Một số người trách Aiden đã quá dại dột khi không có lấy một người hỗ trợ hay thiết bị nào đi cùng. Tuy nhiên, đó lại chính là “luật” của một bộ môn thể thao.
Thời gian gần đây, câu chuyện về phượt thủ người Anh Aiden Webb không may thiệt mạng khi chinh phục đỉnh Fansipan đang trở thành một đề tài được bàn tán sôi nổi của giới trẻ. Người thương tiếc, người thì trách Aiden đã quá dại dột khi không có lấy một người hỗ trợ nào đi cùng, đồng thời chẳng đem theo bất kỳ vật dụng cần thiết nào cho một chuyến leo núi.
Tuy nhiên, trên thực tế việc phải chuẩn bị thật cẩn thận trước khi leo núi là điều chắc chắn ai cũng biết. Còn Aiden, anh không làm như vậy là vì đã lựa chọn chinh phục “nóc nhà Đông Dương” bằng một môn thể thao vô cùng mạo hiểm: free solo climbing.
Những bức ảnh được chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Aiden cho thấy anh chơi Free soloing.
Free solo climbing – môn thể thao “đánh cược với tử thần”
Free solo climbing (còn gọi là free soloing) – cụm từ này chắc hẳn lạ lẫm với nhiều người trong chúng ta. Cũng không có gì khó hiểu vì ngay cả ở nước ngoài, bộ môn thể thao này cũng không được phổ biến, đơn giản vì nó quá nguy hiểm, nguy hiểm đến mức… điên rồ.
Nó nguy hiểm ngay ở cái tên. Free solo climbing – tức là leo núi một mình (solo), và leo bằng… tay không (free). Đây là bộ môn thể thao người chơi leo núi mà không cần bất kỳ vật hỗ trợ gì, kể cả dây thừng, dây móc, hay đồ bảo hộ khác. Hoàn toàn chỉ dựa vào sức lực của bản thân, cùng một túi bột magie nhằm tăng độ ma sát cho ngón tay.
Aiden cùng đầu ngón tay phủ bột magie
Và như để giễu cợt những người leo núi thông thường, người chơi free soloing thường lựa chọn những cung đường hiểm trở, cao hơn độ cao an toàn. Tức là chỉ cần một sai sót nhỏ và rơi xuống, hậu quả sẽ là cái chết, hoặc chí ít gây ra những vết thương cực kỳ nghiêm trọng.
Nguy hiểm như vậy, nên dĩ nhiên đây không phải là môn thể thao dành cho số đông, càng không dành cho những tay mơ leo núi. Người chơi free soloing cần có một sức khoẻ vượt trội, lòng dũng cảm và quyết tâm cao. Đồng thời, họ phải có sức tập trung cao độ, loại bỏ tất cả những suy nghĩ gây cản trở để hướng về đích.
Tại sao nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm?
Aiden Webb chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gặp nạn vì bộ môn thể thao này. Tháng 8/2014, Brad Parker – phượt thủ người Mỹ đã thiệt mạng vì rơi xuống từ độ cao gần 100m. Michael Ybarra – chết khi chơi free soloing trên đỉnh Nevada vào tháng 7/2012. Hay Akihira Tawara – phượt thủ người Nhật cũng thiệt mạng với cùng nguyên nhân.
Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người đam mê free soloing dù biết rằng có thể làm bạn với tử thần bất kỳ lúc nào. Tại sao vậy?
Một số người chơi cho biết, họ có những mục tiêu của riêng mình. Họ đam mê nó vì đây là một bộ môn rất… đơn giản (nguy hiểm, nhưng đúng là đơn giản), và tốc độ chinh phục của họ. Ví dụ như Alex Honnold – người đang giữ kỷ lục chinh phục 678m núi đá Haft Dome chỉ trong hơn 2 tiếng, trong khi bình thường phải mất vài ngày. Ngoài ra, họ thích cảm giác phấn khích do adrenaline – hormone kích thích do cơ thể sản sinh ra – mang lại.
Theo Jeremy Samson – một nhà leo núi giàu kinh nghiệm người Nam Phi: “Free soloing là cách loại bỏ những gợn trong suy nghĩ, và giải phóng tâm hồn. Phần thưởng của hành trình sẽ là khả năng chống lại nỗi sợ và sự lo lắng trong tinh thần.”.
Còn theo Adnan Awad – một người chơi free soloing lâu năm: “Leo núi một mình là cách để bạn hoàn toàn kiểm soát cơ thể, tâm trí, và tận hưởng chuyến đi của riêng mình. Sự tận hưởng có thể bị gián đoạn vì dây thừng và những vật dụng bảo hiểm khác. Chúng chỉ đem lại sự bất an”.
Kết
Free soloing xét cho cùng chỉ là một bộ môn thể thao, nên tham gia hay không là quyền lựa chọn của mỗi người. Thế nhưng, chúng ta vẫn không thể phủ nhận một thực tế rằng đây là bộ môn thể thao quá nguy hiểm, ngay cả đối với những nhà leo núi cừ khôi và giàu kinh nghiệm nhất. Trên thực tế, bản thân Aiden cũng là một nhà leo núi giàu kinh nghiệm.
Free soloing – môn thể thao không dành cho tất cả mọi người. Hãy suy nghĩ thật kỹ nếu muốn dấn thân vào bộ môn này, vì như có người đã nói: “Đi là để trở về, không phải để chết”.
Nguồn: Outside, The Daily Beast