Người dân tại Queensland (Úc) đã ghi nhận một vầng sáng rực rỡ ngay giữa đêm khuya, trước khi tiếng nổ lớn vang lên, làm rung chuyển nhiều căn nhà.
Mới đây, cư dân tại trung tâm Queensland (Úc) đã ghi nhận một vầng sáng rực lửa, đi kèm một tiếng nổ rất lớn, rung chuyển bầu trời giữa đêm khuya. Quầng sáng đó được nghi là do thiên thạch rơi xuống tạo thành.
Quầng sáng rơi xuống Queensland đêm 26/9/2016
Ngay sau đó, đài Geosciences Australia chính thức xác nhận có một cơn địa chấn xung quanh vùng Gladstone, và đó không phải là do động đất gây nên.
Jacques Reimers – một nhân chứng kể lại: “Nó trông như một ngôi sao băng, thắp sáng cả bãi biển, rồi khoảng một phút sau có tiếng nổ rất lớn vang lên, đi kèm xung động làm rung chuyển ô tô của tôi”.
Một nhân chứng khác – Lynette Emrson – cho biết chồng của cô đã tận mắt chứng kiến điều đó: “Chồng tôi đang đi đổ rác thì thấy một vầng sáng chiếu rọi xuống ngôi nhà. Ông quay lại và nhận ra có một ngôi sao băng rực rỡ rạch ngang bầu trời, rồi biến mất dưới biển”.
Vệt sáng đó là gì?
Theo như một số chuyên gia, trong đó có nhà vật lý thiên văn của ĐH Harvard (Mỹ) – Johnathan Powell: “Nhiều khả năng âm thanh đó là một vụ va chạm thiên thạch, với cường độ lớn nhất trong vài năm trở lại đây”.
Powell cho biết: “Tôi ước đoán đây là một tảng thiên thạch có bề ngang khoảng vài mét, đủ lớn để không bị đốt cháy trước khi va chạm xuống mặt đất”.
Thiên thạch khi rơi vào bầu khí quyển sẽ tăng áp suất và nhiệt độ, khiến nó nổ tung và phát hỏa
Biên tập viên đài Astro Space New – Dave Reneke cũng đồng ý với điều này. Ông cho rằng, mọi người đã nhìn thấy một quả cầu lửa do thiên thạch rơi xuống: “Nó khá hiếm, xảy ra cách chúng ta khoảng 70 – 80 km, và nó là thiên thạch”.
Theo Reneke, quầng sáng đó xuất hiện là do thiên thạch phát nổ. “Chúng di chuyển với tốc độ 30 – 60km/s nên khi va chạm với bầu khí quyển, nhiệt độ của thiên thạch sẽ tăng rất cao. Áp suất lúc này tăng lên cùng với nhiệt độ, khiến cho thiên thạch nổ tung“.
Thiên thạch rơi xuống là điều bình thường.
Tuy nhiên, Reneke cũng cho biết đây là chuyện bình thường. Có tới hàng trăm tấn thiên thạch rơi xuống Trái đất hàng ngày, và hầu hết số đó vô hại.
Những thiên thạch cỡ như lần này là tương đối hiếm gặp, nhưng cũng khó mà đủ khả năng để gây tổn hại lớn đến Trái đất.