vùn vụt trôi, đó là cảm nhận bản năng của con người.
Với yếu tố này, một phút có thể trở nên vô tận khi đợi đèn đỏ, nhưng trong giờ kiểm tra thì nhanh hơn… chó chạy ngoài đồng.
Vì sao lại có nghịch lý như vậy?
Theo Michael Flaherty, giáo sư Xã hội học tại ĐH Eckerd (Mỹ), khi bạn làm những việc mang tính chất lặp đi lặp lại hàng ngày, bạn cảm thấy thời gian trôi qua nhanh chóng mà không để ý.
Để học một điều mới cần sự tập trung cao độ, trong khi luyện tập những gì quen thuộc không đòi hỏi sự chú ý quá nhiều vào những việc mình đang làm.
Ví dụ như bạn lơ đãng đi bộ về nhà trên con đường quen thuộc mà không để ý thời gian đang trôi chẳng hạn.
Những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại khiến thời gian trôi qua nhanh hơn
Trong một nghiên cứu khác, Michael Flaherty yêu cầu mọi người mô tả sự trôi nhanh chậm của thời gian. Họ thường trả lời rằng họ cảm thấy năm trước có vẻ trôi nhanh hơn tháng trước, trong khi tháng vừa rồi lại trôi nhanh hơn hôm qua.
Nguyên nhân của việc này là do những kí ức trong quá khứ dần dần phai mờ khiến cho bạn cảm thấy thời gian vào lúc đó trôi nhanh hơn bình thường.
Sự thực, trí nhớ của chúng ta phai mờ dần theo thời gian và nó sẽ không còn chỗ cho những sự kiện quá bình thường. Chắc chắn bây giờ nếu hỏi rằng ngày này tháng trước bạn đang làm gì thì bạn sẽ không trả lời được trừ khi hôm đó có một dịp gì đó quá đặc biệt.
Bạn cũng có thể thấy thời gian “lết” về đích sên
Giáo sư Michael Flaherty đã sưu tầm nhiều tình huống khác nhau khi con người cảm thấy thời gian trôi chậm chạp. Chúng được phân thành 6 nhóm như sau:
Nhóm 1: tình huống chịu đựng hoặc sảng khoái mức độ cao, ví dụ như khi bị tra tấn hay cảm giác sung sướng liên quan đến tình dục.
Nhóm 2: tình huống bạo lực và nguy hiểm. Những người lính thường mô tả thời gian dường như chậm lại khi họ đang chiến đấu ở chiến trường.
Nhóm 3: tình huống chờ đợi và chán nản. Sự cô đơn chán chường của tù nhân hoặc của nhân viên thu ngân trong một cửa hàng không có khách là những ví dụ điển hình trong trường hợp này.
Khi nào thì mới bóc hết lịch đây…
Nhóm 4: tình huống rơi vào trạng thái không tỉnh táo (như khi đang “phê” thuốc, bị ảo giác bởi ma túy hoặc các chất kích thích khác).
Nhóm 5: tình huống đang tập trung cao độ hoặc đang thiền.
Nhóm 6: tình huống gây shock hoặc được trải nghiệm những điều điều mới lạ.
Trong những trường hợp trên, “mật độ” cảm nhận sự việc của chúng ta có vẻ dày hơn bình thường, nghĩa là ta cảm nhận được nhiều thứ hơn trong một đơn vị thời gian.
Khi có một điều gì đó đặc biệt quan trọng đang diễn ra, ta sẽ cảm nhận nó một cách rất “sâu” (ví dụ như người lính đang ở chiến trường chẳng hạn). Độ “sâu” này phụ thuộc vào mức độ thường xuyên mà tình huống xảy ra. Chúng ta dành một sự tập trung cao độ cho những điều mới lạ. Do đó, thời gian dường như ngừng trôi, mọi thứ xung quanh không còn ý nghĩa.
Trải nghiệm những điều mới lạ khiến cho thời gian dường như ngừng trôi
Điều này tương tự trong trường hợp gần như không có việc gì đang diễn ra (như ở ví dụ tù nhân và thu ngân) bởi vì chúng ta lấp đầy khoảng thời gian tưởng chừng như trống rỗng đó bằng sự suy tư về hành động của chính mình hoặc những điều đang diễn ra xung quanh, nghĩ về sự chán nản mà ta đang lâm vào hoặc đôi khi trở nên ám ảnh về việc sao mà thời gian trôi qua chậm thế.
Khi nào mới đến giờ về đây