.
.

Gỏi cá chép nội hoàng: Đặc sản của vùng quê


Khi ăn ta có thể gói lá thuốc cuốn cùng gỏi cá, lòng xào hoặc có thể lấy lá bánh đa nem để gói cũng được…Tất cả hòa quện, pha trộn tạo lên một hương vị chua, cay, dòn, ngọt, đậm, bùi nơi đầu lưỡi.

Việt Nam là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển, hình ảnh đất nước con người Việt nam luôn gắn liền với luỹ tre xanh, cây đa giếng nước sân đình. Những hình ảnh đó luôn là đề tài bất tận cho các nhà thơ, nhà văn sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, nói đến người dân Việt người ta thường liên tưởng đến hình ảnh đầm ấm sum vầy của bữa cơm gia đình ấm ấp yêu thương với những món ăn đơn xơ mà hấp dẫn đậm chất quê nhà. Từ đó, đã hun đúc và tạo nên một nền văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo hấp dẫn du khách gần xa.

Từ thủa xa xưa ông cha ta để lại với những món ăn truyền thống dân dã, bắt nguồn từ thiên nhiên được bàn tay lao động cần cù của người nông dân tạo ra. Người xưa có câu “cơm cà gia bản” luôn được thể hiện những món ăn giản dị thường ngày nhưng vô cùng độc đáo, hấp dẫn với những nét rất riêng của con người Việt Nam. Hầu hết các món ăn truyền thống bắt nguồn những vật nuôi, cây trồng, cây nhà lá vườn nhưng luôn sinh động và phong phú hấp dẫn trong mỗi bữa cơm hàng ngày của người dân Việt.

Mỗi món ăn tuy giản dị, mang đậm chất quê luôn là hình ảnh khắc sâu trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam khi đi xa xứ nhớ về quê hương.

Bắc giang là một tỉnh nằm ở phía Bắc tổ quốc với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những món ăn truyền thống và mỗi món ăn đều được chế biến theo phong cách riêng của dân tộc mình, điều đó tạo ra cho ẩm thực Bắc Giang vô cùng phong phú, đa dạng hấp. Ngày nay, du khách ngoài việc thăm quan thưởng thức cảnh ngoạn hoặc vui chơi giải trí thì được thưởng thức những món ăn sản vật đặc sắc của địa phương thường không thể bỉ lỡ. Đó là những món ăn mang đậm tính vùng miền và được chế biến phải đúng theo phương thức cổ truyền riêng có.

Xã Nội Hoàng thuộc huyện Yên Dũng, nằm ở phía Nam của tỉnh Bắc Giang, bên con sông Thương đôi dòng trong đục. Nơi đây, được thiên nhiên ban tặng các điều kiện tự nhiên hệ thống sông ngòi, hồ ao rộng khắp, những cánh đồng lúa trải dài uốn lượn, men theo dãy núi Phượng Hoàng sừng sững hiên ngang, sống khép mình bên dãy núi linh thiêng. Người dân nơi đây, luôn có truyền thống giàu lòng mến khách, sự hiếu khách được chủ nhà thể hiện qua những món ăn truyền thống của vùng, miền ven sông, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến một món ăn “ Gỏi cá Chép Nội Hoàng”. Món ăn tuy giản dị nhưng được chế biến hết sức công phu, cầu kỳ.

