Ít ai ngờ rằng, ẩn giấu đằng sau chòm sao Gemini và trận mưa sao băng đẹp nhất năm này là 1 câu chuyện ly kỳ, ấm áp đến thế.
Người ta thường nói khi có sao băng rơi, những điều ta ước sẽ trở thành sự thật.
Tin tôi đi, vào đêm 13, rạng sáng ngày 14/12 tới đây, bạn và tôi sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm giác ước mệt nghỉ với trận mưa sao băng Geminids. Theo ước tính, ở điều kiện trời quang, bạn có thể nhìn thấy tới 60 – 120 vệt sao băng/giờ cơ đấy!
Theo các chuyên gia thiên văn học, Geminids là cơn mưa sao băng cuối cùng trong năm nhưng cũng là cơn mưa đáng chờ đợi bậc nhất. Bởi về bản chất, mưa sao băng Geminids vốn là các mảnh thiên thạch của sao chổi 3200 Phaethons bay vào khí quyển Trái đất.
Quỹ đạo sao chổi 3200 Phaethon
Do nằm ở khu vực trung tâm của chòm sao Gemini (hay chòm sao Song Tử) – nên trận mưa sao băng này có tên là Geminids.
Theo thần thoại Hy Lạp, chòm sao Song Tử tượng trưng cho hình ảnh hai vị anh hùng Castor và Pollux – con trai thần Zeus – chúa tể của 12 vị thần trên đỉnh Olympus.
Truyện kể rằng, vào một đêm nọ, khi nữ hoàng Leda của thành Sparta đang ngủ say, thần Zeus đã hóa thân thành một con thiên nga và lẻn vào ngủ cùng, sinh ra hai anh em song sinh Castor và Pollux.
Castor và Pollux giống nhau như 2 giọt nước – ngay cả mẹ Leda cũng không phân biệt được. Chúng là hai đứa trẻ dũng cảm, yêu thương lẫn nhau và gần như có thể thấu hiểu được suy nghĩ của nhau.
Castor và Pollux là 2 ngôi sao rực sáng nhất chòm sao Gemini.
Ở trên đỉnh Olympus, nhìn thấy các đứa con của mình lớn lên, Zeus có ý muốn ban tặng cho chúng sức mạnh vô biên – đó là sự bất tử. Tuy nhiên, dù là thần thánh nhưng Zeus cũng có lúc mắc sai sót – Zeus ném được quả cầu sức mạnh trúng Pollux, nhưng với Castor thì lại bị hụt. Bởi vậy, không 1 vết thương nào có thể làm hại Pollux nhưng Castor thì chỉ giống người phàm mà thôi.
Sau này, hai anh em cùng nhau nổi danh khi lập được nhiều chiến công hiển hách. Bất kể khi nào, hai anh em luôn luôn tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, trong một trận đánh, Castor không may bị thương và tử trận.
Trong nỗi buồn vô hạn, Pollux đã cố gắng tự sát theo anh mình. Nhưng khác với Castor, Pollux là một chiến binh bất tử. Pollux đau đớn thốt lên với cha Zeus mong muốn được chết thay Castor.
Zeus thương hai anh em nên đã đồng ý đưa cả 2 bay lên bầu trời, cho họ thay phiên nhau mỗi người được sống một ngày và đưa cả hai cùng bay lên bầu trời, hóa thành chòm sao Song Tử.
Vị trí tâm điểm mưa sao băng Geminids
Mỗi ngày trôi qua, một người sẽ được sống trên thiên đàng và là ngôi sao được tỏa sáng, ngôi sao còn lại không sáng vì người kia lúc ấy đang ở trần gian. Cũng kể từ đó chòm sao này được coi là biểu tượng cho tình bạn, tình anh em bất diệt.
Trong khoảng thời gian giữa tháng 12 này, chòm sao này luôn hiện hữu giữa bầu trời đêm. Tuy nhiên, thời gian đạt đỉnh của mưa sao băng Geminids này sẽ vào đêm 13, rạng sáng ngày 14/12. Từ 22h ngày 13/12, người yêu thích thiên văn có thể bắt đầu quan sát hiện tượng, nhưng lý tưởng nhất vẫn là sau nửa đêm khi Gemini đã lên cao.
Chòm sao sẽ xuất hiện ở hướng Đông lúc nửa đêm, lên đỉnh vào khoảng 1h sáng rồi sau đó lùi dần về bầu trời phía Tây.
Thêm một điểm thú vị của trận mưa sao băng Geminids lần này đó là sự xuất hiện của các quả cầu lửa “gặm Trái đất” (Earthgrazer).
Hay nói đơn giản hơn, chúng chính là các vệt sao băng phát sáng bay ngang, rất chậm và gần như trùng lặp vào đường chân trời. Bởi vậy, bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng rực rỡ bậc nhất năm này nhé!
Để ngắm được trọn vẹn trận mưa sao băng này, hãy làm theo những lời khuyên của các chuyên gia thiên văn học dưới đây:
– Không cần sử dụng tới kính thiên văn, bởi mắt thường quan sát trận mưa này sẽ thú vị và chân thực hơn.
– Khoảng thời gian nửa đêm về sáng là thời điểm lý tưởng nhất.
– Đứng ngoài trời đêm trong 5 phút để mắt quen với bóng tối. Nếu đếm được trên 50 ngôi sao trên bầu trời, đó là dấu hiệu trời quang mây và cho phép bạn ngắm sao băng.
– Chọn địa điểm phù hợp, tránh xa nơi có ánh sáng nhân tạo hay ngay dưới ánh trăng.
– Mặc áo ấm cẩn thận bởi thời điểm về đêm rất lạnh.
Nguồn: Earthsky, Wikipedia