Trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ chết. Nhưng uống nước thế nào để không chết?
Mọi người đều nghĩ (và được nghe khuyên nhủ hằng ngày) rằng uống nhiều nước tốt cho cơ thể. Vậy uống bao nhiêu mới là tốt, uống bao nhiêu thì được gọi là quá nhiều và có thể gây nguy hiểm sức khỏe?
Từ những triệu chứng đáng sợ
Một người phụ nữ 59 tuổi ở Anh đã phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Cô đã uống rất nhiều nước, cứ mỗi 30 phút lại nạp vào người khoảng nửa lít nước với niềm tin rằng “mình đang thanh lọc cơ thể”.
Tuy nhiên điều này khiến cho nồng độ muối trong máu giảm mạnh, và sự thật là nếu để lâu hơn sẽ dẫn đến tử vong. Đó chính là hiện tượng “ngộ độc nước”.
Tạp chí tường thuật tình trạng bệnh nhân nữ trên sau khi nhập viện: “Sau khi đến phòng cấp cứu, người phụ nữ này rơi vào tình trạng rối trí và run rẩy liên tục. Cô ấy nôn vài lần và gặp khó khăn khi nói chuyện.”
Run rẩy là triệu chứng đầu tiên
“Tôi có một kí ức mù mờ về những việc đã diễn ra. Tôi nhớ rằng người ta đã hỏi tôi điều gì đó, nhưng có vẻ như tôi không thể đáp lời và cảm thấy rất khó chịu. Gia đình tôi tỏ ra rất tuyệt vọng, việc đó khiến tôi cảm thấy hoảng sợ hơn là những gì xảy ra với tôi, nhưng lúc đó tôi thực sự không hiểu việc gì đang diễn ra nữa” – bệnh nhân cho biết.
“Tôi nhớ tay tôi run rẩy không dừng được, và tôi nhận ra là cả cơ thể tôi cũng đang run lên”.
Đến những biến chứng nguy hiểm khi uống quá nhiều nước
Ngộ độc nước là một triệu chứng được ghi nhận khá phổ biến ở những người chơi những môn thể thao đòi hỏi sức bền bỉ cao và khi sử dụng một số loại thuốc nhất định, bao gồm MDMA – một loại thuốc có khả năng khiến bạn cảm thấy cực kì khát nước.
Ngộ độc nước có thể ảnh hưởng đến não
Tuy nhiên, tình trạng có thể dẫn đến chết người với những triệu chứng như chóng mặt, nôn mửa hoặc đau đầu. Thậm chí những trường hợp ngộ độc nước nặng có thể dẫn đến mất trí, co giật, sưng phồng não, hôn mê sâu và cuối cùng là chết.
Bệnh nhân có nồng độ muối trong máu thấp bất thường do ngộ độc nước có tỉ lệ tử vong khoảng 30%.
Bác sĩ Laura Christine Lee và Maryann Noronha trả lời Tạp chí Y học Anh rằng: “Chúng tôi thường khuyên bệnh nhân uống nhiều nước khi họ bệnh. Nhưng liệu bệnh nhân có hiểu đúng ý chúng tôi muốn nói không? Liệu có bệnh nhân nào lại gặp nguy hiểm với lời khuyên tưởng chừng vô hại này không?”
Bao nhiêu là đủ?
Bác sĩ Imran Rafi, trưởng viện sáng chế và nghiên cứu tại ĐH Royal cho biết, giữ mức đủ nước trong người là điều rất quan trọng nhưng không có một mức xác định nào về việc con người nên uống bao nhiêu mới là “đủ”.
Bạn cần uống đủ nước, không thiếu không thừa.
“Uống đủ nước giúp con người khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, bệnh nhân nên giữ cho cơ thể không thiếu nước khi có vấn đề về sức khỏe. Chúng ta nên khuyến khích bệnh nhân uống thêm nước khi họ có dấu hiệu mất nước như: cảm thấy khát (có thể do thời tiết hay do tập luyện thể thao), hay khi nước tiểu có màu sậm hơn bình thường“.
Trên thực tế, không có một quy chuẩn nào về việc uống nước như thế nào là đủ hay là thừa. Điều quan trọng là chúng ta cần phải giữ cho cơ thể đủ nước – và việc bài tiết nước tiểu sạch chính là một đặc điểm để nhận biết chúng ta có uống nước đủ hay không.
Uống đủ nước thôi, không cần uống nhiều
Nhưng nếu bạn muốn có một con số cụ thể, thì trung tâm Y tế cộng đồng Anh đề xuất rằng nên uống từ 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Đối với người Việt Nam, lượng nước mỗi người nên nạp vào cơ thể mỗi ngày được khuyến cáo là từ 1,2 đến 2 lít. Nhưng nếu bạn lao động hoặc chơi thể thao thì nên uống nhiều hơn một tí để bù đắp lượng nước đã mất.