Mùa đông Hà Nội khiến người ta bồi hồi không chỉ bởi cái lạnh se sắt của thời tiết mà còn bởi những món ăn ngon.
Bánh chưng rán
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong dịp Tết của dân tộc nhưng cũng là món ăn đường phố không thể thiếu nếu bạn ghé thăm Hà Nội vào những ngày mùa đông.
Những gánh hàng rong, những xe đẩy bán bánh chưng rán nóng hổi là hình ảnh thân thương, rất đỗi quen thuộc mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.
Bánh chưng rán Hà Nội là những chiếc bánh chưng vuông nhỏ, có kích thước chỉ vừa bằng bàn tay của người lớn, không quá dày, mà cũng không quá mỏng. Bánh chưng thường được rán trên những chiếc mâm lớn, bởi bánh chỉ áp chảo chứ không chiên ngập dầu, sử dụng chảo nhỏ thì diện tích bé, khó có thể phục vụ được nhiều người.
1 chiếc bánh chưng kiểu này thường được chế biến khá lâu, nên ngay cả khi không có người mua, bánh vẫn được rán và đưa đi khắp phố phường.
Thông thường 1 chiếc bánh chưng rán có giá khoảng 10.000 đồng. Khi thưởng thức, bánh được chủ hàng dùng kéo cắt ra dễ dàng, rưới thêm xì dầu, tương ớt và 1 chút dưa góp giúp món ăn đỡ ngấy hơn.
Bánh rán mặn
Thêm một món bánh đặc trưng, không thể không nhắc tới mỗi khi Hà Nội bước vào mùa lạnh, đó chính là bánh rán mặn.
Vì sao lại là bánh rán mặn mà không phải là bánh rán ngọt? Lý do rất đơn giản, bánh rán ngọt thường được người ta làm sẵn rồi mới đem bán, còn bánh rán mặn thì thường được làm trực tiếp khi có người mua, chiên nóng hổi, vừa thổi, vừa ăn, rất thích hợp với tiết trời ngày đông.
Bánh rán mặn có vỏ được làm từ bột nếp, nhân bên trong là thịt băm, mộc nhĩ, miến, hành…được ướp đậm đà, thơm dậy mùi tiêu. Khi thưởng thức bánh rán mặn, chủ quán sẽ giúp bạn cắt ra để đỡ nóng, đưa kèm 1 bát nước chấm chua ngọt có đu đủ, cà rốt.
Bánh rán mặn ở Hà Nội ngon nhất có lẽ bạn nên qua Võng Thị, Lạc Long Quân hoặc những hàng bánh rán trên phố Phương Mai.
Ốc luộc
Nếu như người Sài Gòn đã quá quen với những món ốc được chế biến cầu kì thì người Hà Nội chỉ đơn giản với ốc luộc mà thôi. Ốc luộc nhìn chẳng mấy hấp dẫn nhưng vẫn cứ hút khách mỗi dịp đông về.
Để lý giải vì sao ốc luộc lại trở thành 1 trong những món ăn nổi tiếng và hấp dẫn người dân thủ đô đến vậy, có lẽ phải kể đến những món phụ kèm theo.
Ốc thường được luộc đơn giản với lá bưởi, củ sả đập dập, chưa cần ăn, chỉ ngửi mùi thôi cũng thấy thơm dễ chịu. Thành công của một hàng ốc phụ thuộc rất nhiều vào cách pha nước chấm và món sung muối ăn kèm. Nước chấm ốc cay thơm đậm đà vị mắm quyện gừng, sả, ớt, lá chanh thái chỉ, không cho tỏi trong công thức nước chấm này. Riêng sung muối phải vàng ươm, ăn chua giòn, không bị nhũn hay cứng quá.
