.
.

Kỳ bí, hoang sơ như Loango


Dù đến thăm Gabon không phải là hành trình dễ tiếp cận nhưng khi đặt chân tới nơi đây, du khách đến từ châu Á như chúng tôi sẽ thấy mình được đền đáp xứng đáng. Từng là thuộc địa của Pháp, đã vượt qua những cuộc tranh chấp với các nước Tây Phi, đất nước này nổi tiếng với nhiều loài động vật hoang dã đặc chủng và hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn với du lịch xanh trong tương lai.

ky-bi-hoang-so-nhu-loango-ivivu-1

Mặc dù vượt xa nhiều láng giềng đang bị chiến tranh tàn phá, du lịch tại Gabon vẫn còn tự phát, phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và thiếu thốn. Bên ngoài thủ đô Libreville, khoảng 85% diện tích của Gabon vẫn là rừng và có đến 20% các loài thực vật ở đây không tìm thấy được ở nơi nào khác trên trái đất. Gabon là một thiên đường chưa được khám phá của rừng rậm, của những bãi biển, những dòng sông và phong cảnh hoang sơ tuyệt mỹ.

Libreville – Thành phố tráng lệ bên sông Komo

Thủ đô Libreville là thành phố lớn nhất của Gabon với khoảng 1 triệu dân (chiếm 2/3 dân số cả nước), nằm ở phía tây Gabon, bên bờ Đại Tây Dương, sở hữu một bến cảng thương mại bên sông Komo, gần vịnh Guinea, nơi gỗ là hàng hóa chủ yếu được chuyển từ các nơi về.

Libreville chịu ảnh hưởng nhiều từ lối kiến trúc Pháp nên có thể bắt gặp ở đây những công trình xây dựng, các di tích được thiết kế đúng theo phong cách Pháp.

Các bãi biển trải dài là địa điểm thích hợp cho những cuộc pinic cuối tuần. Đây cũng là thành phố có giá cả đắt đỏ nhất trên thế giới đối với du khách quốc tế.

 Bãi biển chiều cuối tuần

Thông thường, những nơi có dầu mỏ thì mặt đất khô cằn, vậy mà được thiên nhiên ưu đãi, dù là nước xuất khẩu dầu lửa (thành viên chính thức của tổ chức OPEC), Gabon được mệnh danh là “lá phổi thứ hai” của thế giới. Mùa hè là mùa dễ chịu nhất ở Libreville, nhiệt độ ban ngày chẳng mấy khi vượt quá 25 độ C. Tuy cũng có những lúc hơi oi ả nhưng Libreville vẫn thu hút được rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi.

Ở Gabon, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức. Trẻ em học tiếng Pháp từ lớp vỡ lòng. Tầng lớp trí thức phần đông được đào tạo tại Pháp. Ở khách sạn, chúng tôi cũng ngạc nhiên khi nghe người phục vụ cho biết trái cây, rau xanh để chế biến món ăn cho thực khách dùng hằng ngày được chở bằng… máy bay từ Pháp sang!

Trụ sở Quốc hội Gabon được xây dựng trên một ngọn đồi, cách trung tâm thành phố chừng 15 phút xe hơi. Nơi ấy đồng thời là trung tâm hội nghị quốc tế, mang tên rất hay: “Thành phố của nền dân chủ”.

Từ khách sạn, chúng tôi đi qua con đường có đoạn chạy men một dãy tường đồ sộ, oai nghiêm lượn theo địa thế chập chùng, bao quanh mấy quả đồi để đến thăm điểm sáng đó. Trước cổng lớn có những người lính mặc áo rằn ri đứng gác. Nghe nói đó là nhà riêng của thủ tướng, nhà riêng chứ không phải tư dinh vì đó là tài sản riêng, còn tư dinh là nơi gia đình thủ tướng sinh sống hằng ngày và là công thự của Nhà nước còn hoành tráng hơn nhiều.

Những người Gabon mà chúng tôi gặp ở đường phố đều nhiệt tình, xởi lởi. Đặc biệt ở đây không hề thấy cảnh ăn xin. Lái xe taxi cũng không xin tiền boa.

