.
.

Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử vũ trụ lần đầu tiên được ghi lại


Sau rất nhiều năm nghiên cứu về vũ trụ, lần đầu tiên các chuyên gia công bố những hình ảnh về cuộc chiến được xem là “khốc liệt nhất” Dải Ngân Hà của chúng ta.

Cách Trái đất 7.500 năm ánh sáng là hai ngôi sao có khối lượng và mật độ được xem là lớn nhất thiên hà của chúng ta. Hệ sao đôi này được gọi là Eta Carinae, được bao quanh bởi một tinh vân hình thành từ khoảng 2 thế kỷ trước.

Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử vũ trụ lần đầu tiên được ghi lại - Ảnh 1.

Nhưng tại sao lại nhắc đến 2 ngôi sao này? Đó là vì, 2 ngôi sao này đã tham gia vào một cuộc “chiến tranh” cực kỳ bạo lực trong hàng thiên niên kỷ rồi. Và đến nay, lần đầu tiên sau rất nhiều năm nghiên cứu thiên văn vũ trụ, các chuyên gia mới ghi lại được những hình ảnh chi tiết về trận chiến “hung hiểm” bậc nhất vũ trụ này.

Trận chiến này thực chất là hình thức những ngôi sao này trở nên bùng nổ với tần suất và mật độ lớn khủng khiếp. Đến nỗi, Eta Carinae đã từng được gọi là những “chuẩn siêu tân tinh” – vì quá trình vận động của 2 ngôi sao lớn đến mức gần như tương đương với một ngôi sao đang phát nổ. Ví dụ như vào năm 1837 đã diễn ra một vụ nổ lớn tại đây. Vụ nổ kéo dài tới 18 năm, chiếu sáng tới tất cả mọi vật trong Dải Ngân Hà của chúng ta.

Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử vũ trụ lần đầu tiên được ghi lại - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng từ NASA

Các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao hệ sao đôi này lại có những trận chiến khủng khiếp như thế. Chỉ biết rằng, cả 2 vẫn đang tạo ra những cơn gió đầy khí và bụi với vận tốc lên tới 10 triệu km/h.

2 ngôi sao trong hệ sao này là Eta Carinae A và B. Trong đó, Eta Carinae B là ngôi sao nhỏ hơn, nhưng cũng có khối lượng lớn hơn Mặt trời của chúng ta tới 30 lần, và sáng hơn cả triệu lần. Với Eta Carinae A, con số thậm chí lên tới 90 lần và sáng hơn 5 triệu lần.

Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử vũ trụ lần đầu tiên được ghi lại - Ảnh 3.

Thời điểm cận tinh

Cứ mỗi 5,5 năm, 2 ngôi sao lại di chuyển gần lại nhau, với khoảng cách tương đương từ sao Hỏa đến Mặt trời (khoảng 228 triệu km). Đó được gọi là thời điểm “cận tinh” (periastron). Lần gần nhất điểm cận sao này xảy ra là vào tháng 8/2014, và thật may, đó cũng là thời điểm đài quan sát Nam châu Âu (ESO) đã lắp đặt thành công kính thiên văn khổng lồ VLTI để quan sát được hiện tượng này.

Đến nay, lần đầu tiên hình ảnh về vụ “đụng độ” được công bố. Hình ảnh không thực sự rõ ràng, nhưng đủ để chính thức xác nhận rằng có một trận chiến rất khốc liệt trên Eta Carinae.

Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử vũ trụ lần đầu tiên được ghi lại - Ảnh 4.

Hình ảnh do ESO công bố

Nhìn chung, mỗi ngôi sao bên trong hệ sao đôi này có khả năng giải phóng những cơn gió phân tử cực mạnh, đẩy nhiệt độ lên mức 50 triệu độ C. Gió bụi và khí từ 2 bên đã tạo thành tinh vân hình quả tạ bao quanh cả 2 ngôi sao.

Gerd Weigelt – nhà thiên văn thuộc Viện Max Planck (Đức) cho biết: “Giấc mơ của chúng ta đã thành hiện thực. Dù không thể có những bức hình sắc nét, nhưng đây là cơ hội có 1-0-2 để thu nạp thêm kiến thức về Eta Carinae, cũng như các vật thể tương tự trong vũ trụ”.

Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử vũ trụ lần đầu tiên được ghi lại - Ảnh 5.

Có thể trong tương lai, đây sẽ là một trong những tư liệu quý giá để các chuyên gia nắm được lý do nào đã hình thành nên một trong những vụ bùng nổ lớn nhất trong lịch sử thiên hà của chúng ta.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Nguồn: Science Alert


Bài viết cùng chuyên mục