Ẩm thực Hàn Quốc nổi tiếng với các món ăn có vị cay, song hiếm ai biết được nguyên do thực sự mà người Hàn ăn cay nhiều là để… giảm stress!
Theo như trang Korea JoongAng Daily, từ tiếng Anh được người Hàn sử dụng nhiều nhất là chữ “stress”. Trang này cũng cho hay stress ở Hàn Quốc là một vấn đề không của riêng ai, vậy nên người Hàn có rất nhiều cách để đối phó, từ nghe nhạc, chơi thể thao cho đến… ăn những món cay xé lưỡi. Một cựu sinh viên họ Jo ở đại học quốc tế học Hàn Quốc (Hankuk University of Foreign Studies) đã nói rằng khi cảm thấy lo lắng và căng thẳng vào những ngày thi cuối kì, cô thường ăn bánh gạo cay vào đêm khuya, cho rằng món này có thể giảm stress. Đây đồng thời cũng là cách đối phó thường thấy của hội học sinh và giới trẻ Hàn Quốc mỗi khi chán nản, buồn bã hoặc áp lực.
Bánh gạo cay là món “tủ” của nhiều học sinh, sinh viên Hàn vào những ngày căng thẳng.
Trang Munchies lý giải rằng điều này là do cảm giác “đau” và “nóng cháy” trong miệng có thể được xem như một sự đánh lạc hướng, tạm thời khiến người ta quên đi những lo toan, đồng thời giúp cơ thể sản xuất ra các endorphin giúp thư giãn trong cơ thể. Có lẽ chính vì lý do này mà ta có thể tìm được rất nhiều món ăn cay phổ biến có xuất xứ Hàn Quốc. Trong số đó, hẳn phải kể đến món kim chi được xem như “quốc thực” và nổi tiếng với vị cay do có sử dụng lượng lớn bột ớt.
Ở các thành phố lớn của Hàn Quốc, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những cửa hàng gà cay san sát nhau (thành phố Suwon tỉnh Gyeonggi còn nổi tiếng với “con đường gà cay”). Mặt khác, các xe đẩy bán các món ăn vặt như bánh gạo, lẩu cay ở khắp cùng đường phố Hàn Quốc hầu như luôn mang một màu đỏ cam nóng sốt, chỉ cần nhìn cũng đã biết cay. Có thể nói, người Hàn ăn cay nhiều là một chuyện gần như ai cũng biết.
Những xe đẩy bán thức ăn đường phố của Hàn luôn có các món cay nóng sốt.
Thậm chí, người Hàn còn phân vị cay ra thành những loại cay với tính chất khác nhau như: Jiajeung (cay khó chịu), Mashi-neun (cay ngon miệng) và Siwonhan-mat (cay kiểu hạ nhiệt).
Trong đó, vị cay Jjajeung được xem như là “liều thuốc” cho các loại stress liên quan đến công việc, với nguyên lý “dĩ độc trị độc”. Vị cay Jjajeung, theo như mô tả là loại vị cay mãnh liệt sẽ khiến bạn cảm thấy cháy bỏng trong khoang miệng, có vị nồng đến mức gần như át đi hết tất cả vị khác của món ăn. Đây là loại cay có thể khiến bạn chảy mồ hôi và cảm giác khó chịu. Dường như người Hàn tin rằng sự “đau đớn” khi vừa ăn vừa cảm thấy cay này sẽ khiến bạn tạm thời quên đi tất thảy những vấn đề liên quan đến công việc. Chủ tiệm mì cay nổi tiếng của Seoul, Shingil Spicy Jjambbong đã cho hay, nhiều thực khách đến quán của ông chỉ để giảm stress bằng cách ăn thật nhiều mì cay. Phần lớn họ cho rằng chỉ cần ăn cay thì áp lực sẽ tiêu biến trong 10 phút đồng hồ ngắn ngủi.
Vị cay Jjangjeung giúp giảm stress trên nguyên lý “dĩ độc trị độc”.
Bên cạnh đó, ta còn có vị cay “thân thiện” hơn là vị Mashi-neun. Mashi-neun là từ chỉ vị cay thấm đều, chậm rãi, mang tính kích thích nhẹ nhàng khiến bạn thèm ăn thêm. Trái với Jjajeung mang tính “dĩ độc trị độc” mạnh mẽ, những món ăn Mashi-neun được xem là một dạng “comfort food”, hay món ăn an ủi tinh thần. Chính vì sự dịu dàng nhẹ nhàng này mà Mashi-neun hay được “kê đơn” cho những người thất tình hoặc cảm giác chán nản, buồn bã.
Tuy nhiên, cũng chính vì nó quá ngon nên sẽ tạo một lỗi giác kiểu “nước ấm nấu ếch”, bạn sẽ không cảm thấy nó cay cho đến khi… quá muộn. Lúc này, người Hàn có một từ để diễn tả khoảnh khắc bạn nhận ra vị cay nồng: wass-eo, nghĩa là “nó đây rồi”. Thông thường, người ta sẽ thốt lên “wass-eo!” một cách hốt hoảng khi cảm thấy vị cay xộc lên đột ngột sau một thời gian dài. Tuy nhiên, dù cay thế nào thì nó cũng không bằng Jjajeung được.
Mashi-neun, vị cay “dịu dàng” an ủi tâm hồn.
Vị cay thứ ba là Siwonhan-mat có tính hạ nhiệt. Nghe có vẻ hơi “trái khoáy” khi mà những món ăn cay thường khiến bạn cảm thấy nóng không chịu được và thậm chí còn đổ mồ hôi, tuy nhiên đây là một nguyên lí khá khoa học: khi quá nóng, cơ thể bạn sẽ tự động kích hoạt cơ chế hạ nhiệt, để khi cơn nóng qua đi thì sẽ thấy dễ chịu từ bên trong.
Đôi khi, bạn có thể sẽ nghe một người Hàn thốt lên “ah, siwon hada” (ah, thật sảng khoái) sau khi ăn một món cay xé lưỡi. Đừng ngạc nhiên bởi đây không phải chuyện gì lạ lùng cả. Từ sảng khoái này không có nghĩa “mát mẻ” về nhiệt độ, mà là cảm giác tươi mới như một hiệu ứng sau khi ăn món cay. Trong một bài luận thuộc sổ tay Journal Of Ethnic Foods (năm 2016), các nhà khoa học đã lý giải rằng: “Siwonhan-mat là cảm giác tươi mới được tạo ra khi thức ăn chạm vào các mô mềm trong miệng khi thực hiện các hoạt động nhai, nuốt và khi thức ăn được tiêu hoá trong bao tử.”
Siwonhan-mat, vị cay mang lại cảm giác sảng khoái.
Có thể thấy, dù ăn cay quá nhiều cũng không tốt và không nên ăn thường xuyên, nhưng khoa học (và cả người Hàn) đã chứng minh rằng đôi khi, cách tốt nhất để giảm stress là ăn, và tốt hơn hết là ăn cay! Lần sau nếu cảm thấy căng thẳng áp lực, hãy lập hội bạn thân rủ nhau đi ăn món gì đó cay một chút xem sao nhé.
Source (Nguồn): Korea JoongAng Daily, Munchies, Seonkyonglonge
Theo trí thức trẻ