Sung muối chua là món ăn kèm ốc luộc không thể thiếu
Thưởng thức ốc luộc ở Hà Nội có 3 lựa chọn, 1 là ăn ốc nhỏ, 2 là ốc to và 3 là ốc lẫn. Ốc nhỏ thường là ốc đá, ốc vặn, đậm vị hơn khi ăn kèm nước chấm. Ốc lớn là ốc nhồi, ốc mít…, ăn đã miệng, béo ngậy hơn loại ốc nhỏ nhưng không phải ai cũng thích.
Giá một bát ốc luộc ở Hà Nội thường giao động từ 25-40 nghìn đồng.
Ngô, khoai nướng
Đi dọc khắp phố phường thủ đô mùa lạnh, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh mọi người quây quần bên bếp than hồng đỏ lửa, cùng nhau nướng ngô, khoai và thưởng thức tại chỗ.
Chẳng cầu kì nguyên liệu, người bán những món ăn này chỉ cần một chiếc bếp than cùng những tải ngô, khoai đi kèm. Khi nướng, bắp ngô sẽ bỏ hết vỏ và râu. Riêng khoai lang có thể luộc sơ qua rồi mới nướng thì sẽ dễ chín hơn.
Giản dị nhưng ấm cúng, chính bếp than hồng và những món ăn này đã kết nối mọi người lại với nhau, cùng nhau trải qua bao mùa đông giá rét.
Giá mỗi bắp ngô, củ khoai thường giao động khoảng 8-10 nghìn đồng.
Cháo sườn
Cháo sườn mùa nào cũng có, nhưng hễ đông về, những hàng cháo sườn lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên. Điều này cũng dễ hiểu, vì những món ăn nóng hổi thường được lòng người hơn vào mùa lạnh.
Cháo sườn thường được bán rong, ngồi vỉa hè hoặc nép mình dưới sân những khu tập thể cũ. Chẳng biển bảng, bàn ghế cầu kì, những chiếc ghế nhựa vừa được tận dụng làm bàn, vừa làm ghế. Người Hà Nội đã quen với cách thưởng thức này bao năm nay.
Cháo sườn ngon sử dụng bột gạo xay mịn, ninh cùng xương sườn. Khi ăn cháo quyện với thịt sườn nhuyễn mịn, không có xương. Ruốc và quẩy giòn là 2 món phụ ăn kèm không thể thiếu. Bạn có thể cho thêm hạt tiêu, bột ớt để món cháo tăng hương vị.
Giá một bát cháo sườn khoảng 15.000 -20.000 đồng.
Chè sắn
Mùa sắn rơi vào khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau, chính bởi vậy món chè sắn chỉ mùa đông mới có.
Chè sắn truyền thống chỉ có sắn, bột đao và gừng tươi. Chè sắn hiện đại có thêm cả nước cốt dừa, dừa tươi ăn kèm.
Cảm giác đầu tiên khi nếm thử món chè sắn là một trải nghiệm thú vị đối với những ai chưa từng có cơ hội. Chè sắn bở tơi, dậy thơm mùi gừng, ăn đến đâu là ấm bụng đến đó. Chè có thể nấu bằng đường kính trắng nhưng ngon nhất phải là loại đường hoa mai, giúp món chè không quá ngọt, vị rất thanh, ăn không bị gắt hay dễ ngấy.
Một bát chè sắn nóng ở Hà Nội thường giao động từ 10.000 – 12.000 đồng/bát.
Thịt xiên nướng
Cứ mỗi độ chiều về, trên khắp các con phố ở Hà Nội, bạn có thể dễ dàng nhận ra những hàng thịt xiên nướng mùi vị thơm phức, nghi ngút khói. Món ăn này càng hấp dẫn hơn khi tiết trời vào đông.
Thịt xiên thường là thịt ba chỉ cắt nhỏ, ướp cùng với sả, hành và các nguyên liệu gia vị, tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Mỗi xiên thịt có giá khoảng 10.000 đồng. Bạn có thể ăn thịt kèm với bánh mỳ nướng mật ong hoặc bánh mỳ thường với giá 15.000-20.000 đồng.
Theo emdep