Dọc bãi biển, vài chiếc xe tư nhân kiên nhẫn nằm chờ đón khách du lịch. Dưới bóng râm của rặng bàng, những chiếc xe đẩy bán đồ giải khát bình dân như nước dừa, nước ngọt đóng chai, bia… với vẻ thanh nhàn dễ chịu.

Hàng cột gỗ trong nhà thờ Saint Michel

Nhà thờ Saint Michel là một địa chỉ thú vị ở Libreville, nổi tiếng vì có 31 cột gỗ điêu khắc mô tả các câu chuyện trong kinh thánh do một nghệ nhân Gabon mù tạo nên.

Đường vào chợ Mont-Bouet

Ở Libreville có hai khu chợ náo nhiệt là Nkembo và Mont-Bouet, nơi mà chúng tôi tha hồ ngắm và chọn mua các tác phẩm điêu khắc bằng đá được sản xuất theo thị hiếu của du khách cũng như các sản phẩm truyền thống địa phương, từ mặt nạ thổ dân bằng gỗ đến bình gốm, tượng gỗ, nhạc cụ dân tộc, đồ da…

Khu bảo tồn quốc gia Loango

Vườn quốc gia Loango mới chính là điểm đến đặc sắc nhất của Gabon cũng như của châu Phi. Đây là nơi bảo tồn nhiều bãi biển hoang sơ dài hàng chục cây số gần những phá nước ngọt và rừng rậm xích đạo.

Nhưng điều thật sự làm cho các bãi biển ở Loango độc đáo là những con thú đi dọc theo bãi cát – hà mã, voi rừng, trâu, báo, khỉ đột, những chú rùa da (rùa luýt) bò lên cát đẻ trứng, có lúc du khách còn nhìn thấy cá voi bướu phun nước dọc bờ biển.

Hà mã “lướt sóng” là một cảnh thú vị trên bãi biển dọc khu bảo tồn Loango

Flip Nicholson – hướng dẫn viên người Zimbabwe có giọng Pháp rất chuẩn đưa chúng tôi đi dọc sông bằng con thuyền nhỏ tám chỗ ngồi. “Hơi thô sơ một chút nhưng không sao đâu. Tôi tin là những điều hấp dẫn sắp xuất hiện trong chuyến đi sẽ khiến các bạn hài lòng” – anh cười tươi khi thấy có người trong đoàn tỏ ý hơi lo ngại.

Thuyền đi ngược dòng nước, dọc bờ sông mọc nhiều dây leo rậm rạp, phía sau là rừng cây âm u có vẻ bất khả xâm phạm. Lúc đầu, chúng tôi cứ ngỡ đây là một tour ngắm chim vì cứ cách vài mét lại gặp một chú bói cá, vô số diệc, cò, kền kền, cọ dầu… Thi thoảng lại có một con đại bàng cá hay chim chân vây châu Phi băng ngang qua.

Chú voi rừng với đôi tai to tròn

“Thật duyên dáng!” – anh bạn đi cùng thốt lên khi thấy một con heo rừng màu hung đỏ với đôi tai vểnh lông lá, hàng ria mép dài trồi lên từ bờ sông khịt mũi nhìn chúng tôi, sau đó vụt chạy vào rừng. Tôi nghĩ bụng ai lại khen một con heo rừng duyên dáng bao giờ. Khi gặp một bầy trâu rừng, sự việc cũng diễn ra tương tự, cả đàn quay nhìn chúng tôi với đôi tai vểnh cao cảnh giác rồi rùng rùng bỏ chạy khi thấy người.

Kể ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi động vật nơi đây rất cảnh giác với con người. Công viên Quốc gia chỉ mới ra đời từ năm 2002, khi Tổng thống Bongo Ondimba nhận ra sự lệ thuộc quá mức của nền kinh tế vào nguồn dầu mỏ – thứ tài nguyên sẽ bị cạn kiệt dần dần.

Với sự phong phú của động vật hoang dã, đặc biệt là giống khỉ đầu chó, thảm thực vật trù phú và độc đáo của miền rừng nhiệt đới châu Phi, du lịch là chìa khóa cho nền kinh tế còn nghèo của Gabon. Ông nói: “Gabon có tiềm năng trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương muốn xem những kỳ quan thiên nhiên còn sót lại trên quả đất”.

