Megalodon chưa hẳn là chúa tể đại dương nguyên thủy bởi chúng vẫn phải dè chừng một “quái vật” khác.
Ngày nay, cá mập trắng khổng lồ là kẻ thống trị biển cả. Còn trong quá khứ danh hiệu đó thuộc về “ông tổ” khổng lồ của chúng là cá mập Megalodon.
Megalodon có kích thước lớn gấp 3 lần cá mập trắng – lên tới 20m, cùng một cú đớp uy lực mà không sinh vật nào trong lịch sử so sánh nổi. Dựa trên dữ liệu từ mô hình máy tính, các nhà khoa học cho rằng Megalodon có thể cắn với lực lên tới 11-18 tấn, đủ sức làm bẹp dúm một chiếc ô tô.
Điều này cũng có nghĩa rằng Megalodon có thể săn bất cứ con mồi nào trong đại dương ngày nay, từ sư tử biển, bò biển, rùa biển, cá heo, cho tới cá voi lớn…
Với sức mạnh đáng sợ như vậy nếu Megalodon không phải là vua của mọi thủy quái thì còn loài nào nữa đây?
Xin giới thiệu Livyatan Melvillei – kẻ thù truyền khiếp của “siêu cá mập”
Hóa thạch cá voi ăn thịt Melvillei được phát hiện khá muộn vào năm 2008, sau Megalodon gần 400 năm.
Melvillei cũng tung hoành trên biển cả từ khoảng 13 triệu cho đến 5 triệu năm trước, tức cùng thời điểm với cá mập khổng lồ, và do đó sự cạnh tranh lẫn nhau giữa hai loài là khó tránh khỏi.
Hình dáng của Melvillei gần giống với cá nhà táng hiện đại, với chiều dài từ 13,5-18 mét và cân nặng khoảng 50 tấn. Có điều, sinh vật cổ đại này được vũ trang nhằm mục đích săn những con mồi khổng lồ.
Hàm của Melvillei
Thay vì hàm dài và hẹp của cá nhà táng, Melvillei sở hữu xương sọ dài 3 mét với hàm rộng và những chiếc răng hình nón dài tới 36cm – hàm răng lớn nhất trong tất cả động vật.
Đồng thời các răng hàm trên còn có phần lõm giúp khít sát với răng hàm dưới khi khép miệng làm tăng khả năng cắt thịt.
Hốc thái dương, nơi gắn cơ đóng mở hàm của Melvillei cũng to hơn hẳn cho phép chúng có lực cắn mạnh hơn.
Kích thước hốc thái dương của Melvillei, cá nhà táng (Sperm whale), và cá voi sát thủ (Killer whale)
Và bạn hãy tưởng tượng, một chú cá nhà táng thừa sức đánh bại loài mực khổng lồ dài 13 mét thì Melvillei còn có bản năng sát thủ tới mức nào.
Ngoài ra, hóa thạch Melvillei cho thấy phần đầu chúng cũng mang cơ quan chứa dầu sáp tương tự cá nhà táng. Ở cá nhà táng thì cơ quan này giúp hỗ trợ lặn sâu, phát sóng âm định vị, và công cụ tự vệ dùng để húc. Chức năng có lẽ tương tự ở Melvillei, thậm chí các nhà khoa học cho rằng đó còn là vũ khí săn mồi.
Gặp con mồi nhỏ Melvillei chỉ cần tấn công bằng hàm, nhưng với con mồi lớn, loài này sẽ sử dụng đầu như một chiếc búa khổng lồ, tông thẳng vào thân thể với tốc độ cao, gây tổn thương cơ quan nội tạng, khiến nạn nhân suy yếu rồi mới xẻ thịt.
Đáng sợ hơn nữa, các loài cá voi đều có đời sống bầy đàn phức tạp, và Melvillei không phải trường hợp ngoại lệ. Khả năng phối họp nhóm khi đi săn đem lại cho chúng khả năng hạ gục con mồi lớn hơn bản thân nhiều lần.
Lí do Megalodon sẽ là “bại tướng” khi đối đầu Melvillei
Với hai kẻ săn mồi tồn tại trong cùng không gian, thời gian, và nguồn thức ăn chính đều là các động vật có vú dưới biển thì sớm hay muộn cuộc chiến sinh tử giữa cả hai cũng diễn ra.
Megalodon dường như nắm khá nhiều ưu thế: cân nặng tối đa gấp đôi Melvillei, lực cắn mạnh vô đối, thân hình rắn chắc, và không cần trồi lên mặt nước hít thở không khí.
Nhưng xét tới cân nặng thì con số 100 tấn đi kèm chiều dài 20 mét của Megalodon là ngưỡng lớn nhất theo ước tính của một số nhà khoa học, còn hiện nay được công nhận phổ biến là cá mập khổng lồ chỉ cân nặng khoảng 50 tấn cùng chiều dài 18 mét, ngang ngửa cá voi Melvillei.
Và dù sức mạnh thể chất không sánh bằng thì Melvillei bù lại có trí thông minh bậc cao của động vật có vú, cùng dòng máu nóng cho chúng khả năng xoay sở nhanh nhẹn hơn.
Như một số phát hiện gần đây, các loài cá mập có thể rơi vào trạng thái hôn mê nếu bị lật ngửa bụng. Cá voi sát thủ Orca biết được nhược điểm đó và áp dụng để săn cá mập trắng ngày nay, nếu quay ngược lại quá khứ, Mevillei đủ thông minh dùng cách tương tự thì Megalodon chỉ còn nước… đi bán muối.
Cuối cùng nhân tố vô cùng quan trọng là Megalodon săn mồi đơn độc, còn Melvillei đi theo đàn.
Một đối một thì kết quả khó phân định nhưng 2, 3, hay nhiều hơn Melvillei cùng “đánh hội đồng” chắc hẳn một Megalodon dù dữ dằn đến mấy cùng đành phải thất thủ.
Do vậy tổng hợp tất cả yếu tố thì xác suất giành phần thắng khi đối đầu của Melvillei cao hơn Megalodon. Còn bạn nghĩ sao về kết quả trận chiến giữa hai quái vật cổ đại này, xin mời để lại bình luận bên dưới.
Nguồn: Owlcation, Iflscience, Nationalgeographic, Dinosaurs