.
.

Năm Thân kể chuyện làm ăn của những người tuổi Khỉ


Hai người nông dân cầm tinh con khỉ ở Bình Thuận từ đôi bàn tay trắng đã vươn lên làm giàu bằng những cách làm khác nhau.

Người xưa nói rằng, người đàn ông cầm tinh con khỉ có cá tính ngoan cường, không bao giờ chịu tụt hậu trong bất kỳ công việc gì; phụ nữ tuổi Thân thì giỏi công việc gia đình, nhanh nhạy trong việc kinh doanh. Họ là người nhạy bén, giàu trí thông minh, không lùi bước trước những khó khăn.

Ở làng người Chăm, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, ông Lư Văn Xuống và bà Tiền Thị Hận – những người cầm tinh con khỉ đã có nhưng cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy mỗi người một cách làm khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là xuất phát từ hai bàn tay trắng, nhưng đã có ý chí vươn lên trở thành 2 triệu phú nông dân.

Thăm mô hình làm ăn của gia đình mình, ông Lư Văn Xuống khoe vườn thanh long hơn 500 trụ đang ra búp trái vụ và sẽ cho thu hoạch vào rằm tháng 2 Âm lịch tới. Ông nói không cần đầu tư để câu bình điện hạ thế do chi phí rất cao – hơn 100 triệu đồng, mà chỉ cần mua máy phát điện hơn 10 triệu đồng. Trung bình mỗi đêm, ông tốn hơn 100.000 đồng tiền xăng để chạy phát điện chong đèn cho thanh long.

nam than ke chuyen lam an cua nhung nguoi tuoi khi hinh anh 1

Vườn thanh long hơn 500 trụ của ông Xuống đang ra búp trái vụ.

Với hơn 2 ha đất, ngoài 500 trụ thanh long, ông Xuống còn đào gần 1.000 mét vuông ao để nuôi cá trê, cá rô phi và tận dụng nguồn nước trong hồ để trồng 5 sào lúa xen canh với sen lấy hạt.

“Nhờ có nguồn nước thường xuyên từ đập Đại Ninh, gia đình đã chuyển đổi một số cây trồng cho phù hợp. Trước đâu đất chỉ biết trồng lúa, thấy giá lúa thấp gia đình đã chuyển sang trồng sen lấy hạt ở những đám ruộng trũng. Ở những đám ruộng gò khó lấy nước, gia đình chuyển đổi trồng thanh long. Làm như thế này sẽ có thu nhập thường xuyên hơn”, ông Xuống tâm sự.

Cùng với vườn thanh long, ông Xuống còn có một trại dê gần 20 con. Theo ông, việc nuôi thả dê như trước đây không còn phù hợp do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lượng cỏ ngoài đồng không đủ cho đàn dê ăn. Ông xuống quyết định nuôi dê vỗ béo bằng cách nhốt đàn dê cũng là để đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh.

Do chủ động được nguồn nước nên gia đình ông Xuống không bao giờ cho đất nghỉ, cứ hết trồng lúa ông Xuống lại chuyển sang trồng sen, xong vụ sen ông chuyển qua trồng đậu… nên quanh năm suốt tháng, mảnh vườn của gia đình ông lúc nào cũng xanh tươi.

Ông Xuống cho biết thêm, năm 2015, gia đình ông thu lãi hơn 80 triệu đồng. Đến nay, ngoài việc bảo đảm cho cuộc sống hàng ngày, gia đình đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt.

nam than ke chuyen lam an cua nhung nguoi tuoi khi hinh anh 2

Gia đình ông Xuống liên tục canh tác, thay đổi cây trồng trên diện tích đất hiện có.

Khác với gia đình ông Lư Văn Xuống, gia đình bà Tiền Thị Hận ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình lại khởi nghiệp kinh doanh bắt đầu từ việc buôn bán rau hành. Thấy mình có duyên với việc buôn bán, bà đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở dịch vụ phân bón thuốc trừ sâu và thu mua nông sản. Ban đầu chỉ buôn bán nhỏ lẻ, khi đã có vốn bà Hận mở rộng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Hiện gia đình bà đang buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu, làm đất, cung ứng giống cây trồng, giúp vốn cho bà con sản xuất.

“Làm gì cũng vậy vừa phải tính toán chi ly, vừa phải kết hợp nhiều mô hình làm ăn, ví dụ như vừa sản xuất vùa chăn nuôi bò vừa buôn bán kinh doanh, thu mua và chế biến nông sản. Bà con nào thiếu gạo ăn gia đình cung cấp gạo, hộ nào không có vốn sẽ được gia đình giúp vốn để làm ăn nhưng không lấy lãi, khi đến thu hoạch bà con sẽ bán lại sản phẩm cho gia đình”,  bà Hận cho hay.

Nhờ khéo léo tính toán cộng với uy tín của mình, gia đình bà Hận ngày càng được nhiều bà con trong xã tìm đến để hợp tác làm ăn. Đến nay, gia đình bà đã sở hữu hơn 100 con bò, gần 5 ha lúa mỗi năm sản xuất 3 vụ. Cộng với dịch vụ phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng và thu mua, chế biến nông sản, năm nào gia đình bà Hận cũng thu lãi trên 150 triệu đồng. Hiện số vốn lưu động của gia đình bà đã có hơn 1 tỷ đồng.

Theo bà Hận, việc đầu tư vật tư vào sản xuất nông nghiệp và vốn cho bà con sản xuất sau đó thu lại sản phẩm là rất bấp bênh, bởi vì không phải lúc nào bà con cũng trúng mùa. Đó là bài toán khó cho bà. Nhưng với sự nhanh nhạy, chủ động của mình, bà đã điều hành tốt việc làm ăn của gia đình.

Cũng như bao người dân khác, bà Tiền Thị Hận hy vọng sang năm 2016, Chính phủ sẽ có những quyết sách mới, tạo nguồn lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện đưa sản phẩm nông nghiệp thâm nhập sâu hơn, xa hơn vào các thị trường khó tính trên thế giới. Còn ông Lư Văn Xuống cho biết, tới đây ông sẽ mở rộng diện tích đất trồng thanh long và phát triển thêm đàn dê nuôi vỗ béo.

Chia tay với 2 nông dân người Chăm cần cù, biết tính toán, làm ăn hiệu quả, chúng tôi càng thêm trân trọng và thầm chúc cho họ càng thêm phát đạt trong mùa xuân mới.

Theo Dân Việt



Bài viết cùng chuyên mục