Mười ba công viên quốc gia ra đời. Săn bắn là một hoạt động bình thường ở nước này, vì thế đã có một số ý kiến chống đối khi Nhà nước quy hoạch nhiều vườn quốc gia. Cách giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích lớn lâu dài và lợi ích nhỏ trước mắt là chính quyền chọn những tay thợ săn khét tiếng thuê họ làm bảo vệ rừng quốc gia. Chính họ là những người hiểu rõ thiên nhiên ở đây hơn ai hết và trở thành đội ngũ gìn giữ rừng tuyệt vời.

Đàn trâu rừng ở trảng cỏ tiếp giáp giữa khu bảo tồn và bờ biển

Vài con cá sấu đang phơi mình như những khúc gỗ trôi dọc sông, trong khi các chú hà mã nhanh chóng lặn xuống nước khi thuyền tới gần. Vừa qua một khúc quanh của con sông, chúng tôi lại chạm trán một con voi đực. Giống voi ở đây khác đồng loại ở miền Đông và Nam châu Phi. Chúng nhỏ con và có vẻ nhút nhát hơn, có đôi tai rất to, tròn trịa và cặp ngà thẳng ánh hồng.

Bằng thứ tiếng Anh không trôi chảy lắm, Flip cố gắng giải thích cho chúng tôi tên cũng như đặc điểm sinh học từng loài cũng như cách nhận biết một con bói cá đực. Anh ấy gây ấn tượng bằng cách cố giải thích bằng cả tiếng Anh và Pháp cho chúng tôi hiểu đó là một con gà lôi nước đực đang ấp trứng chứ không phải con mái. Chúng tôi rất tiếc vì vốn tiếng Pháp của mình không đủ để vận dụng trong chuyến đi này.

Trekking xuyên rừng

Những kỹ năng của một cựu thợ săn tỏ ra rất hữu dụng trong chuyến trekking xuyên rừng vào sáng hôm sau. Anh Ferre – hướng dẫn viên của Công viên Quốc gia dắt chúng tôi băng qua rừng để ra bờ biển.

Chuyến đi kéo dài khoảng năm giờ, xuyên qua dải rừng âm u. Chọn lối đi theo dấu vết của những đoàn trước để lại, anh vừa chỉ cho chúng tôi tránh chướng ngại trên đường, vừa kể vanh vách tên của nhiều loài cây và công dụng của chúng.

Thế giới thực vật đầy mới mẻ ngay trước mắt chúng tôi. Đây là cây okume có gỗ dùng để đẽo xuồng độc mộc, còn nhựa được dùng trong các nghi lễ truyền thống. Kia là cây niovu có chất sát trùng được các sản phụ dùng khi sinh nở.

Loài cây quý hiếm đặc biệt mang tên ifero khiến chúng tôi phải quan sát lâu hơn vì luôn mang lại may mắn cho mọi người. Người dân địa phương tin rằng cây này có thể giúp kiếm một công việc phù hợp hơn, có thu nhập cao hơn hoặc giúp tìm được người bạn đời như ý…

Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một bầy khỉ đầu đỏ, khỉ mũi đốm, linh dương. Trâu, voi và heo sông quả là rất sẵn. Khi Ferre chỉ vào một cây lớn, chúng tôi kịp thấy một gia đình tinh tinh. Nhanh chóng phát hiện ra người không trong cùng thế giới của mình, chúng lập tức nghi ngờ và chuyền đi thoăn thoắt trên các cành cao.

Ngôi nhà trên cây của đoàn phim BBC

Trong chuyến đi, chúng tôi cũng kịp đến thăm một ngôi nhà trên cây, nơi đoàn làm phim tài liệu của BBC từng đến làm phim về khỉ đầu đỏ. Để lên được nhà, chúng tôi phải leo qua một cái thang bằng gỗ rất ọp ẹp và vượt qua một lối đi làm bằng lưới và dây thừng. Có cảm giác rất dễ bị rơi xuống đất nhưng không ai gặp trục trặc gì và trải nghiệm đó cũng được mọi người xác nhận là thú vị không kém những gì đã khám phá được ở đất nước Gabon xa lạ này.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn



Bài viết cùng chuyên mục