Ai đã một lần trong đời được thưởng thức món ăn chắc hẳn đều ấn tượng bởi vị bùi, dòn, ngọt mang đậm chất quê của món ăn này. Nguyên liệu để chế biến món này hết sức đơn giản nhưng quy trình chế biến thì vô cùng công phu, phức tạp. Việc đầu tiên là phải chọn lựa cá, cá làm gỏi phải là loại cá chép sông hoặc ao đầm không nuôi thả vì những loài cá sống ở môi truờng tự nhiên rộng lớn bao giờ thịt cũng săn chắc, trọng lượng trung bình từ 1 đến 1,5 kg là vừa vì cá to xương sẽ cứng, thịt dai, còn nhỏ quá thì thịt sẽ mủn, nhũn không làm được. Sau đó, làm sạch, đánh vẩy dùng dao thật sắc lạng lấy hai miếng thịt thăn ở bên mình cá. Bước tiếp theo cho miếng thăn cá vào bát thính gạo nếp đã được rang kỹ vàng sộm để ướp, thính khô sẽ hút hết nước nhớt và để lại vị thơm trên từng thớ thịt, xong xuôi thịt cá đem ra thái thành từng lát vừa phải trộn đều với nước gừng tươi ép và giềng tươi thái nhỏ, cho thêm chút lá chanh và muối trắng, tiếp tục trộn đều rồi lại ướp thêm cùng với thính. Bước tiếp theo quy trình là làm món lòng xào, món ăn kèm với cá, đây là món gia vị chính làm lên sự thành công của món gỏi cá, nguyên liệu để làm món này phải là cá trê ta, thịt cá lọc thành miếng thái nhỏ, xương cá trê và xương cá chép đã lọc mang ra giã nhỏ lọc bỏ hết bã, sau đó cho vào ninh với thịt cá trê bao giờ sánh đặc là được. Bước cuối cùng của quy trình là đi hái lá, lá ở đây là lá thuốc nam, ở làng quê Việt Nam cây thuốc bao giờ cũng luôn có sẵn, trong các vườn cây ăn trái, lá để ăn kèm với cá, đây mới là cốt lõi để kết lên những giá trị tinh hoa đặc sắc của món ăn này.

Lá thuốc bao gồm lá sắn thuyền, võng cách, vàng má, nõn chè, cúc tần, búp ổi, đinh lăng, lá và quả sung, mi chuối, chuối xanh… Khi tất cả công việc hoàn thành. Cá được trình bày ra đĩa, Lòng xào múc ra bát, lá thuốc để vào kế bên, trong mâm, thêm bát nước chấm chanh ớt, tùy theo khẩu vị người ăn. Khi ăn ta có thể gói lá thuốc cuốn cùng gỏi cá, lòng xào hoặc có thể lấy lá bánh đa nem để gói cũng được…Tất cả hòa quện, pha trộn tạo lên một hương vị chua, cay, dòn, ngọt, đậm, bùi nơi đầu lưỡi. Thưởng thức Gỏi cá không đơn thuần chỉ là một món ăn ngon, bổ, mà món ăn này còn chứa đựng bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa, nó như hội tụ đầy đủ những hương vị tinh ngon nhất của đất, của trời ban tặng cho người dân nơi đây. Đĩa gỏi cá được bầy lên chiếc mâm ăn cơm bằng gỗ cùng với chai rượu trắng nút lá chuối tỏa men cay nồng, cùng với những người bạn chi kỷ hàn huyên tâm sự, thì quả là vô cùng thú vị.

Trong cuộc sống hiện đại, bên cạnh nhưng nỗi lo toan, bộn bề công việc, có gì hơn khi được tận hưởng những giây phút thư giãn, được đắm mình trong một không gian yên bình, được tận hưởng không khí của một vùng quê đầm ấm, bên dòng sông êm đềm với những làn điệu dân ca, đằm thắm đắm say lòng người, được thưởng thức những món ăn truyền thống mà ông cha ta để lại từ ngàn xưa. Những món ăn tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng nó đã tạo nên dáng hình của làng quê Việt Nam. Dù bất cứ ai đã từng được sống trong những khoảng khắc như vậy, chắc hẳn sẽ luôn có cảm nhận càng thêm mến yêu cuộc sống, con người và làng quê Việt dấu yêu. Để duy trì tồn tại và phát triển những sản vật là đặc sản truyền thống của địa phương, mỗi con người chúng ta cần phải biết tôn vinh, gìn giữ và phát huy những giá trị của nó, đó cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của con người Việt Nam cho thế hệ mai sau./.



Bài viết cùng chuyên mục